17 người chết, Tây Nguyên "vật vã" vì dịch sốt xuất huyết

Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có gần 50.000 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), 17 trường hợp đã tử vong. Trong đó Tây Nguyên chiếm gần 75%.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi truyền, bệnh lưu hành ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước, thường gặp ở trẻ em...

Theo thông tin từ Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên (ngày 6/8) thì dịch SXH xảy ra ở 339/563 xã, phường, 48/50 huyện của 4 tỉnh Tây Nguyên (Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông) có gần 10 nghìn bệnh nhân mắc SXH, 4 trường hợp tử vong vì dịch bệnh này. Trong đó số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất tại Gia Lai (gần 4000 ca, 1 ca tử vong), tính trung bình mỗi ngày tỉnh có hơn 100 ca mắc bệnh và 17/17 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh này có dịch. Ở Đắk Lắk toàn tỉnh có 3000 ca SXH trong đó có 1 ca tử vong do mắc bệnh, Kom Tum; 1.387 ca và Đắk Nông: 1.079 ca.

Bệnh nhân phải điều trị ở hành lang do quá tải.

Với diễn biến hết sức phức tạp như vậy dẫn đến các bệnh viện ở khu vực này luôn trong tình trạng quá tải điển hình như Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai) bệnh nhân SXH nằm la liệt từ các phòng cho đến hành lang của khoa. Bệnh viện phải trưng dụng nhiều khoa khác để điều trị cho bệnh nhân.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do ý thức phòng dịch của người dân nơi đây còn thấp, chủ yếu là đồng bào dân tộc, có gia đình ký cam kết phòng chống dịch nhưng sau đó cả 12 người cùng mắc bệnh. Ngoài ra do ảnh hưởng của El Nino, nhiệt độ tăng, hạn hán kéo dài buộc các gia đình phải tăng trữ nước trong các dụng cụ tạo điều kiện cho muỗi phát triển.

Nhận định tình hình dịch năm nay, các chuyên gia dịch tễ cho biết, nếu những năm trước sốt xuất huyết chỉ tập trung ở chủng D1, D2 thì năm nay xuất hiện cả D4, tuy nhiên chưa ghi nhận các trường hợp sốt xuất huyết do muỗi biến đổi gen.

Mặc dù dịch SXH đang hoành hành ở Tây Nguyên, bệnh nhân phải nằm la liệt ở các hành lang bệnh viện tuyến trên thì trưa 7-8, kiểm tra bất ngờ Trạm y tế xã Cư ÊBur, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, Phó Thủ tưởng Vũ Đức Đam và Đoàn công tác Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến làm trưởng đoàn phát hiện trạm này đóng kín cửa.

Ngay khi đến trạm y tế Cư Êbur, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã kiểm tra một lượt các dãy nhà và nhận thấy các cánh cửa đều khóa. Thử mở các cửa sổ của trạm y tế, Phó thủ tướng nhìn thấy bên trong nhiều thiết bị y tế bị bụi bám. Sau đó Phó thủ tướng đã dò hỏi người dân về tình hình sử dụng dịch vụ y tế tại đây. Một người dân nói: “Trạm y tế thường hoạt động từ thứ hai đến thứ năm, còn thứ sáu tới chủ nhật nghỉ” khiến Phó thủ tướng lắc đầu.

Phó Thủ tướng cho rằng: “Nhà cửa trong trạm y tế thì hoành tráng, rất đẹp và làm to nhưng hoàn toàn không có người trực, không có bệnh nhân khám, trong khi đó bây giờ vẫn xin thêm tiền để xây trạm xá. Cứ chỗ nào cũng như thế này thì chết”.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đan bất ngờ đến kiểm tra trạm y tế xã Cư Êbur.

Được biết trước đó Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1388/CĐ-TTg, nhằm chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh sốt xuất huyết . Chủ tịch UBND các địa phương chỉ đạo quyết liệt và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn. Yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra các địa phương về giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch, các biện pháp dự phòng và phác đồ điều trị bệnh sốt xuất huyết; tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về công tác chẩn đoán, điều trị; bảo đảm đủ phương tiện, vật tư, trang thiết bị, sẵn sàng tổ chức thu dung cấp cứu, điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong.

Người bệnh phải ra hành lang nằm vì quá tải

Bác sĩ Nguyễn Hai, Trưởng Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Khoa chỉ có 35 giường bệnh nhưng hiện nay đã tiếp nhận điều trị lên đến 195 bệnh nhân, chủ yếu là mắc bệnh SXH. Do bệnh nhân tăng đột biến - khoa phải huy động thêm 7 phòng trước đây dùng chứa các dụng cụ y tế, nhà kho để làm phòng cho bệnh nhân nằm. Nhưng cũng chỉ kê thêm được 28 giường, còn lại các bệnh nhân phải tự mang theo giường xếp vào kê thêm trong phòng, ngoài hành lang để nằm”.

Để giảm bớt tình trạng quá tải, bệnh viện huy động thêm những phòng để đồ đạt, dụng cụ chuyển làm phòng bệnh. Tuy nhiên, việc huy động này cũng chỉ giúp tăng thêm khoảng 30 giường bệnh nên nhiều bệnh nhân vẫn phải nằm ở ngoài hành lang.

Khoa Truyền nhiễm có 7 bác sĩ , 2 hộ lý và 12 điều dưỡng. Số lượng này không thể đáp ứng đủ vì bệnh nhân quá đông, phía bệnh viện linh động chuyển bác sĩ, điều dưỡng từ các khoa khác sang giúp sức. Theo đó, khoa được tăng thêm 4 bác sĩ và 9 điều dưỡng.

Bác sĩ Y Bliu Arul (Phó giám đốc bệnh viện tỉnh Đắk Lắk), cho biết, trước tình trạng bệnh viện quá tải, bệnh viện đã làm báo cáo gửi Sở Y tế tỉnh để xin hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn hiện nay trong công tác chống dịch SXH. Ngoài ra, bệnh viện cũng yêu cầu tuyến dưới tăng cường công tác phòng chống bệnh dịch SXH, chỉ được phép chuyển bệnh nhân lên bệnh viện tỉnh khi tình trạng bệnh quá nặng.

Trong khi đó, Sở Y tế tỉnh Kon Tum cho biết, đến nay, toàn tỉnh có hơn 1500 ca nhiễm SXH. Mỗi ngày, có khoảng 40 ca nhập viện. Hiện, có hai bệnh nhân tử vong do SXH. Bác sĩ Nguyễn Thị Vân (Phó giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Kon Tum) cho hay, sau khi nhận được thông tin, lãnh đạo trung tâm đã đến thăm hỏi, động viên gia đình các bệnh nhân. Ngoài ra, trung tâm cũng tăng cường tuyên truyền, phổ biến các tác hại cảu dịch để người dân phòng ngừa…

Nguồn Phụ Nữ Today: http://phunutoday.vn/xa-hoi/17-nguoi-chet-tay-nguyen-vat-va-vi-dich-sot-xuat-huyet-115980.html