12 tập thể và 29 cá nhân nhận danh hiệu anh hùng

Đảng, Nhà nước và nhân dân VN đời đời biết ơn các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh và đóng góp to lớn cho cuộc đấu tranh giành độc lập tự do, thống nhất đất nước

Ngày 17-4, tại Nhà hát TPHCM, Ban Tổ chức những ngày lễ lớn TPHCM đã long trọng tổ chức lễ truy tặng và phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân (LLVTND) cho 12 tập thể và 29 cá nhân (có 2 người còn sống là đại tá Lê Văn Nón và thượng tá Phan Thị Ngọc Tươi) là những đơn vị, tập thể cán bộ, chiến sĩ có những thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đến dự có Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị- Bí thư Thành ủy TPHCM, các cán bộ lão thành cách mạng, thân nhân của các liệt sĩ... Sau 42 năm bị giặc sát hại ngay trên quê hương mình, tập thể 32 dân công hỏa tuyến xã Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh) đã được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Bà Phan Thị Tám, cựu dân công hỏa tuyến xã Vĩnh Lộc, xúc động nói: “Dưới cõi vĩnh hằng, chắc chắn các đồng đội của tôi rất vui”. Bà cho biết đoàn dân công hỏa tuyến xã Vĩnh Lộc đa số là các chị ở tuổi đôi mươi. Ngày 15-6-1968, khoảng 60 dân công xã Vĩnh Lộc được lệnh đưa thương binh vượt bưng Láng Sấu (Sài Gòn) xuống Đức Hòa (Long An) và tải đạn ngược về Sài Gòn. Gần 23 giờ cùng ngày, khi di chuyển trên đường, đoàn dân công bị máy bay địch phát hiện và oanh kích. Trận chiến diễn ra không cân sức vì một bên là súng đạn hiện đại của kẻ thù; một bên là những dân công tay không, chân đất. Sau trận oanh kích, 32 dân công, trong đó có 25 nữ đã hy sinh. Nhiều người hy sinh trong tư thế ôm chầm, che chắn cho nhau. “Thế hệ chúng tôi đã không tiếc máu xương cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Vì vậy, chúng tôi chỉ mong các cháu thanh niên ngày nay giữ gìn và xây dựng đất nước để xứng đáng với những hy sinh đó”- bà Phan Thị Tám xúc động nói. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao cờ và huy hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân cho các tập thể và cá nhân. Ảnh: T.N Đại tá Lê Văn Nón (Năm Nón) nguyên là phó trưởng Công an huyện Củ Chi. Tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1957 khi mới 18 tuổi, chỉ một năm sau, ông bị địch bắt, tra tấn dã man và kết án một năm tù cho hưởng án treo. Nhưng chỉ lãnh án vài ngày, ông Nón đã thoát ly, trở thành chiến sĩ bảo vệ Khu ủy Sài Gòn – Gia Định. “Năm 1964, khi làm Đại đội phó bảo vệ Khu ủy, tôi và đồng đội đã tổ chức phục kích, tiêu diệt và làm bị thương 75 tên địch. Với thành tích này, chúng tôi được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba”- ông Nón nhớ lại. Từ đó cho đến ngày Sài Gòn giải phóng, ông đã vào sinh ra tử, bị địch bắt, được trao trả rồi lại tiếp tục chiến đấu. Đại tá Lê Văn Nón xúc động nói: “Được sống đến giờ để thấy đất nước hòa bình, độc lập và giàu mạnh, tôi đã thỏa nguyện rồi. Vinh dự được Nhà nước trao tặng, tôi xin dành cho những đồng đội đã ngã xuống”. Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định: Đảng, Nhà nước và nhân dân VN đời đời biết ơn các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh và đóng góp to lớn cho công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc. Chủ tịch nước kêu gọi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Việt Nam tiếp tục nỗ lực xây dựng đất nước ngày càng phát triển, “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” theo định hướng xã hội chủ nghĩa như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết tâm bảo vệ vững chắc Đảng Cộng sản Việt Nam, chế độ xã hội chủ nghĩa và cách mạng Việt Nam, bảo vệ độc lập, chủ quyền Tổ quốc, xây dựng và phát triển đất nước để xứng đáng với sự hi sinh to lớn của các thế hệ anh hùng liệt sĩ, chiến sĩ và đồng bào cả nước.

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/2010041711156627p0c1002/12-tap-the-va-29-ca-nhan-nhan-danh-hieu-anh-hung.htm