16 tuổi, vừa học vừa làm nuôi 3 em ăn học

(VnMedia) - Cha mẹ bỏ đi lúc mới 10 tuổi. Bà ngoại già yếu, hai em gái mới học tiểu học. Em trai bị tâm thần. Đã 6 năm nay, gánh nặng gia đình đặt lên vai cậu bé 16 tuổi. Vừa đi học, vừa làm thuê cuốc mướn mưu sinh. Đó là câu chuyện của Trần Cà Bay, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp.

6-7 năm với gánh nặng mưu sinh "Ba mẹ em bỏ đi đã 6, 7 năm nay. Hiện Cà Bay đang sống cùng với bà ngoại 79 tuổi và 3 người em" - Cà Bay tâm sự. Ngôi nhà tạm bợ nơi Cà Bay và các em sinh sống Hai em gái là Trần Thị Thúy Kiều (học lớp 5) và Trần Thị Thúy Vân (học lớp 4). Người em trai kế là Trần Thiện Tâm, 14 tuổi mắc chứng động kinh từ nhỏ, nhưng do hoàn cảnh khó khăn, bệnh tái phát liên tục mà không thuốc thang trị liệu nên chuyển sang tâm thần nhẹ. “Lúc đó, cha mẹ đi mà em cứ tưởng là đi làm thuê như thường ngày nhưng rồi không thấy trở về nữa. 3 đứa em thì còn nhỏ nên không biết gì, chỉ mình em và bà ngoại biết. Hoàn cảnh gia đình em thì nghèo lắm, sống chủ yếu là làm thuê, làm mướn thôi. Cha mẹ bỏ đi rồi thì bà ngoại lại phải nai lưng ra kiếm tiền để nuôi 4 anh em vừa ăn vừa học”. “Năm em 12 tuổi, thấy cuộc sống khó khăn quá, không thể để một mình bà ngoại cực khổ nên lúc đó em định nghỉ học để đi làm kiếm tiền phụ ngoại nuôi các em. Nhưng bà ngoại đã khuyên em không được bỏ học, phải gắng học để sau này có điều kiện lo cho các em. Chính vì thế em nghe lời ngoại vừa học và vừa đi làm mướn. Khoảng 4 năm nay thì sức khỏe của bà ngoại ngày càng yếu nên ngoại không đi làm nữa. Một mình em phải gắng chạy để mà nuôi các em. Công việc của em thì ai mướn gì làm nấy, miễn kiếm được tiền mua gạo và tiền cho các em đi học”. Ba mẹ Cà Bay thực ra không ở đâu xa mà sinh sống tại một xã khác của Huyện Cao Lãnh. Người cha bị nghiện rượu nặng, không trở về nữa. Mẹ Cà Bay có gia đình riêng. Từ ngày đó, anh em Cà Bay không còn gặp lại ba mẹ mình. Họ cũng không nhớ rằng mình có 4 đứa con thơ dại và một người mẹ già đang từng ngày mưu sinh. Bà ngoại: Chỉ sợ đến lúc tôi nhắm mắt… Ngôi nhà của Cà Bay đang ở rộng chừng 24m2 nằm phía sau nhà của một người dì. Ngôi nhà có một nửa trên bờ, một nửa dưới nước được hàng chục cây cột chống đỡ theo kiểu nhà sàn. Vào nhà của Cà Bay, tìm một cái ghế ngồi cũng khó. Trần Cà Bay và bà ngoại trong ngôi nhà ọp ẹp Cà Bay cho biết, nhà này do chính quyền xét tặng nhà tình thương vào năm 2003, trước kia thì như một cái chòi mà 4 anh em và bà ngoại cùng ở với nhau. Những khi mùa mưa hay nước lên thì xung quanh chỉ toàn nước với nước. Cà Bay thường đi phụ hồ, vác lúa mướn, giăng câu và những việc khuân vác, lặt vặt khác. Mỗi ngày em kiếm được 20.000 - 30.000 đồng. Những ngày hè thì em