10 Linh vật phổ biến nhất ở Việt Nam

Rồng, công, rùa, phượng, hổ, chim Lạc,…là một trong những linh vật lớn và phổ biến nhất, thể hiện bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam hiện nay.

Từ xưa đến nay, mỗi linh vật đều được coi trọng như những biểu tượng văn hóa con người truyền đạt ý tưởng, niềm tin tâm linh, tôn giáo. Mỗi linh vật trong tiến trình phát triển đều thể hiện bản sắc riêng của dân tộc, mang đặc điểm, nét nghệ thuật đặc trưng riêng của mỗi thời kì lịch sử khác nhau. Hiện nay tại Việt Nam, số lượng những linh vật lớn rất phong phú, đa dạng trải dài trên rất nhiều vùng miền.

1. Rồng – Công

Hiện cặp linh vật đang được đặt tại khu du lịch Thung lung tình yêu TP.Đà Lạt. Ảnh: haidang.

Là cặp linh vật vừa được sách kỉ lục Việt Nam xác nhận là “Linh vật bằng vàng – đá quý lớn nhất Việt Nam”, được chế tác bởi hơn 270 nghệ nhân Thái Lan trong hơn một năm bằng bạc, đồng đỏ, đồng vàng, mạ vàng 24k, sử dụng mạ tay và mạ tĩnh điện. Ngoài ra trên mình cặp linh vật này còn được gắn rất nhiều loại pha lê, đá quý…

Đối với người Việt Nam, con rồng là biểu tượng của sức mạnh, cầu mưa và mong ước một cuộc sống phồn thịnh; con công là hình ảnh tượng trưng cho sự uy quyền cao quý và là biểu tượng của sự gắn bó trong hạnh phúc lứa đôi.

2. Nghê

Hiện nay, đôi nghê bằng đá nhân tạo này đang được đặt tại đình Trạch Xứ, Ứng Hòa, Hà Nội. Ảnh: Quý Đoàn.

Nghê là một linh vật thuần Việt, được sáng tạo mang ý nghĩa bảo vệ đời sống tâm linh và thường thấy hình ảnh đó trên các ngôi đình cổ tại Việt Nam.

Cặp nghê lớn nhất Việt Nam có chiều dài hơn 1m, được nhà điêu khắc Liên Vũ làm bằng đá nhân tạo, lấy hình mẫu theo đôi nghê gỗ phủ sơn ở đền vua Lê Thánh Tông (Thọ Xuân, Thanh Hóa, thế kỷ 17). Đây là mẫu linh vật đầu tiên được cấp phép cung tiến vào di tích đã xếp hạng.

3. Kỳ lân

Cặp kỳ lân của ông L.M.S. Ảnh: danviet.

Kỳ lân là linh vật biểu trưng cho lòng nhân từ. Ở Việt Nam, hình tượng kỳ lân xuất hiện phổ biến ở thời Lê sơ thế kỷ 15, khi Nho giáo phát triển ở thời kì đỉnh cao.

Một trong những cặp kỳ lân lâu đời và quý hiếm nhất là cặp kỳ lân làm bằng đồng đen cổ của một dòng họ tại tỉnh Vĩnh Long. Hiện tại đang được ông L.M.S lưu giữ tại Bình Thủy, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, ông chính là một người con của dòng họ và đây là báu vật của tổ tiên ông để lại.

4. Rùa

Rùa ở Văn Miếu Quốc Tử Giám. Ảnh: baodautu.

Trong nghệ thuật kiến trúc và trang trí, rùa thường được thể hiện cùng các linh vật khác thuộc bộ tứ linh, nhưng phổ biến nhất là hình tượng “rùa đội bia” và “rùa đội hạc” trong các đình chùa, trong Văn Miếu Quốc Tử Giám và Văn Miếu Huế.

5. Phượng

Hoa văn phượng trên hộp cơi trầu Triều đình thời nhà Nguyễn tại Bảo tàng quốc gia Việt Nam. Ảnh: baotanglichsu.

Phượng là hình ảnh tượng trưng cho sự cao quý của triều đình, hoàng thái hậu, hoàng hậu và phụ nữ quý tộc thời phong kiến. Ở Việt Nam, hình ảnh phượng là đề tài trang trí phổ biến ở mọi thời đại và trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác nhau.

6. Si vẫn (con Kìm)

Linh vật Si vẫn. Ảnh: 24h.

Theo truyền thuyết, Si vẫn là con vật biển có đuôi cong tròn, đập sóng thì mưa xuống nên người ta vẫn thường gắn Si vẫn lên nóc các công trình kiến trúc với ý nghĩa đề phòng hỏa hoạn.

Là một linh vật dùng trong trang trí kiến trúc, đây là một trong những hiện vật quý hiếm đang được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Việt Nam.

7. Bồ Lao

Bồ Lao trên quả chuông chùa Thanh Long (Thái Bình), chất liệu đồng thời Lê Trung Hưng tại Bảo tàng quốc gia Việt Nam. Ảnh: diendanphatphap.

Theo truyền thuyết, Bồ Lao là động vật biển, thích âm thanh lớn và thích gầm rống. Người xưa khi đúc chuông thường tạo quai hình Bồ Lao, còn dùi thì làm theo hình cá kình với mong muốn tiếng chuông kêu vang xa. Do đó, Bồ Lao cũng được dùng để nói đến tiếng chuông chùa. Ở Việt Nam, Bồ Lao thường được thể hiện dưới dạng hình Rồng hai đầu.

8. Hổ

Cặp tượng Hổ Đá thời Lê Trung Hưng, thế kỷ 17 – 18 tại Văn Miếu Xích Đằng, Hưng Yên. Ảnh: Trần Việt Anh.

Ở Việt Nam, hổ được coi là chúa sơn lâm. Bởi vậy hổ đã được linh hóa và đó là biểu tượng của sự thống lĩnh, quyền uy, công danh và sức mạnh. Hổ thường được đặt ở vị trí trấn giữ các công trình kiến trúc cổ và các miếu, trong những điện thờ Mẫu thường có bàn thờ Ngũ Hổ với 5 màu là vàng, xanh, trắng, đỏ, đen tượng trưng cho Ngũ Hành.

9. Chim Lạc

Hình ảnh chim Lạc trên Trống đồng Đông Sơn tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Ảnh: wiki.

Chim Lạc là vật tổ của cư dân Đông Sơn, được xem là biểu tượng của nước Âu Lạc, là một loài chim nổi tiếng trong truyền thuyết. Hình ảnh chim Lạc cũng là biểu tượng luôn được thấy trên mặt Trống Đồng. Chim Lạc tượng trưng cho tinh thần và văn hóa Đông Sơn của Việt Nam.

10. Sấu

Sấu đá thời Lý, thế kỷ 12 ở chùa Hương Lãng, Hưng Yên. Ảnh: nhandan.

Sấu hay còn gọi là “Sóc’’ hoặc “Sấu nghê sóc”, xuất hiện trong nghệ thuật của Việt Nam bắt đầu từ thời Lý, tồn tại cho tới thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 17 – 18). Cũng giống như Nghê, Sấu là một linh vật thuần Việt, thường được thể hiện trên mặt dốc thành bậc trước cửa chùa, tháp hoặc lăng mộ. Đây cũng là một trong những linh vật độc đáo của Việt Nam, chưa từng xuất hiện trong bất cứ nền nghệ thuật nào trên thế giới.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/khoa-hoc/10-linh-vat-pho-bien-nhat-o-viet-nam-515884.bld