1.001 loại "áp - xe"

Nhiễm trùng, điều trị không dứt điểm các bệnh liên quan là những nguyên nhân chính gây ra tình trạng áp - xe.

Ổ áp-xe là một vùng tụ mủ ở bất cứ nơi nào trên cơ thể do vi trùng, ký sinh trùng hây nấm gây nên. Không dễ nhận thấy như những ổ áp-xe ngoài da, các ổ áp-xe nằm trong cơ thể có thể âm thầm gây ra những tổn thương nghiêm trọng. Biết và điều trị sớm, đúng cách, bạn có thể hạn chế tối đa những tổn thương do chúng gây ra. Áp-xe Amiđan: Viêm amiđan nếu không được điều trị dứt điểm, những vi khuẩn còn lại sẽ tấn công các khu vực quanh amiđan, gây ra hiện tượng viêm tấy, hóa mủ. Các yếu tố làm tăng nguy cơ bị áp-xe amiđan là người có sức đề kháng giảm, mắc bệnh tiểu đường, HIV, đang hóa trị ung thư hoặc điều trị bằng corticoids... Biểu hiện: Đau họng, đau lan lên tai khi nuốt, đau nhức vùng góc hàm, sốt cao, ớn lạnh, hơi thở có mùi khó chịu... Mức độ nguy hiểm: Nếu không điều trị ngay, vùng viêm tấy ngày càng to lên, vùng viêm tấy ngày càng to lên, làm vùng họng bị thu hẹp lại dẫn đến giọng nói thay đổi, khó nghe. Nguy hiểm hơn, khối áp-xe này sẽ lan ra các vùng lân cận, xuống thanh quản gây viêm quản. Áp-xe còn có thể lan đến trung thất, phổi, gây nhiễm khuẩn huyết và có thể dẫn đến tử vong. Bạn nên đến các bệnh viện Tai Mũi Họng để kiểm tra. Bác sĩ có thể trích rạch khối áp-xe dẫn lưu mù và điều trị nội khoa bằng kháng sinh. Amiđan chỉ nên cắt khi hết dấu hiệu viêm nhiễm tại chỗ khoảng một tháng. Áp-xe răng: Răng bị nhiễm khuẩn dẫn đến xuất hiện mủ bên trong răng hay nướu răng. Nhóm đối tượng thường bị áp-xe răng gồm những người không vệ sinh răng miệng sạch sẽ, đúng cách. Thức ăn còn dính lại trong răng tạo thành môi trường sống thuận lợi cho vi khuẩn. Những người bị sâu răng nhưng không chữa trị có nguy cơ mắc bệnh nhiều nhất. Khi bị sâu răng, trong tủy hay nướu răng đã có vi khuẩn. Sự hoạt động của chúng tiết ra độc tố khiến vùng quanh tủy, nướu sưng tấy, có mủ và gây nên áp-xe. Biểu hiện: Đau buốt kéo dài, có thể kèm theo đau lan đến tai, xương hàm hoặc cổ, người bệnh trở nên khó tính, mệt mỏi, mất ngủ. Áp-xe răng gây khó chịu, đau đớn, ảnh hưởng đến tinh thần và hiệu quả làm việc nên điều trị ngay từ đầu là rất cần thiết. Phòng ngừa: Bạn phải vệ sinh răng miệng hàng ngày, ngay sau khi ăn và súc miệng bằng nước muối để diệt vi khuẩn trong miệng. Bên cạnh đó, bạn cần lấy cao răng mỗi 6 tháng/lần. Nếu bị sâu răng, bạn phải chữa trị triệt để. Áp-xe gan: Da không vàng, người không mệt mỏi, chị Hồ Phương Lan, 37 tuổi, Q.Gò Vấp, TP.HCM, chỉ cảm thấy nóng sốt thất thường hơn mọi ngày. Thỉnh thoảng, chị cũng cảm thấy nhói đau bên sườn phải dưới, nhưng chị tự nhủ: "Chắc tại hôm qua đi du lịch, leo núi, đi bộ nhiều quá nên mới đau như vậy". Mấy ngày sau, những cơn sốt không rõ nguyên nhân vẫn tiếp tục xuất hiện. Ngoài ra, chị còn vã mồ hôi và sụt cân. Lo lắng, chị đến bệnh viện kiểm tra. Kết quả cho thấy bạch cầu, men gan, bilirubin... của chị đều tăng. Bác sĩ kết luận chị có những biểu hiện bị áp-xe gan. Chị cho biết mình đang điều trị tắc và viêm