15 năm Nghị quyết Trung ương 5 (khóa 8): Văn hóa soi đường cho quốc dân đi - Bài 1: Một Nghị quyết tầm cỡ

LTS: Vẫn tiếp tục loạt bài trên báo ĐĐK nhân 15 năm ra đời Nghị quyết Trung ương 5 (khóa 8) về văn hóa. Nhưng với nhận thức văn hóa là vấn đề lớn, yếu tố nền tảng tinh thần quyết định sự phát triển bền vững của một quốc gia, kể từ số báo này, chúng tôi sẽ triển khai thành những bài viết theo một chủ đề xuyên suốt với mong muốn nhìn nhận sâu sắc và tham vấn cụ thể hơn những chính sách về văn hóa phù hợp với giai đoạn hiện nay của thực tiễn đất nước.

Văn hóa dân tộc được phục hưng

Tôi không phải nhà khoa học đi theo để hô khẩu hiệu nhưng thực lòng với tư cách là người nghiên cứu thì tôi đánh giá cao Nghị quyết Trung ương 5 (khóa 8). Về tầm tư tưởng nó đã thỏa mãn được yêu cầu về đời sống văn hóa của người dân Việt Nam, vươn tới một tầm nhìn thế giới về vấn đề văn hóa. Đất nước mình có hai Nghị quyết cho đến bây giờ thấy rất rõ tầm vóc là Nghị quyết về Khoán hộ trong nông nghiệp và Nghị quyết Trung ương 5 về Văn hóa.

Sau 15 năm, trước hết phải nói rằng Nghị quyết về xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc đã thực sự đi vào đời sống. Rõ ràng sau 15 năm thực hiện, Nghị quyết đã để lại được những kết quả rất tốt. Nếu so sánh với thời kỳ trước những năm 1990, thời mà văn hóa Việt Nam đặc biệt là văn hóa truyền thống mai một do hệ quả của 2 nguyên nhân: Thứ nhất là chiến tranh, thứ hai là nhận thức về văn hóa của chúng ta còn nhiều sai lầm (cho là văn hóa truyền thống là phong kiến, là mê tín dị đoan nên những di sản văn hóa bị tàn phá).

Sở dĩ nói Nghị quyết đã tạo ra những bước đột phá về nhận thức, hành động và đi vào trong đời sống là bởi nó được người dân ủng hộ, tâm thức người dân muốn bảo vệ di sản, hợp với lòng dân. Hơn nữa Nghị quyết được ban hành vào đúng thời điểm quốc tế đang đề cao vai trò của văn hóa trong phát triển. Thập niên văn hóa của UNESCO có hai mục tiêu là thức tỉnh mỗi con người về vai trò của văn hóa và khuyến nghị các nhà lãnh đạo các quốc gia đưa các yếu tố văn hóa vào trong các yếu tố phát triển của một đất nước. Có thể nói là sau thập niên văn hóa đó đã tạo nên được sự thức tỉnh nhận thức về văn hóa ở nhiều quốc gia, trong đó có nước ta. Đặc biệt lúc đó nói về nhận thức của các nhà lãnh đạo quốc gia về văn hóa phải nhấn mạnh đến vai trò của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Sau đợt đi thăm các nước Đông Nam Á về, ông đã có ý thức rất rõ vấn đề này.

Như vậy nói một cách tổng quát, Nghị quyết Trung ương 5 vừa hợp lòng dân, đồng thời nó vươn được tới tầm của quốc tế lúc đó. Đất nước may mắn hội tụ được 2 tư tưởng: Quốc gia và quốc tế. Nghị quyết của Đảng về văn hóa ra đời vào đúng Thập niên Văn hóa của quốc tế. Chúng ta nhận được sự ủng hộ của quốc tế để từ đó nhiều di sản của Việt Nam đã được UNESCO công nhận và tôn vinh; đã tạo được cái đà phát triển văn hóa.

Và sau Nghị quyết này thì nền văn hóa truyền thống của chúng ta đã được phục hưng. Tất nhiên việc phục hưng còn bởi nhiều căn nguyên nữa, trong đó đặc biệt là Đổi mới kinh tế đã đem lại nhiều đổi thay rõ rệt. Chủ trương Khoán hộ của Nhà nước đã xác lập vai trò của hộ gia đình, điều chỉnh mô hình hợp tác xã. Khi hộ gia đình được xác lập thì hệ thống làng cũng được xác lập lại (thời kỳ hợp tác xã, làng bị xóa). Làng được xác lập lại lúc đó văn hóa truyền thống bắt đầu được phục hồi. Cho nên có thể nói đây là một giai đoạn tạo nên một bước đột phá: Sự phục hưng của văn hóa truyền thống.

Tất nhiên, tinh thần của Nghị quyết không chỉ dừng ở đó. Nhưng nếu đánh giá ở bối cảnh lúc đó thì có thể nói Nghị quyết TW5 đã hoàn thành được sứ mệnh của nó. Tôi không phải nhà khoa học đi theo để hô khẩu hiệu nhưng thực lòng với tư cách là người nghiên cứu thì tôi đánh giá cao. Về tầm tư tưởng của nó đã thỏa mãn được yêu cầu về đời sống văn hóa của người dân Việt Nam, vươn tới một cái tầm nhìn của thế giới về vấn đề văn hóa. Rõ ràng nó thành công về nhiều phương diện. Đảng có hai Nghị quyết có tầm vóc lớn là Nghị quyết về Khoán hộ trong nông nghiệp và Nghị quyết Trung ương 5 về Văn hóa. Một nghị quyết thành công khi tầm vóc của nó phải có tầm thời đại và thỏa mãn nhu cầu người dân. Rõ ràng Nghị quyết TƯ 5 đã đáp ứng đúng điều người dân đang đòi hỏi, đang thích thú nên người ta tự nguyện thực hiện. Nghĩa là đã vào lòng dân. Nói đưa nghị quyết vào cuộc sống tức là cuộc sống có chấp nhận, có yêu cầu hay không, có những cái "đưa" mãi không vào cuộc sống là vì thế.

Đây là một trong những Nghị quyết thành công của Đảng và đã làm thay đổi bộ mặt, đời sống văn hóa của cả một dân tộc. Nhưng nếu chúng ta nhìn một cách xa hơn, trong bối cảnh 15 năm trước và hiện tại, khi vấn đề kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế đã khiến đất nước có nhiều thay đổi thì Nghị quyết Trung ương 5 đã bị kéo dài nhiệm vụ lịch sử quá lâu. Những chuẩn mực, giá trị về đạo đức và lối sống biến đổi cần phải có một Nghị quyết mới ra đời để có thể giải quyết được những vấn đề của thời đại.

Cẩm Thúy (ghi)

Kỳ sau: Di sản tăng lên lối sống thì đi xuống

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=67731&menu=1427&style=1