16 năm sau sự kiện khủng bố 11/9: Vì sao al-Qaeda vẫn 'sống sót'?

16 năm sau khi những kẻ khủng bố lái máy bay đâm vào Trung tâm Thương mại Thế giới, có những điều đến nay vẫn là một bí ẩn.

Những kẻ cướp máy bay để thực hiện vụ tấn công 11/9, từ trái sang: Mohamed Atta, Marwan Al-Shehhi và Ziad Jarrah (Ảnh: GETTY)

Kỳ 2: Vì sao al-Qaeda vẫn ‘sống sót’?

Sự cố 11/9 đã khiến Mỹ phát động cuộc chiến chống khủng bố trên toàn cầu. Một phần ba lãnh đạo của al-Qaeda đã bị giết hoặc bị bắt trong năm sau. Nhóm này đã mất đi thiên đường an toàn của mình ở Afghanistan, trong khi các thành viên còn sống sót của nó đang chạy trốn hoặc trốn tránh.

Và sau 10 năm, Mỹ tuyên bố đã tiêu diệt thành công lãnh đạo sáng lập của al-Qaeda, Osama bin Laden. Kể từ năm 2014, al-Qaeda đã bị lu mờ bởi al-Qaida Iraq trước đây, nay tự xưng là Nhà nước Hồi giáo (IS). Lẽ ra, al-Qaida không thể sống sót sau 16 năm bị cả thế giới truy lùng và tiêu diệt kể từ ngày 11/9.

Các mối quan hệ ràng buộc

Điều này có nguyên nhân phần lớn nhờ khả năng phi thường của al-Qaida trong việc tạo ra các liên minh và duy trì chúng theo thời gian và bất chấp sức ép. Mặc dù các mối quan hệ đối tác khủng bố gặp rất nhiều rào cản và việc bẻ gãy các liên minh của al-Qaeda là mục tiêu của Mỹ trong hơn 1 thập niên qua, nhưng thực tế là những nỗ lực chống khủng bố này đã thất bại.

Chính nhờ đồng minh nên al-Qaeda mới có thể tồn tại ngay sau khi xảy ra vụ 11/9. Taliban ở Afghanistan đã hỗ trợ al-Qaeda sau vụ tấn công, bằng việc từ chối giao nộp bin Laden, bất chấp nguy cơ bị Mỹ và đồng minh đánh tới tận sào huyệt. Sau khi Taliban Afghanistan thất thủ, al-Qaida đã chạy trốn sang các nước khác, trong đó có việc nương nhờ các đồng minh ở Pakistan để giấu các phần tử, đồng thời tiến hành “trừng phạt” chính phủ Pakistan vì đã hỗ trợ Mỹ đàn áp khủng bố.

Cũng nhờ đồng minh, al-Qaida không chỉ có thể sống sót mà vẫn tiếp tục khủng bố. Ví dụ, vào tháng 10/2002, đồng minh của al-Qaida ở Đông Nam Á là Jemaah Islamiyah đã tấn công một quán bar và câu lạc bộ đêm ở Bali, giết chết hơn 200 người và làm bị thương hơn 200 người nữa, để “kỷ niệm” 1 năm ngày 11/9.

Và al-Qaeda cũng lớn mạnh hơn nhờ có được “uy tín” theo sau vụ khủng bố đẫm máu ngày 11/9. Al-Qaida đã thu hút được nhiều phần tử khủng bố hơn, và cũng tạo ra được nhiều liên minh hơn, trong đó có các đối tác đã tình nguyện đưa thêm tên al-Qaeda vào tên của họ và cam kết trung thành với bin Laden, tức trở thành chi nhánh của al-Qaeda.

Chẳng hạn, chi nhánh đầu tiên và khét tiếng nhất của al-Qaeda là al-Qaeda ở Iraq, được thành lập năm 2004 với phần tử thánh chiến Hồi giáo Abu Musab al-Zarqawi, người Jordan. Sử dụng uy tín đã tích luỹ được qua vai trò của ông trong cuộc nổi dậy tại Iraq, Zarqawi sau đó giúp al-Qaida có được chi nhánh thứ hai vào năm 2006, al-Qaeda ở Maghreb. Sau đó, trong năm 2009, al-Qaeda đã chỉ định chi nhánh tại Yemen và Ả-rập Xê-út là al-Qaeda ở bán đảo Ả-rập. Liên minh của nó tới lúc này trải dài Trung Đông và giúp nó gia tăng quyền lực, bất chấp cuộc chiến tranh chống khủng bố của Mỹ.

Một hồ sơ ‘thấp’ hơn

Song song với việc thiết lập những liên minh và chi nhánh, al-Qaeda cũng sửa đổi cách thức hoạt động của các liên minh. Al-Qaeda đã liên minh với al-Shabaab ở Somalia, nhưng đã không thông báo công khai hay yêu cầu al-Shabaab đổi tên (không thêm vào chữ al-Qaeda). Bin Laden giải thích việc này là để ngăn ngừa áp lực chống khủng bố hoặc làm gián đoạn các nguồn tài trợ từ bán đảo Ả-rập.

