12 dự án nghìn tỷ đồng: Không để lãnh đạo thua lỗ... 'ngồi cao'

"12 dự án nghìn tỷ đồng thua lỗ cần xử lý dứt điểm, không để lãi mẹ đẻ lãi con, Nhà nước phải gánh", ông Bùi Đức Thụ nêu ý kiến.

12 dự án nghìn tỷ đồng thua lỗ của ngành công thương sẽ xử lý dứt điểm như thế nào là một trong những mối quan tâm hàng đầu của dư luận xã hội thời gian qua. Chính phủ đang rất quyết liệt xác định trách nhiệm người đứng đầu trong xử lý 12 dự án nghìn tỷ đồng thua lỗ của ngành công thương. Điều này được dư luận đồng tình ủng hộ.

Dự án ethanol Quảng Ngãi - 1 trong 12 dự án thua lỗ của ngành công thương. (Ảnh: TNO).

Dư luận đặc biệt quan tâm vì thời gian qua, không ít trường hợp lãnh đạo bỏ lại sau lưng doanh nghiệp thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng để “hạ cánh an toàn” ở vị trí mới hoặc “ngồi cao” hơn chiếc ghế từng tại vị. Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Bùi Đức Thụ, Phó Trưởng ban Công tác đại biểu - từng là Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng: "Muốn xác định trách nhiệm, cần làm rõ thực trạng và nguyên nhân thua lỗ".

"Rủi ro trong kinh doanh ở nền kinh tế thị trường, việc thua lỗ là hết sức bình thường. Ở đây có trách nhiệm của người quyết định đầu tư, không xem xét và tiên lượng đầy đủ diễn biến của thị trường trong tương lai", ông Thụ đưa ra nhận định.

Ông Bùi Đức Thụ đề nghị sớm xử lý dứt điểm 12 dự án nghìn tỷ đồng thua lỗ của ngành công thương. (Ảnh: Dương Thu).

Nhấn mạnh việc xử lý 12 dự án nghìn tỷ đồng thua lỗ, tránh tình trạng cá nhân, tổ chức luồn lách, tìm cách “khách quan hóa” nguyên nhân để “hô biến” trách nhiệm thành “của chúng ta”, ông Thụ nêu quan điểm: "Ngoài nguyên nhân khách quan cần làm rõ trách nhiệm chủ quan của tổ chức, cá nhân. Trách nhiệm gắn với nguyên nhân và thực trạng thua lỗ của doanh nghiệp. Đây là quá trình dài, cần thời gian xem xét kỹ trước khi đưa ra kết luận chính xác".

Để làm rõ nguyên nhân, xử lý đúng người, đúng việc, ông Thụ đề cập đến sự khách quan, công tâm của những người "cầm cân nảy mực". Người làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, kiểm toán phải có tâm sáng, vô tư. Nhiều người giỏi nhưng cố tình móc ngoặc với nhau thì không khách quan được.

Để đảm bảo đạo đức nghề nghiệp tồn tại trong đời sống xã hội và trước mắt là trong thanh tra, kiểm tra 12 dự án nghìn tỷ đồng kể trên, ông Thụ cho rằng phải tăng cường giám sát từ cộng đồng xã hội, các cơ quan và người dân. Số liệu thanh tra, kiểm tra phải được công bố kịp thời, công khai trước dư luận.

Khi PV đề cập đến không ít trường hợp tìm cách đổ lỗi cho nguyên nhân khách quan để giảm nhẹ tội, quy trách nhiệm thành "của chúng ta", ông Thụ khẳng định: "Chắc chắn, những người liên quan đến quá trình thua lỗ của 12 dự án nghìn tỷ đồng này sẽ muốn tìm cách đẩy trách nhiệm. Cơ quan thanh tra, kiểm toán, những người nhân danh Nhà nước, thay mặt dân được pháp luật quy định phải đảm bảo phản ánh hoạt động của doanh nghiệp một cách thực chất".

"Trường hợp thanh tra, kiểm toán có sự thông đồng, phản ánh sai cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật", ông Thụ nhấn mạnh.

Liên quan đến việc lãnh đạo bỏ doanh nghiệp thua lỗ nghìn tỷ đồng để thăng tiến, ông Thụ cho rằng, do công tác cán bộ còn khâu yếu kém. "Đề bạt, bổ nhiệm theo cơ chế tập thể nhưng đằng sau cơ chế tập thể có một số trường hợp để vai trò cá nhân chi phối", ông Thụ nói và đề nghị rà soát lại công tác cán bộ.

Trở lại với 12 dự án nghìn tỷ đồng thua lỗ, ông Thụ để nghị xử lý dứt điểm, không để lãi mẹ đẻ lãi con, Nhà nước phải gánh chịu. Đồng thời, rà soát và xử lý cả doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng thua lỗ - không chỉ riêng 12 dự án nghìn tỷ đồng của ngành công thương, đừng đợi mất tiền rồi chạy theo giải quyết hậu quả.

Dương Thu

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/12-du-an-nghin-ty-dong-khong-de-lanh-dao-thua-lo-ngoi-cao-a333302.html