10 ôtô kém khách nhất Việt Nam tháng 3/2017

Bớt đi những cái tên quen thuộc cũng đồng nghĩa danh sách 10 xe kém khách nhất tháng 3/2017 xuất hiện những cái tên mới...

Trong danh sách 10 ôtô kém khách nhất tháng 3/2017 có đến 4 mẫu xe mang thương hiệu Suzuki.

Việc vài mẫu xe đã rút lui hẳn khỏi thị trường khiến danh sách 10 ôtô kém khách nhất tháng 3/2017 có những xáo trộn đáng kể.

Trước đây, trong danh sách những mẫu xe bán chậm nhất thị trường ôtô Việt Nam vẫn thường hiện diện những cái tên quen thuộc như Mazda CX-9, Toyota FT86 hay Kia Sportage.

Các mẫu xe bị xem là ế ẩm thường xuyên này đều có những sở trường và sở đoản riêng. Nhưng nhìn chung, nguyên do dẫn đến việc ít được thị trường đón nhận chủ yếu xuất phát từ thiết kế chưa bắt mắt, khả năng vận hành chưa đủ tốt để người tiêu dùng đánh đổi lấy mức giá bán lẻ được các nhà phân phối áp dụng được coi là khá cao trong phân khúc.

Chính vì vậy, các nhà sản xuất và phân phối, cụ thể là Toyota và Trường Hải đã quyết định rút các mẫu xe này khỏi danh mục sản phẩm hoặc chỉ nhập khẩu khi có đơn đặt hàng của người tiêu dùng.

Bớt đi những cái tên quen thuộc cũng đồng nghĩa danh sách 10 xe kém khách nhất xuất hiện những cái tên mới.

Đáng chú ý là trong danh sách 10 ôtô kém khách nhất tháng 3/2017 có đến 4 mẫu xe mang thương hiệu Suzuki. Trong đó, mẫu SUV cỡ nhỏ Grand Vitara đứng “đầu bảng” với duy nhất một chiếc bán ra; mẫu MPV nhỏ nhắn Ertiga cũng chỉ đạt sản lượng bán hàng vẻn vẹn 3 chiếc và đứng thứ 2 ngay sau “anh em” Grand Vitara. Hai mẫu xe còn lại là Vitara đạt sản lượng bán hàng 4 chiếc và mẫu sedan cỡ nhỏ Ciaz đạt sản lượng 6 chiếc.

Nhìn vào “bộ tứ” Suzuki trong danh sách 10 xem kém nhất nhất có thể thấy một điểm khá đáng tiếc. Trên thực tế, cả 4 mẫu xe đến từ Nhật Bản này đều không tệ đến mức phải chịu cảnh ế ẩm như vậy.

Vitara, Grand Vitara, Ertiga hay Ciaz đều đang nằm ở những phân khúc đang được thị trường ưa chuộng. Giá bán lẻ của các mẫu xe này cũng được xem là ở mức độ chấp nhận được.

Lý do là dường như Suzuki Việt Nam đã đánh giá sai thị trường khi cắt đi khá nhiều tùy chọn trên mỗi mẫu xe dẫn đến giá bán lẻ vô tình trở nên kém cạnh tranh so với các đối thủ; không dành nhiều ưu ái cho các hoạt động marketing hoặc marketing chưa đúng đối tượng dẫn đến sức lan tỏa thấp.

Trong khi nhìn vào từng phân khúc, các đối thủ khác đều đang được người tiêu dùng đón nhận một cách tích cực.

Mitsubishi cũng không khác nhiều so với “đồng hương” Suzuki. Nhưng 2 mẫu xe xuất hiện trong danh sách ế ẩm của Mitsubishi là khá dễ hiểu. Pajero vốn dĩ là mẫu xe kén khách khi nằm ở phân khúc SUV cỡ lớn, khả năng vận hành trên các địa hình hiểm trở tốt nhưng thiết kế lại kém bắt mắt.

Với mức giá bán lẻ khoảng 2 tỷ đồng, người tiêu dùng hoàn toàn có thể đưa ra lựa chọn khác như Toyota Land Prado, Ford Explorer hay thấp hơn một chút là Ford Everest, Toyota Fortuner, Hyundai SantaFe...

Trong khi đó, mẫu SUV 5 chỗ ngồi Outlander Sport lại rơi vào tình thế trớ trêu khi trở thành kẻ đi trước về sau trong “nhà” Mitsubishi. Outlander Sport được giới thiệu ra thị trường vào cuối năm 2014. Gần 2 năm sau, vào tháng 8/2016, hãng xe Nhật Bản lại tung ra thị trường mẫu xe Outlander hoàn toàn mới với nhiều đặc điểm chung.

Giống như Vitara và Grand Vitara của Suzuki, Outlander và Outlander Sport chẳng khác nào gà nhà đá nhau.

Chính sự xuất hiện của Outlander mới đã khiến Outlander Sport rơi vào cảnh ế ẩm. Có lẽ, việc Mitsubishi rút Outlander Sport ra khỏi thị trường để nhường chỗ cho Outlander chỉ là sớm hay muộn.

Sự xuất hiện đông đảo các mẫu xe Suzuki và Mitsubishi đã gián tiếp giúp một thương hiệu ế ẩm... truyền thống là Mekong bớt đi một đại diện. Lâu nay, Mekong luôn đóng góp 2 cái tên là Premio và Proton. Nhưng trong tháng 3/2017, Premio đã “thoát” khỏi danh sách thống kê kém vui này, chỉ còn lại “người anh em” Proton với mức sản lượng bán hảng 7 chiếc và đứng ở vị trí thứ 7.

Còn lại, Toyota và Honda cùng đóng góp một mẫu xe vào danh sách kém khách nhất tháng là Land Cruiser 200 và Odyssey. Cả 2 mẫu xe này đều thuộc dạng kén khách nhất thị trường và việc đạt sản lượng bán hàng thấp là hoàn toàn dễ hiểu.

Đức Thọ

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/xe-360/10-oto-kem-khach-nhat-viet-nam-thang-32017-20170423101322876.htm