thường đạp xe qua các tỉnh Long An, Tiền Giang để đi phơi lúa mướn, phụ hồ, dành dụm tiền gửi về cho ngoại nuôi các em. Hiện nay, tiền học phí của Cà Bay và 2 em được nhà trường miễn giảm nên cũng đỡ phần nào đó. Bà Lê Kim Phỉ, bà ngoại của Cà Bay nói: “Tôi đã 79 tuổi rồi, không giúp gì được cho cháu nó nữa. Chỉ ở nhà nấu cơm cho chúng nó ăn đi học, Cà Bay vừa học vừa đi làm, thấy cháu nó cực nhọc quá. Chỉ sợ đến lúc tôi nhắm mắt, cháu nó còn phải lặn lội mưu sinh mà học hành không đến nơi đến chốn thì tôi cũng chẳng được yên lòng”. Có những ngày, nhiều cơn mưa lớn và những cơn giông xảy đến, Cà Bay nói trong xót xa: “Nhà cũng hư cả rồi, mưa xuống là mấy anh em cùng nhau chạy qua nhà dì để ngủ. Hôm rồi đang ngồi học trong lớp, một cơn giông kéo đến mà em cứ thấp thỏm lo âu, cứ sợ gió quất cả nóc nhà đi thì biết làm sao. Tiền thì không có để mà sửa lại nên ngồi học mà cứ cầu trời phù hộ đừng để chuyện gì xảy ra”. Nhà trường: Thấy xót nhưng không giúp được nhiều Hiện bà ngoại của Cà Bay lên ở cùng người dì của em ở nhà trên, đến bữa thì xuống nấu cơm cho các cháu mình ăn. Hai em gái của Cà Bay thì mới học đến tiểu học, còn nhỏ không thể lo được gì. Còn em trai bị tâm thần thì sáng ra đi, trưa về ăn cơm rồi lại đi, chiều trở về, ngày nào cũng thế. Mọi việc nhà, việc mưu sinh đều do một tay Cà Bay lo liệu. Mà công việc làm thì không phải ngày nào cũng có nên nhiều lúc gạo hết, chạy vạy đi mượn, có khi cả mấy anh em cùng ăn mì, ăn cháo qua ngày. Sớm bước vào đời với gánh nặng 3 đứa em và một người bà đã 79 tuổi, vậy mà khi nhắc đến hoàn cảnh của mình, Cà Bay dường như không hề muốn chia sẻ. Ở tuổi 16, Cà Bay nhìn già dặn và từng trải hơn bè bạn cùng trang lứa. Nhưng với anh Cạnh Thức, một người hàng xóm của em thì Cà Bay vốn là một người rất sôi nổi và vui vẻ khi tham gia các hoạt động ở địa phương. “Hiện giờ khó khăn quá nên em chưa biết mình phải làm gì cho tương lai. Chỉ mong lúc này có sức khỏe để đi làm kiếm tiền nuôi các em ăn học, cùng bà ngoại lo cho các em học thành tài. Riêng em tốt nghiệp 12 rồi mới tính tiếp. Quan trọng là không để cho các em thiệt thòi, mình làm anh thì chỉ biết phải lo thôi. Em chỉ sợ sẽ không có tiền để lo thôi”, Cà Bay tâm sự. Thầy Ngô Văn Pul - Tổng phụ trách đội trường THCS thị trấn Mỹ Thọ cho biết: “Cà Bay là một học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Việc học thì em Cà Bay rất siêng năng, dù phải vất vả kiếm sống nhưng học lực của em luôn đạt khá. Nhìn em ngược xuôi kiếm tiền, chúng tôi thấy xót lắm. Nhưng nhà trường thì chỉ có thể tạo mọi điều kiện cho em học tập chứ không giúp được nhiều”. Lê Hà

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/newsdetail.asp?catid=71&newsid=190578