150 giả thiết về cái chết của Mozart

Cả thế giới biết đến thiên tài âm nhạc Mozart với một di sản âm nhạc đồ sộ và vô giá gồm 626 tác phẩm lớn nhỏ. Chưa hết, ông còn được biết đến là người có cái chết "phức tạp" nhất thế giới. Trong suốt 218 năm qua kể từ khi Mozart qua đời, người ta vẫn không thôi tranh cãi về nguyên nhân khiến ông từ giã cõi đời sớm như vậy. Cho đến nay đã có tới 150 giả thuyết khác nhau về cái chết của thiên tài âm nhạc này.

Bộ hồ sơ khai tử đồ sộ và chưa đến hồi kết Wolfgang Amadeus Mozart qua đời tại Vienna ngày 5/12/1791, khi mới 35 tuổi. Hồ sơ khai tử khi ấy chỉ thấy ghi một kết luận hết sức chung chung là ông chết vì bị sốt cao. Việc mổ tử thi đã không được thực hiện. Trước khi lìa đời khoảng 15 ngày đã có những dấu hiệu bệnh tật xuất hiện như sốt cao, nổi ban, phù chi, đau nhức toàn thân và rối loạn tâm lý. Theo sử sách lúc bấy giờ, Mozart được mai táng trong một ngôi mộ tập thể tại nghĩa trang St.Mark ở ngoại thành Vienna. 7 năm sau, theo chủ trương bốc mộ của chính quyền để dành chỗ chôn người mới, tất cả đều được cải táng. Vì là mộ tập thể, không thể xác định hài cốt nào của Mozart. Từ đó, hài cốt Mozart được phân tán đi đâu không ai rõ và cho đến giờ chưa ai tìm thấy được một mảnh hài cốt nào được xác định chính xác là của Mozart. W.A Mozart. Cái chết của thiên tài với rất nhiều điều chưa rõ ràng như thế không thể không trở thành một đề tài tranh cãi nóng bỏng của các nhà nghiên cứu và nhiều câu chuyện ly kỳ của nhân gian. Suốt hơn 200 năm qua, giới khoa học đã viết tiếp vào hồ sơ tử vong của Mozart rất nhiều giả thuyết lý giải nguyên nhân cái chết. Tất cả các giả thuyết được đưa ra đều có lý lẽ riêng, có thể dựa trên bệnh cảnh chung, biểu hiện riêng hay những lời kể của người thân trong gia đình... Theo đó, có hai dòng giả thiết lớn được hình thành và chia ra hai phe tranh cãi rất nhiều, đó là Mozart chết vì bệnh tật hay chết vì bị sát hại? Nữ tiến sĩ Faith Fitzgerald, giáo sư âm nhạc của Trường đại học California là một người rất hâm mộ thiên tài Mozart. Chính vị nữ tiến sĩ này đã thống kê từ các phương tiện truyền thông và các báo cáo khoa học trên khắp thế giới và có được 150 giả thiết khác nhau về cái chết của nghệ sĩ bậc thầy âm nhạc này. Tuy nhiên, bản thân Fitzgerald lại tin rằng Mozart chết vì chứng thấp khớp cấp bởi những biểu hiện của ông khi chết là các chi sưng to, đau nhức và sốt cao. Cuộc tranh cãi của những giả thiết chiếm ưu thế Không ít người theo quan điểm án mạng cho rằng Mozart chết bởi tay một thiên tài âm nhạc khác có tên là Antonio Salieri (1750-1825). Người ta cho rằng, giữa hai thiên tài này có một mối tư thù và chính Salieri đã ra tay sát hại Mozart bằng cách đầu độc. Mâu thuẫn bắt đầu khi Mozart tham gia ứng cử vị trí thầy dạy nhạc cho công chúa xứ Wurttemberg, nhưng Salieri được lựa chọn. Đáp lại Mozart cho ra vở nhạc kịch opera Cosi fan tutte lên án những âm mưu mờ ám của Salieri. Vì thế mà Salieri đã tỏ ra rất suy sụp và đến nhà thờ thú tội sau cái chết của Mozart. Cuối đời, Salieri thậm chí còn phải sống trong viện tâm thần. Tuy nhiên, giả thiết này đã bị những người có quan điểm đối lập phản bác. Họ cho rằng, nếu giữa hai nhà soạn nhạc có tư thù thì tại sao Mozart lại mời Salieri làm thầy dạy nhạc cho con trai mình, Franz Xaver. Hơn nữa, trước khi Mozart chết không lâu hai ông còn cùng hòa tấu trong một chương trình? Một số giả thiết đáng chú ý khác thuộc phe "án mạng" bao gồm: - Bị tình địch giết hại: Mozart và vợ - Constanze có với nhau 6 người con. Người con út được 6 tháng tuổi thì Mozart qua đời. Điều lạ là tên của đứa bé này, Franz Xavier trùng với tên Franz Xavier Zyusmeir - một học trò của Mozart. Một số học giả phương Tây ngày nay cho rằng chính Constanze đã bị mê hoặc bởi Zyusmeir và có con với hắn. Theo họ cũng chính Zyusmeir là thủ phạm gây