10 sự kiện điện ảnh gây chấn động thế giới 2016

Leonardo DiCaprio đoạt Oscar hay phim ăn thịt người khiến khán giả ngất xỉu giữa liên hoan Toronto đều là hiện tượng đi vào lịch sử phim ảnh năm qua.

Leonardo DiCaprio nhận Oscar sau hơn 20 năm chờ đợi

Sinh năm 1974, Leonardo DiCaprio được xem là một trong những tài tử xuất sắc trong thế hệ của mình. Anh từng nhận năm đề cử Oscar, bao gồm bốn lần ở hạng mục diễn xuất và một trên cương vị nhà sản xuất. Tuy nhiên vận may vẫn ngoảnh mặt với DiCaprio tại giải thưởng danh giá nhất thế giới suốt hơn 20 năm trước 2016. Câu chuyện này trở thành chủ đề bàn tán trong giới hâm mộ điện ảnh toàn cầu.

Với vai diễn người thợ săn trong The Revenant, cuối cùng Leonardo DiCaprio được Viện hàn lâm vinh danh. Đây là bộ phim thử thách nhất trong sự nghiệp của nam diễn viên khi anh phải bơi qua sông băng, ngủ trong xác động vật, đánh nhau với gấu thật và ăn gan bò rừng sống trên trường quay. Chiến thắng của DiCaprio thậm chí còn thu hút dư luận hơn cả việc Spotlight giành giải "Phim hay nhất". Theo trang Variety, chỉ trong một phút sau khi tên anh được xướng lên, đã có hơn 440.000 mẩu tin ngắn trên Twitter về sự kiện - kỷ lục mới trong lịch sử Oscar.

Các nghệ sĩ da màu kêu gọi tẩy chay Oscar 88

Trong liên tiếp hai năm 2015 và 2016, danh sách đề cử Oscar chỉ toàn diễn viên da trắng. Các hạng mục khác cũng gần như vắng bóng người da màu. Điều đó làm dấy lên làn sóng chỉ trích dữ dội từ một bộ phận nghệ sĩ. Đạo diễn Spike Lee - người được Viện hàn lâm Mỹ trao giải Thành tựu trọn đời vào tháng 11 năm 2015 - tuyên bố tẩy chay Oscar và giải thích: “Không thể có chuyện trong hai năm liên tiếp, 40 ứng viên được đề cử ở Oscar trong các hạng mục diễn xuất đều là người da trắng”.

Lời kêu gọi này được ủng hộ bởi Jada Pinkett Smith (vợ tài tử Will Smith). Chồng cô là một trong những diễn viên da màu trượt đề cử Oscar dù được khen ngợi với phim Concussion. Một số nghệ sĩ khác như George Clooney, Reese Witherspoon và Lupita Nyong’o cũng bày tỏ sự thất vọng với danh sách. Hashtag #OscarsSoWhite bùng nổ trên Twitter thể hiện sự phản đối của công chúng. Một tuần sau khi công bố các đề cử, Viện hàn lâm phải thay đổi các điều luật, kết nạp thêm nhiều phụ nữ và người thuộc các nhóm thiểu số vào tổ chức. Qua đó, họ hy vọng có những kết quả bầu chọn đa dạng hơn trong mùa Oscar 2017.

"Deadpool" mở đường cho trào lưu phim siêu anh hùng 17+

Deadpool là phim siêu anh hùng 17+ chuyển thể từ truyện tranh Marvel. Dù có ngân sách khiêm tốn (58 triệu USD), phim bất ngờ trở thành hiện tượng toàn cầu với doanh thu lên đến 782 triệu USD. Trên thực tế, tác phẩm có nội dung đơn giản nhưng hấp dẫn nhờ phong cách hài hước và bạo lực lập dị. Nhân vật chính biết mình chỉ là một sản phẩm hư cấu, nhiều lần trò chuyện trực tiếp với khán giả và không ngần ngại nói tục trên màn ảnh.

Thành công của Deadpool tạo ra trào lưu làm phim 17+ trong đề tài siêu anh hùng. Các nhà sản xuất tự tin hơn khi đưa vào nhiều yếu tố nhạy cảm, thay vì chỉ dừng lại ở mức PG-13 (trẻ em dưới 13 tuổi nên có cha mẹ hướng dẫn) như thường lệ. Phiên bản DVD Batman v Superman được phân loại R, sau đó là một phim hoạt hình riêng về Batman - The Killing Joke - cũng ở hạng mức này. Trên Collider, nhà sản xuất Simon Kinberg xác nhận Logan - phim cuối cùng tài tử Hugh Jackman thủ vai dị nhân Wolverine - sẽ có những cảnh bạo lực đẫm máu hạn chế người xem dưới 17 tuổi.