đường mật. Điều chị không biết là bệnh đó có liên quan mật thiết đến áp-xe gan. Áp-xe gan thường có những biểu hiện: Đau bụng, sốt, lạnh run, vã mồ hôi, nôn, sụt cân, vàng da. Nếu ổ áp-xe vỡ vào màng phổi sẽ có thêm triệu chứng đau ngực và khó thở. Cũng có nhiều trường hợp mắc bệnh nhưng không có dấu hiệu rõ ràng. Thế nhưng, nếu sốt không rõ lý do nhiều ngày liên, kèm theo đau sườn phải thì làm xét nghiệm, CT ổ bụng, siêu âm bụng ngay. Ngoài nguyên nhân do tắc và viêm đường mật, những nguyên nhân khác dễ gây áp-xe gan là nhiễm trùng khu vực ổ bụng khiến vi trùng xâm nhập vào mấu sau đó di chuyển đến gan. Người bị chấn thương hoặc phẫu thuật ở vùng gan cũng dễ bị áp-xe gan. Tỷ lệ tử vong của bệnh này khá cao, khoảng 15% nên người bệnh cần đi khám sớm để kịp thời điều trị. Điều trị: Dùng kháng sinh hoặc dẫn lưu ổ mủ dưới siêu âm. Nếu bệnh nhân vẫn tiếp tục sốt sau hai tuần điều trị kháng sinh và dẫn lưu ổ mủ thì sẽ phẫu thuật. Áp-xe Phổi: Một số di vật như xương cá, răng giả, hạt cam... khi nằm trong phổi lâu ngày có thể gây ra ổ viêm nhiễm ở phổi, gây hoại tử ở nhu mô phổi, tạo nên một hang chứa mủ gọi là áp-xe. Ngoài ra, các loại vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm từ các ổ nhiễm trùng ở răng miệng, nhiễm trùng huyết... cũng là thủ phậm gây ra căn bệnh này. Biểu hiện: Ban đầu, người bệnh thường bị sốt cao, ho, khạc có đờm mủ, đau ngực, khó thở, vã mồ hôi. Sau mỗi lần khạc mủ, bệnh nhân thấy đỡ sốt, bớt đau ngực. Mức độ nguy hiểm: Nếu được điều trị sớm, một nửa trường hợp có thể khỏi. Điều trị không đúng cách hay muộn sẽ dễ tái phát và gây ra những biến chứng nguy hiểm như: tràn khí, tràn mủ màng phổi, gây áp-xe não, giãn phế quản thậm chí tử vong, nếu ho khạc nhiều dẫn đến suy hô hấp, trụy tim mạch... Điều trị: Thông thường, người bệnh phải điều trị nội khoa bằng kháng sinh trong thời gian dài. Nếu hết sốt, ăn ngon miệng trở lại, người bệnh vẫn nên đi chụp X-quang để kiểm tra. Trường hợp sau bốn tuần điều trị nội khoa, tình trạng vẫn không cải thiện, bệnh nhân phải tiến hành phẫu thuật cắt bỏ áp-xe phổi. Ngoài ra, bệnh còn có thể điều trị bằng dẫn lưu tư thế, vật lý trị liệu. Phòng tránh: Áp-xe phổi tuy nguy hiểm nhưng có thể phòng tránh dễ dàng bằng cách giữ vệ sinh răng miệng, tai mũi họng, điều trị sớm và dứt điểm các bệnh ở khu vực miệng để tránh hít phải vi khuẩn gây bệnh. Khi phát hiện mắc dị vật, đặc biệt là đối với trẻ em, phải đến bệnh viện để lấy ra ngay. Áp-xe Da: Đây là một nhiễm trùng khu trú sâu trong da, giống như mộ mụn nhọt lớn, sưng đỏ và có mủ. Mức độ nguy hiểm: Áp-xe da vừa gây mắt thẩm mỹ vừa có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết nếu không được điều trị sớm và giữ vệ sinh đúng cách khi da bị tổn thương. Phòng tránh: Bạn nên điều trị lành các vết thương trên da, các loại mụn. Dùng xà phòng kháng khuẩn giúp ngăn chặn vi trùng phát triển trên da, giảm nguy cơ hình thành áp-xe. Nên tắm rửa, thay giặt đồ hàng ngày. Theo BS Nguyễn Xuân Bích Huyên

Nguồn TTOL: http://tintuconline.vietnamnet.vn/vn/suckhoe/443531/index.html