10 năm 'khai tử' Concorde: 'Kỷ nguyên siêu thanh' có trở lại bầu trời?

Cách đây đúng 10 năm, vào ngày 24/10/2003, máy bay siêu thanh Concorde đã thực hiện những chuyến bay thương mại cuối cùng. Nhưng đến nay, tình yêu dành cho Concorde vẫn không hề giảm đi và người ta thậm chí còn thắc mắc liệu chúng có còn cất cánh bay trở lại.

Trong thời khắc kể trên, 3 chiếc Concorde lần lượt hạ cánh xuống sân bay quốc tế Heathrow, khi hàng ngàn người hâm mộ chiếc máy bay xúc động nhìn theo.

Đỉnh cao công nghệ và thiết kế

Sau 27 năm hoạt động, chiếc máy bay chở khách nổi tiếng nhất thế giới và được xem là một kỳ quan công nghệ, đã được cho về hưu, đầu tiên là bởi hãng hàng không Pháp Air France và tiếp theo là British Airways của Anh. Sự kiện đã chấm dứt kỷ nguyên bay dân dụng siêu thanh.

Nhưng điều khiến người ta ngạc nhiên là khối thép ồn ào, gây ô nhiễm và có giá cắt cổ cho mỗi chuyến bay ấy vẫn được đông đảo công chúng nhớ tới với sự trìu mến. "Chiếc máy đó có lẽ còn hiện đại hơn cả tàu vũ trụ Apollo 11, vốn đã đưa người đầu tiên lên mặt trăng" - Jock Lowe, người không chỉ là phi công có thời gian lái Concorde dài nhất mà còn là cựu Chủ tịch Hội Hàng không Hoàng gia danh tiếng, cho biết - "Không một chiếc máy bay quân sự nào có thể sánh bằng nó. Nó rất cơ động và có thừa năng lượng tới mức ngay cả các cựu phi công chiến đấu cũng không quen với nó".

Máy bay Concorde của British Airway trong chuyến bay thương mại cuối cùng hồi năm 2003

Concorde là sản phẩm hợp tác giữa Tập đoàn sản xuất máy bay Anh quốc và Aerospatiale của Pháp trong những năm 1960. Chuyến bay thương mại đầu tiên của nó không diễn ra cho tới năm 1976 và chỉ có 20 chiếc Concorde từng được chế tạo.

Trong kỷ nguyên máy bay chở khách thường chỉ có hình dáng thô kệch, Concorde quả thực đã là một kỳ quan về thiết kế và công nghệ. Đây là chiếc máy bay chở khách đầu tiên sử dụng hệ thống nạp khí cho động cơ sử dụng máy tính điều khiển. Ngày hôm nay điều này chẳng còn gì mới mẻ. Nhưng ở thời Concorde, đó là một bước nhảy vọt về công nghệ hàng không. Hệ thống giúp tốc độ không khí giảm xuống chỉ còn 1.600km/h trong một khoảng không với chiều rộng chỉ 4,5 mét. Nếu không có hệ thống, các động cơ máy bay có lẽ đã vỡ tan.

Concorde có những chiếc phanh dùng sợi carbon. Ngày nay đây chỉ là điều bình thường. Nhưng trong những năm 1960, đó đã là một kỳ quan về công nghệ. Ngoài ra, máy bay đã được điều khiển bằng tín hiệu điện tử hàng thập kỷ trước khi Airbus đưa công nghệ vào ứng dụng đại trà.

Concorde sử dụng động cơ đốt hậu để đạt tốc độ siêu âm, lên tới 2.400km/h (so với tốc độ chỉ dưới 1.000km/h của máy bay hiện đại). Phần mũi của máy bay có thể cụp xuống và thay đổi góc độ tùy thuộc vào hoạt động cất cánh và hạ cánh.

Sau một thập kỷ, vẫn còn nhiều sự tức giận về cách thức người ta khiến Concorde phải về hưu. British Airways và Airbus, nơi chịu trách nhiệm sản xuất linh kiện thay thế và bảo trì chiếc máy bay, đều bị buộc tội đã khai tử nó quá sớm.

Trở lại bầu trời?

Và ngay khi chiếc máy bay hoàn tất những chuyến bay cuối cùng, một chiến dịch khác đã được khởi động nhằm đưa nó lên trời trở lại. Cho tới nay chiến dịch này vẫn đang trong động lực rất mạnh. Mang tên Nhóm Cứu vớt Concorde (SCG), những người thực hiện chiến dịch muốn British Airways hoặc bỏ tiền ra để tổ chức một chuyến bay tưởng nhớ di sản Concorde, hoặc để việc này cho những người có tiềm lực đảm nhận.

Hệ thống điều khiển trong khoang lái Concorde. Thời điểm mới ra mắt, chiếc máy bay là sản phẩm hội tụ đỉnh cao công nghệ, kỹ thuật

British Airways hiện vẫn sở hữu 8 chiếc Concorde nằm rải rác trong các bảo tàng trên toàn cầu, từ Barbados tới Manchester. "Lý do duy nhất để Concorde phải về hưu là chính trị và đây vẫn là trở ngại duy nhất trên đường giúp nó trở lại bầu trời" - Ben Lord thuộc SCG nói. Ông cho phóng viên BBC biết rằng bản thân có thể giúp một chiếc Concorde bay trở lại với chi phí 32 triệu USD. Ông đánh giá tỷ phú Richard Branson có thể giúp mình bằng cách bơm tiền.

Không ít ý kiến cũng cho rằng Concorde đã mang lại lợi nhuận cho British Airways, chứ không chỉ gây lỗ lớn như người ta tuyên bố. Jock Lowe khẳng định rằng trước vụ rơi Concorde duy nhất tại Paris hồi năm 2000, chiếc máy bay này vẫn sinh lãi khoảng 46 triệu USD mỗi năm. Ông cũng khẳng định trong vài tháng trước khi về hưu, Concorde vẫn đang sinh lời.

Tuy nhiên ông không tin vào khả năng Concorde sẽ có thể bay trở lại. Và khi phóng viên BBC nói chuyện với đại diện của Bitish Airways, câu trả lời đúng là như vậy. "Chúng tôi đoán chắc rằng các thách thức về kỹ thuật và an toàn trong việc đưa một chiếc Concorde trở lại bầu trời là hoàn toàn không thể vượt qua" – Bitish Airways tuyên bố.

Vậy liệu chúng ta có thể còn nuôi hy vọng về sự trở lại của máy bay chở khách siêu thanh? Hiện hai nhà sản xuất máy bay hàng đầu thế giới là Airbus và Boeing không có kế hoạch sản xuất máy bay siêu thanh như Concorde. Nhưng vẫn có những ứng viên tiềm năng xuất hiện ở đường chân trời. Điển hình là Brandson, người từng hứa rằng trong đời mình sẽ tạo ra một chiếc máy bay siêu thanh, có thể đưa hành khách từ London tới Sydney, Australia, chỉ trong 2 tiếng rưỡi mà không gây hại tới môi trường. Đó ít nhất là sự an ủi lớn với những con người vẫn còn nuôi tình yêu và hy vọng về sự trở lại bầu trời của Concorde.

Tường Linh (Theo BBC)
Thể thao & Văn hóa

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/quoc-te/10-nam-khai-tu-concorde-ky-nguyen-sieu-thanh-co-tro-lai-bau-troi-n20131026033437982.htm