Fan "Batman v Superman" và "Suicide Squad" tẩy chay giới phê bình

Batman v Superman và Suicide Squad là hai bom tấn chuyển thể từ truyện tranh DC Comics. Cả hai đều không được lòng giới phê bình với điểm số chỉ 27% và 26% trên chuyên trang Rotten Tomatoes. Batman v Superman bị chỉ trích vì tham lam nhồi nhét nhiều tình tiết cho các phần tiếp theo, còn Suicide Squad thất bại vì kịch bản lỏng lẻo.

Phản hồi tiêu cực khiến một bộ phận người hâm mộ công kích mạnh mẽ giới phê bình. Các trang BuzzFeed và Daily Dot tổng hợp nhiều Twitter của người hâm mộ lên án các cây bút chê phim, bao gồm cả những lời cáo buộc rằng họ được trả tiền để đưa ra ý kiến thiên lệch. Vào tháng 8, trên trang Change.org, một nhóm người ủng hộ Suicide Squad thậm chí còn kiến nghị dẹp bỏ Rotten Tomatoes - chuyên trang tổng hợp mọi bài phê bình của các nhà chuyên môn - với hơn 22.000 chữ ký thu thập được.

Cả hai phim sau đó lần lượt thu về 873 triệu và 745 triệu USD trên toàn cầu.

Kết quả liên hoan Cannes gây tranh cãi

It's Only The End of The World của đạo diễn Xavier Dolan kể về một nhà biên kịch đồng tính thành danh trở về nhà sau 12 năm xa cách để báo với người thân rằng anh sắp chết. Trong quãng thời gian họ đoàn tụ, nhiều bí mật gia đình được hé mở. Tác phẩm bất ngờ nhận Grand Prix (Giải thưởng lớn) - giải quan trọng thứ hai ở Cannes, dù trước đó nhận nhiều đánh giá tiêu cực. Phim chỉ có điểm số 44% trên chuyên trang Rotten Tomatoes và bị chê ở phần kịch bản rời rạc, câu chuyện công thức.

Khi giải thưởng được công bố, tờ The Globe And Mail tường thuật nhiều nhà báo đã la ó phản đối từ một rạp chiếu trong cùng tòa nhà. Đáp lại lời phê bình, Xavier Dolan khẳng định: "Đây là bộ phim hay nhất trong sự nghiệp của tôi".

Công nghệ thực tế ảo được yêu chuộng trong giới làm phim

Thực tế ảo là môi trường mô phỏng được tạo ra bởi máy tính, mang đến trải nghiệm điện ảnh đa chiều. Khán giả thấy mình thật sự đứng trong bộ phim và có thể xoay mọi hướng để theo dõi câu chuyện. Năm nay, công nghệ tân tiến này tạo ra cơn sốt mới trong giới điện ảnh.

Tại liên hoan Cannes, đạo diễn Madagascar Eric Darnell công chiếu phim ngắn thực tế ảo 6 phút Invasion! và khẳng định đây là thứ ngôn ngữ điện ảnh hoàn toàn mới. Sau đó ở Venice, bộ phim dài 40 phút Jesus VR: The Story of Christ trở thành tâm điểm chú ý. Tác phẩm được nhà phê bình Peter Bradshaw của tờ The Guardian gọi là bước đột phá khi là phim truyện đầu tiên được trình chiếu dưới định dạng thực tế ảo (virtual reality).

Một rạp chiếu phim áp dụng công nghệ thực tế ảo đầu tiên được mở ở Toronto, Canada với tên gọi Vivid. Theo Variety, đạo diễn vừa đoạt Oscar Alejandro G. Inã́rritu cũng đang phát triển một phim ngắn cho hãng Legendary Entertainment.

Phim ăn thịt người khiến khán giả ngất xỉu ở liên hoan Toronto ngất xỉu

Raw là phim kinh dị của nữ đạo diễn người Pháp Julia Ducournau, xoay quanh một nữ sinh ăn chay về sau trở thành kẻ ăn thịt người. Tác phẩm được chiếu tại chương trình Midnight Madness ở Liên hoan phim Toronto 2016. Ngay trong buổi chiếu, nhiều khán giả bị ngất do những cảnh quay kinh khủng. Theo chuyên viên marketing của phim là Ryan Wener, một xe cứu thương phải đến hiện trường để chăm sóc những người gặp nạn.

Đây không phải lần đầu tiên một tác phẩm điện ảnh vượt quá sức chịu đựng của người xem. Năm 2012, phim kinh dị V/H/S khiến khán giả bị ngất trong rạp. Theo tờ Telegraph, một phim khác gây phản ứng tương tự là Antichrist (2009) của đạo diễn bậc thầy Lars von Trier. Tờ New York Times cũng từng ghi nhận việc nhiều người nôn mửa, run rẩy hoặc bỏ khỏi phòng chiếu The Exorcist vào năm 1974.