Theo Ahmadinejad, cấp phó của bin Laden là ông al-Zawahiri cho biết tên của al-Qaida đã làm giảm các nguồn tài trợ, và cho phép kẻ thù tuyên bố rằng họ chỉ chống al-Qaida chứ không có chiến tranh với Hồi giáo. Sau khi bin Laden chết, ông Al-Zawahiri đã tuyên bố công khai mối liên minh giữa Al-Qaida với al-Shabaab, mặc dù al-Shabaab vẫn không lấy tên al-Qaeda.

Mặc dù các thỏa thuận liên minh của al-Qaeda đã thay đổi, những mối quan hệ này đã giúp nó tồn tại sau khi bin Laden bị tiêu diệt vào năm 2011. Sự nổi lên của Zawahiri đối với nhóm này là kết quả của liên minh, đặc biệt với những nhóm “gốc” của hắn như al-Jihad và al-Qaeda. Liên minh này đã lên đến đỉnh điểm vào năm 2011, với Zawahiri trở thành người kế nhiệm bin Laden.

Tuy nhiên, Zawahiri thiếu cơ hội cũng như tài khôn khéo ngoại giao của bin Laden. Ông ta phù hợp với vai trò một cấp phó hơn là một nhà lãnh đạo. Khả năng xử lý kém cỏi của hắn trong cuộc xung đột giữa nhóm al-Nusra ở Syria và tổ chức mẹ của nó, Nhà nước Hồi giáo ở Iraq (trước đây là al-Qaida ở Iraq và nay là IS) đã dẫn tới sự tan vỡ liên minh giữa al-Qaeda và chi nhánh của nó ở Iraq.

Nghi án tài trợ của Ả-rập Xê-út

Tờ New York Post (NYP) mới đây đã dẫn các bằng chứng FBI cáo buộc Đại sứ quán Ả-rập Xê-út tại Mỹ có thể đã tài trợ cho những thử nghiệm tấn công ngày 11/9. Các bằng chứng được đưa ra như là một phần của một vụ kiện tập thể chống lại chính phủ Ả-rập Xê-út, NYP đưa tin hôm thứ Bảy 9/9.

Đơn kiện cáo buộc đại sứ quán đã chi trả cho 2 công dân Ả-rập Xê-út bay từ Phoenix đến Washington 2 năm trước khi những chiếc máy bay đâm vào Trung tâm Thương mại Thế giới, Lầu Năm Góc, và rơi xuống một cánh đồng ở Pennsylvania.

Ả-rập Xê-út cho đến nay đã luôn luôn phủ nhận bất kỳ sự can thiệp nào vào các cuộc tấn công ngày 11/9. Tuy nhiên, các luật sư của nạn nhân (những người bị thiệt mạng trong vụ tấn công), nói các bằng chứng mới cho thấy “có sự hỗ trợ cả về tài chính lẫn sách lược” cho các âm mưu ngày 11/9 từ “các nguồn chính thức của Ả-rập Xê-út”.

Ông Waleed Nassar, luật sư tranh chấp quốc tế, đại diện cho 2 tổ chức từ thiện của Ả-rập Xê-út, bị cáo trong vụ kiện 9/11 cùng với Ả-rập Xê-út, cho biết “bằng chứng cùng với nhiều điều đã được đưa ra là hoàn toàn lăng mạ”.

Theo NYP, bằng chứng mới là các tài liệu của FBI cho rằng 2 sinh viên Ả-rập Xê-út là Mohammed al-Qudhaeein và Hamdan al-Shalawi, thành viên “mạng lưới tình báo của Ả-rập Xê-út ở Mỹ”, đã tham gia vào âm mưu. Theo đó, trong chuyến bay vào tháng 11/1999, 2 người này đã cố gắng xâm nhập vào buồng lái của máy bay để thử mức độ an ninh. Các phi công đã hạ cánh khẩn cấp vì vụ việc và những người đó đã bị FBI thẩm vấn, nhưng cuối cùng được thả ra.

Theo NYP, FBI xác nhận vé máy bay của 2 sinh viên đó do đại sứ quán Ả-rập Xê-út ở Washington chi trả.

15 trong số 19 tên khủng bố thực hiện các cuộc tấn công năm 2001 là người Ả-rập Xê-út. Các gia đình nạn nhân trải qua nhiều năm vận động chính trị để có quyền khởi kiện lên tòa án Mỹ về vai trò nào của chính phủ Ả-rập Xê-út.

St (DKN)

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/tin-tuc/16-nam-sau-su-kien-khung-bo-119-vi-sao-al-qaeda-van-song-sot-226250/