10 'nốt' thăng trầm trên thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2014

Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2014 được dự báo sẽ có sự tăng trưởng ấn tượng tuy nhiên với nhiều yếu tố tác động đã khiến thị trường trải qua nhiều thăng trầm trong suốt gần 250 phiên giao dịch.

Giá dầu lao dốc đã khiến mọi dự đoán tích cực cho VN-Index năm 2014 tan biến.

Dưới đây là một số tổng hợp về những “nốt” thăng trầm của chứng khoán Việt trong năm giao dịch 2014.

1. VN-Index xác lập mức đỉnh hơn 6 năm 

Nếu tính đến thời điểm này thì mức tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2014 thấp hơn nhiều so với tỷ lệ tăng của năm 2013. Nhưng xét theo diễn biến của chỉ số đạt được trong năm thì kết quả rất đáng ghi nhận.

Theo đó, 640,75 là mức điểm mà VN-Index chinh phục được tại phiên giao dịch ngày 3/9/2014, đây là mức cao nhất chỉ số này đạt được trong vòng hơn 6 năm, kể từ phiên giao dịch 14/3/2008 khi mà chỉ số sàn HOSE chốt mức 643,80 điểm.

2. Xác lập phiên giao dịch có khối lượng “khủng” nhất lịch sử HOSE

Không chỉ leo lên mức “đỉnh” của hơn 6 năm giao dịch, trong năm nay, thị trường còn chứng kiến một mốc son mới khi khối lượng giao dịch một phiên tại HOSE cũng đạt “đỉnh” kể từ khi vận hành thị trường.

Theo đó phiên giao dịch ngày 9/9, tổng khối lượng chứng khoán chuyển nhượng thành công trong phiên đạt con số 280.299.892 đơn vị, tương ứng với 5.065 tỷ đồng, mức cao nhất kể từ khi thành lập sàn HOSE.

Khối lượng giao dịch trên TTCK năm 2014 đạt mức cao - Nguồn: HOSE.

Trong năm 2014 cũng ghi nhận hàng loạt phiên giao dịch có khối lượng trên mức 200 triệu chứng khoán/phiên. Như phiên 25/3 đạt hơn 261 triệu đơn vị; phiên 26/3 đạt gần 260 triệu đơn vị; phiên 3/9 đạt gần 205 triệu đơn vị; phiên 19/9 đạt hơn 218 triệu đơn vị…

Năm 2013, khối lượng giao dịch bình quân một phiên là 64,48 triệu đơn vị, giá trị 1.060 tỷ đồng. Như vậy, con số khối lượng kỷ lục trên gấp gần 4,5 lần so với khối lượng giao dịch bình quân một phiên của năm 2013.

3. Hoạt động M&A “đốt nóng” mùa đại hội cổ đông

Như thường lệ, từ khoảng cuối quý 1 đến hết quý 2/2014 là cao điểm của mùa đại hội cổ đông năm 2014.

Diễn biến mùa đại hội năm nay cho thấy, vấn đề mua bán sáp nhập doanh nghiệp, dự án là trung tâm của sự chú ý đối với cổ đông.

Trong đó, buổi đại hội có thể nói là “hot” nhất thuộc về ĐHCĐ của Sacombank (mã chứng khoán STB) hồi cuối tháng 3. Phiên thảo luận của lãnh đạo STB và cổ đông về câu chuyện sáp nhập Southernbank vào Sacombank đã làm cho giới truyền thông có buổi tác nghiệp hết công suất.

Ngoài “se duyên” giữa doanh nghiệp với nhâu còn là những thương vụ M&A dự án, trong đó nổi lên là lĩnh vực bất động sản. Có thể kể đến như tại đại hội của Đất Xanh Group (mã DXG), Khahomex (KHA), Thuduchouse (TDH)…

4. Sự kiện Biển Đông

Ngoài phiên giao dịch thăng hoa giúp VN-Index xác lập mức đỉnh hơn 6 năm thì thị trường trong năm nay cũng có phiên giao dịch "đáng nhớ". Chỉ số sàn TP.HCM chứng kiến một phiên 8/5 “mất mát” điểm số đáng kể khi bị “bốc hơi” hơn 32 điểm, tương đương tỷ lệ giảm 5,87%, từ mức 559,97 điểm trượt dốc xuống còn 527,09 điểm.

Trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng gọi phiên giao dịch trên là “sự kiện biển Đông” do tác động của tình hình căng thẳng trên biển Đông lúc đó khiến nhà đầu tư tháo chạy.

Nhưng cũng do lực bán xả ồ ạt đã khiến thanh khoản phiên này lại tăng đột biến, gấp hơn 3 lần so với phiên trước đó, đạt 2.862 tỷ đồng. Nguyên nhân là vẫn có nhiều nhà đầu tư bình tĩnh nhảy vào thị trường gom hàng với giá hấp dẫn, trong đó có phần lớn là khối ngoại.

5. Lần đầu tiên thị trường có ETF nội địa

Sau thời gian thai nghén, ngày 6/10, quỹ ETF VFMVN30 do CTCP Quản lý quỹ  Đầu tư Việt Nam (VFM) huy động và quản lý đã thực hiện việc niêm yết và giao dịch tại HOSE với mã niêm yết là E1VFVN30, đánh dấu sự có mặt của sản phẩm ETF nội địa đầu tiên trên thị trường.

