12 dự án nghìn tỷ thua lỗ: Buộc phải 'nhả' con cưng...

Quản lý tài sản nhà nước không chỉ chờ đợi hiệu quả từ văn bản hành chính mà còn phụ thuộc vào nhiều công cụ khác.

PGS.TS. Bùi Quang Bình - Đại học kinh tế Đà Nẵng nói về chủ trương xử lý 12 dự án, nhà máy yếu kém của ngành công thương.

Dự án đạm Ninh Bình thua lỗ ngàn tỷ

Theo đó, Ban Chỉ đạo, Bộ Công Thương và các bộ ngành đã ban hành tổng cộng 120 văn bản chỉ đạo xử lý các vấn đề tồn tại, vướng mắc ở 12 dự án trên. Tuy nhiên, hiệu quả tới nay chưa được ghi nhận rõ nét.

PGS.TS. Bùi Quang Bình cho rằng, ban hành văn bản chỉ là động thái bước đầu trong quản lý nhà nước. Để văn bản đó khi đưa vào thực thi có hiệu quả cao lại cần rất nhiều các cơ chế đánh giá, kiểm tra, giám sát khác.

"Hiệu quả trong quản lý nhà nước không đánh giá bằng việc ra nhiều văn bản hay ít văn bản. Mục tiêu cuối cùng phải là bảo vệ, bảo toàn được tài sản của nhà nước và nhân dân", ông Bình nhấn mạnh.

Hơn nữa, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, bộ ngành cũng là nhân tố quan trọng trong điều hành quản lý.

Đồng tình với việc dự án thuộc bộ nào thì bộ đó phải chịu trách nhiệm xử lý chính, tuy nhiên, vị PGS băn khoăn việc nhiều đơn vị, nhiều bộ ngành cùng ra văn bản chỉ đạo xử lý rất dễ dẫn tới tình trạng chồng chéo, không hiệu quả.

"Việc này cũng cho thấy sự phối hợp, phân công trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý chưa rõ ràng. Hay nói cách khác là hiệu quả quản lý nhà nước không cao", ông Bình nêu.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cũng cho rằng, giá trị của một văn bản chỉ đạo được quyết định bởi các giải pháp thực hiện cùng với tinh thần quyết liệt của người điều hành quản lý.

"Văn bản có ra nhiều gấp 10 lần, 100 lần cũng không mang lại hiệu quả gì nếu nội dung chỉ đạo không thay đổi, không có giải pháp khả thi. Cũng chỉ như ra văn bản cho đúng quy trình, còn hiệu quả không đi đến đâu hết", ông Hải nói.

Lấy ví dụ từ dự án nhà máy Gang thép Thái Nguyên, ông Hải khẳng định, xử lý nhà máy này không khó.

"Chỉ cần định giá, tổ chức bán đấu giá nhà máy để tìm cho được nhà đầu tư mới có kỹ năng, có tiềm lực tài chính thay thế tiếp quản thay ban quan trị cũ.

Nếu vẫn duy trì ban quản trị cũ, với tư duy cũ, cách làm cũ thì cải cách kiểu gì cũng khó có thể vực dậy được nhà máy này", ông Hải nói.

Tương tự với nhiều dự án gây thua lỗ thuộc Tập đoàn hóa chất, ông Hải cũng bức xúc vì sau hàng loạt những sai phạm, thua lỗ nhưng vẫn không ai phải chịu trách nhiệm.

"Những sai phạm trong quản trị, quản lý các dự án phải bị xử lý nghiêm. Cán bộ yếu kém, thiếu năng lực phải cho nghỉ việc, thậm chí bị cách chức, xử lý trách nhiệm. Bên cạnh đó, tìm cho được người có năng lực thay thế, tiếp quản điều hành nhà máy".

Ông Hải nhấn mạnh, nếu công tác quản lý doanh nghiệp thuộc các bộ chủ quản, cụ thể ở Bộ Công thương không có cải thiện, đổi mới thì khó tránh khỏi những đổ vỡ tiếp theo.

Không thể tiếp tục "ôm"

Về giải pháp xử lý 12 dự án trên, PGS.TS Bùi Quang Bình cho rằng nếu vẫn cứ làm theo cách đã từng áp dụng với Vinashin trước đây thì chưa biết đến bao giờ mới xử lý được hậu quả.

Nhất là với những doanh nghiệp nhà nước, vốn quen nhận được quá nhiều ưu đãi từ thuế, đất, mặt bằng cho tới các chính sách bảo hộ sản xuất.

Ông Bình lo ngại, còn chần chừ, kéo dài tài sản của nhà nước sẽ ngày càng hao hụt, thậm chí còn mất trắng.

Theo đó, ông Bình nhấn mạnh quan điểm của Chính phủ là phải thể hiện sự kiên quyết, rõ ràng, nhất quyết không đổ thêm tiền cho các "dự án chết".

Bên cạnh đó, cần có phương án quyết định nhanh số phận các dự án trên.

"Có thể tính tới bán dự án, thậm chí tuyên bố phá sản nếu cần thiết. Các hành vi vi phạm pháp luật và cố tình làm sai trong quản trị, quản lý các dự án sẽ bị xử lý nghiêm, thậm chí có thể xem xét xử lý hình sự".

Ông Bình nhấn mạnh, trong quá trình xử lý phải đặc biệt lưu ý vấn đề xử lý tài sản.

"Công tác định giá, tổ chức đấu giá phải tổ chức chặt chẽ, công khai, minh bạch. Tuyệt đối không để nhà nước mất thêm tài sản, không để cán bộ biến chất, tham nhũng có cơ hội kiếm lợi thêm lần nữa từ tài sản của nhà nước, từ mồ hôi công sức của người dân", vị chuyên gia cảnh báo.

Đề cập tới vấn đề này, theo Phó chủ tịch VAFI, thay vì ra 120 văn bản chỉ cần Bộ Công thương bỏ ra 10 phút để ký văn bản chuyển giao Habeco, Sabeco về cho SCIC là xong.

Theo ông Hải, Bộ Công thương cũng như các bộ chủ quản khác không nên tiếp tục "đông lạnh sự vụ" chỉ vì sợ tránh nhiệm.

12 dự án ngàn tỷ thua lỗ: Tang thương lắm!

Theo ông Hải, ngoài 12 dự án bị điểm mặt vẫn còn rất nhiều dự án khác cũng đang trong tình trạng hoạt động yếu kém, không hiệu quả. Việc các bộ chủ quản không muốn nhả những "đứa con cưng" dù đang lâm cảnh thua lỗ, thậm chí chỉ còn cái xác vì lo sợ trách nhiệm là rất nguy hiểm.

Vì vậy, để xử lý dứt điểm và nhanh chóng, theo ông Hải, Chính phủ nên giao cho SCIC hoặc một đơn vị độc lập đứng ra chuyên xử lý các dự án thua lỗ để đảm bảo khách quan. Ông Hải lo ngại, nếu tiếp tục giao cho các bộ chủ quản xử lý không những không hiệu quả mà tài sản nhà nước sẽ bị hao hụt, mất giá, thiệt hại sẽ ngày càng lớn hơn.

Hoài An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/12-du-an-nghin-ty-thua-lo-buoc-phai-nha-con-cung-3337640/