Trung Quốc giải cứu hàng loạt "bom xịt" Hollywood

Trong thời gian gần đây, Trung Quốc phát triển các cụm rạp nhanh chóng. Theo thống kê của Statista, quốc gia này hiện có hơn 30.000 phòng chiếu và liên tục tăng trưởng với tốc độ 30% mỗi năm (Mỹ hiện có trên 40.000 phòng chiếu). Tiềm năng của đại lục biến nơi đây thành "bãi đáp" cho các tác phẩm Hollywood thất sủng tại quê nhà. Xu thế này thể hiện rõ trong năm 2016 với việc một loạt phim Mỹ có doanh thu ở Trung Quốc cao hơn nội địa, bao gồm Warcraft, Now You See Me và Mechanic: Resurrection. Trong đó, đặc biệt nhất là trường hợp của Warcraft khi chỉ thu về 47 triệu USD ở Mỹ, song thắng lớn với 220 triệu USD ở Trung Quốc.

Nhà làm phim Brett Ratner cho rằng sẽ đến lúc hãng phim Mỹ không quan tâm đến việc một bộ phim có kinh phí vài trăm triệu USD được phát hành ở Mỹ hay không, vì đã có thị trường Trung Quốc. Thành Long cũng nhận xét doanh thu của Warcraft ở Trung Quốc khiến người Mỹ sợ hãi. “Nếu Trung Quốc mang đến doanh thu 1,5 tỷ USD cho một phim, giới làm phim cả thế giới sẽ học tiếng Trung thay vì tiếng Anh”, ngôi sao hành động vừa nhận Oscar danh dự chia sẻ.

Cơn sốt kinh dị ở Bắc Mỹ và châu Á

Trên Rotten Tomatoes, năm nay có đến tám phim kinh dị được chiếu rộng rãi ở Mỹ nhận điểm “fresh” - cao nhất trong nhiều năm gần đây. Danh sách này bao gồm 10 Cloverfield Lane, The Witch, The Conjuring 2, The Shallows, Lights Out, Don’t Breathe, Ouija: Origin of Evil và đặc biệt là Train To Busan. Theo thống kê trên Box Office Mojo, tổng doanh thu của các phim kinh dị từ đầu năm lên đến hơn 1,1 tỷ USD, vượt xa so với năm 2014 (684 triệu USD) và 2015 (685 triệu USD).

Hai bộ phim là cú hích tạo ra cơn sốt phim kinh dị nửa cuối năm gồm The Conjuring 2 và Train To Busan. Trong khi The Conjuring 2 nâng tầm phim kinh dị 17+ mùa hè 2016, Train To Busan trở thành hiện tượng phim về xác sống gây sốt châu Á.

Rò rỉ video đạo diễn "Last Tango in Paris" ép nữ chính đóng cảnh hiếp dâm

Ngày 4/12, một đoạn video ngắn xuất hiện trên mạng với nội dung là lời thú nhận gây sốc của đạo diễn Bernardo Bertolucci. Theo đó, ông cùng tài tử huyền thoại Marlon Brando đã ép minh tinh Maria Schneider quay cảnh bị cưỡng hiếp trong Last Tango in Paris, dù cô không đồng ý. Bertolucci muốn ghi nhận phản ứng của Schneider như một cô gái thật sự, chứ không phải một diễn viên. Tác phẩm năm 1972 kể về một cô gái đã đính hôn, nhưng tình cờ gặp một gã người Mỹ ở Paris rồi lao vào quan hệ tình ái.

Vụ việc khiến nhiều sao Hollywood phản ứng mạnh mẽ. Jessica Chastain nói cô kinh tởm hành vi của Bertolucci. Tài tử thủ vai Captain America - Chris Evans - tuyên bố sẽ không bao giờ nhìn nhận Bertolucci hay Brando như trước nữa. Anh thậm chí còn cho rằng đạo diễn và nam chính của Last Tango in Paris nên bị bỏ tù. Một số nghệ sĩ khác như Evan Rachel Wood, Ava DuVernay hay Anna Kendrick cũng bày tỏ sự phẫn nộ trên trang cá nhân.

Đáp trả dư luận, đạo diễn Bernardo Bertolucci giải thích minh tinh Maria Schneider biết rõ kịch bản về cảnh cưỡng hiếp thế nào, diễn viên chỉ không rõ đoàn phim dùng bơ cho phân cảnh đó.

Theo VNE

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/giai-tri/10-su-kien-dien-anh-gay-chan-dong-the-gioi-2016-108707/