“Hoạt động của quỹ minh bạch bởi danh mục đầu tư và NAV được cập nhập hàng ngày, nhà đầu tư đa dạng hóa đầu tư với chi phí thấp, nhà đầu tư nước ngoài có thể gián tiếp sở hữu cổ phần tại các công ty niêm yết tốt nhất vốn đã kín room”, ông Trần Thanh Tân, Tổng giám đốc VFM cho biết tại lễ niêm yết quỹ.

6. Hoạt động IPO doanh nghiệp bùng nổ

Mặc dù tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp vẫn còn chậm so với kế hoạch IPO hơn 400 doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn 2014-2015 nhưng năm 2014 đã chứng kiến hàng loạt đợt IPO của nhiều “đại gia”, thu hút sự quan tâm của giới đầu tư trong và ngoài nước.

Có thể kể đến các đợt IPO lớn như của Vinatex, Vocarimex, Sasco, Vietnam Airlines, Đạm Cà Mau… Theo HOSE, dự kiến số đợt IPO tại sở trong năm 2014 gấp 2,5 lần so với năm 2013.

IPO Vietnam Airlines - Nguồn: VNA

7. Room cho khối ngoại: Vẫn chưa thể nới

Một trong những niềm mong chờ của thị trường trong năm 2014 chính là việc tăng tỷ lệ giới hạn sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài.

Trả lời phỏng vấn Bloomberg vào cuối tháng 11 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán đã đề cập đến việc chưa thể nới room dành cho nhà đầu tư nước ngoài. Vị này cũng cho biết nhà đầu tư cần chờ thêm ít nhất là 10 tháng cho đến khi Chính phủ thông qua.

Trên sàn hiện có khá nhiều cổ phiếu lớn đã hết room hoặc room còn lại rất ít như Vinamilk, Dược Hậu Giang, REE, FPT... Nhà đầu tư nước ngoài nếu muốn mua vào những cổ phiếu này thì chỉ có thể mua thỏa thuận từ nhà đầu tư nước ngoài khác.

8.TTCK và các phiên xét xử “đại án”

Năm 2014 cũng là năm thị trường chứng kiến các phiên giảm đáng kể đúng vào ngày tiến hành xét xử các “đại án” liên quan tới lĩnh vực kinh tế.

Ngày 16/4, phiên đầu tiên xét xử ông Nguyễn Đức Kiên và nhiều nhân vật liên quan khác trong ngành tài chính. Cũng trong ngày này thị trường chứng khoán tuy không giảm kỷ lục cũng có phiên giảm mạnh khi VN-Index giảm 11,8 điểm, tương ứng 2,01%; HNX-Index cũng giảm 2,04%. Tổng giá trị vốn hóa của 2 sàn mất tổng cộng 24.032 tỷ đồng, tương đương mất 1,14 tỷ USD.

15/12 vừa qua là ngày đầu tiên xét xử phúc thẩm vụ siêu lừa Huyền Như. Và đóng cửa phiên này chứng khoán Việt cũng chốt trong sắc đỏ. VN-Index giảm 6 điểm, tương đương 1,08%; HNX-Index giảm nhẹ hơn với tỷ lệ giảm 0,4%.

9. Hiệu ứng từ Thông tư 36

Sau những lời đồn đoán, ngày 24/11/2014 Ngân hàng Nhà nước chính thức ban hành thông tư 36/TT-NHNN với nội dung Quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động Tổ chức tín dụng chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Tác động tới thị trường chứng khoán nằm ở Điều 14 của thông tư này. Theo đó quy định, tín dụng cho vay đầu tư cổ phiếu không được vượt quá 5% vốn điều lệ của TCTD (giảm từ mức 20% vốn điều lệ cho vay đầu tư chứng khoán trước đó). Ngoài ra, TCTD chỉ được cho vay đầu tư chứng khoán khi đáp ứng được đầy đủ các tỷ lệ an toàn hoạt động và có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%...

Mặc dù được nhiều nhận định trấn an rằng việc ban hành thông tư nhằm đảm bảo sức khỏe của hệ thống tài chính, tuy nhiên với sự lo ngại của giới đầu tư về việc siết cho vay đầu tư chứng khoán, thị trường đã có phản ứng thiếu tích cực.

Theo đó trước và sau thông tư ban hành, VN-Index liên tiếp mất điểm. Trong 3 phiên từ 26-28/11 chỉ số trên HOSE đã bị “bay” mất xấp xỉ 20 điểm.

Chứng khoán điều chỉnh đáng kể trước và sau khi Thông tư 36 ban hành.

10. Thị trường chao đảo vì giá dầu

Gần đây nhất là chuỗi ngày thị trường bị nhấn chìm trong xu hướng giảm liên tiếp bởi sự tác động mạnh mẽ từ diễn biến giảm thê thảm từ giá dầu.

Phiên 10/10 đánh dấu sự khởi động chuỗi trượt  giảm của VN-Index. Với 6 phiên liên tiếp sau đó đã khiến chỉ số này mất mốc 600 và về sát 585 điểm.

Đà giảm không dừng lại ở đó, với nhiều đợt điều chỉnh sâu, tính đến hết phiên 22/12, chỉ số VN-Index chỉ còn 537,54 điểm, tức đã giảm khoảng 14% sau hai tháng rưỡi.

Với cơn lốc giá dầu tác động đã khiến cho nhiều dự đoán “tươi đẹp” về mức tăng trưởng trên 20% của VN-Index trong năm nay đã gần như tan biến khi mà thị trường chỉ còn khoảng 1 tuần giao dịch nữa là khép lại năm 2014.

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/chung-khoan/10-not-thang-tram-tren-thi-truong-chung-khoan-viet-nam-nam-2014-681130.html