ra cái chết của Mozart để đoạt tình. - Chết vì ngoại tình: Mozart được mời dạy nhạc cho một quý bà xinh đẹp. Chồng bà ta đối đãi rất hào phóng và tử tế với Mozart. Nhưng Mozart đã cám dỗ Maria Magdalenda, tên của quý bà này. Khi người chồng phát hiện ra sự tình, anh ta đã đến nhà Mozart đánh ghen. Lúc đó Mozart đang mắc một chứng bệnh nan y nên không thể chịu nổi trận đòn ghen ác nghiệt này. - Bị trừng phạt bởi Hội Tam điểm: Theo những người cùng thời với Mozart, thì nhà soạn nhạc này đã dựa trên mâu thuẫn lâu đời giữa Hội Tam điểm và Cơ Đốc giáo để sáng tác vở opera Cây sáo ma thuật. Những bí mật nghi lễ của Hội Tam điểm bị phơi bày trong vở opera đã làm các thành viên của hội nổi giận lôi đình và chỉ có cái chết của Mozart mới làm họ hả cơn giận. Về phía phe đối lập là những quan điểm cho rằng Mozart chết vì bệnh tật, rất nhiều giả thuyết nhận được sự đồng thuận cao bởi những chứng cứ có căn cứ khoa học được đưa ra. Theo những biểu hiện trước khi chết, người thì cho rằng Mozart mắc tả (sốt cao, tiêu chảy kéo dài), người khác lại khẳng định ông bị thấp khớp cấp (phù chi, đau nhức). Lại có lời đồn rằng, sinh thời Mozart bị mắc bệnh lây qua đường tình dục. Nhạc sĩ đã dùng thủy ngân như là một dược phẩm để chữa bệnh mà không hề biết đó là chất độc giết ông dần mòn. Dĩ nhiên giả thuyết này quá ác, khó chấp nhận đối với những người hâm mộ nhà soạn nhạc thiên tài. Một ý kiến khác cho rằng Mozart là nạn nhân của một sai lầm về y tế. Mặc dù có nhiều biểu hiện bệnh khác nhau, xong suốt 5 ngày trước khi qua đời, vị bác sĩ điều trị cho ông chỉ cố gắng làm giảm nhiệt độ thân thể ông. Sau đó Mozart bị đột quỵ và rơi vào tình trạng hôn mê rồi qua đời. Khoa học hiện đại ngày nay đã tạo nhiều cơ hội để nghiên cứu cụ thể, sát thực hơn về những cái chết bí hiểm. Nhưng rất tiếc rằng cho đến nay người ta chưa tìm được bất kỳ dấu tích gì về hài cốt của Mozart, vì vậy mà mọi giả thuyết vẫn chỉ là giả thuyết chưa được chứng thực. Một giả thuyết được đăng trên tạp chí Nội khoa của Mỹ số ra ngày 11/6/2006 từng gây xôn xao dư luận. Bác sĩ J. Hirchmann, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Seattle (Mỹ) khẳng định: Mozart đã chết vì ăn phải thịt lợn bị nhiễm giun xoắn. Trong bản báo cáo dài 8 trang, ông Hirchmann lập luận rằng, bệnh dịch nhiễm giun xoắn đã xảy ra tại Vienna vào thời điểm Mozart qua đời. Người mắc bệnh do ăn phải thịt lợn chưa nấu chín bị nhiễm giun xoắn. Các biểu hiện bệnh gồm sốt, nổi ban, đau và sưng chân. Sau khi nghiên cứu tài liệu lịch sử và y khoa, cũng như tiểu sử của Mozart, Hirchmann thấy các triệu chứng bệnh của Mozart trùng khớp với các triệu chứng của dịch bệnh. Mới đây nhất, các nhà khoa học thuộc Đại học Amsterdam (Hà Lan) lại đưa ra một giả thuyết công bố đăng trên tạp chí Biên niên sử ngành nội khoa ngày 18/8/2009. Theo đó, các biến chứng của bệnh viêm khí quản do nhiễm trùng khuẩn cầu chuỗi mới là lý do khiến thiên tài âm nhạc từ giã cõi đời. Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu hồ sơ tử vong xung quanh thời điểm Mozart qua đời và so sánh với các nguyên nhân tử vong khác trong những năm trước và sau đó. Kết quả cho thấy, vào thời điểm Mozart qua đời, tại Vienna xảy ra một dịch bệnh nhiễm trùng khuẩn cầu chuỗi, gây sốt, sưng phù nề và dẫn tới tử vong, đặc biệt ở nam thanh niên. Theo những người gần gũi với Mozart được chứng kiến lúc cuối đời của ông, nhà soạn nhạc thiên tài chỉ phát bệnh không lâu trước khi chết, trong đó có các triệu chứng điển hình y như của người mắc dịch. Giới khoa học cho rằng mặc dù đây chưa phải là kết luận cuối cùng về nguyên nhân cái chết của Mozart, song nó là giả thuyết có cơ sở khoa học nhất kể từ trước đến nay. Đỗ Duy Anh (Theo Pravda)

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/20091016103252389p0c19/150-gia-thiet-ve-cai-chet-cua-mozart.htm