19% học sinh được hỏi cho biết đã từng bị bạo lực tình dục

Một kết quả khảo sát trên 3.000 học sinh của Hà Nội mới đây cho thấy, có khoảng 19% học sinh được hỏi cho biết đã từng bị bạo lực tình dục (tin nhắn với nội dung tình dục, sờ, hôn, hiếp dâm...).

ẢNH CẮT TỪ CLIP

Hôm nay (20.12), tại Hà Nội, Bộ Giáo dục - Đào tạo phối hợp với Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam ( UNICEF) tổ chức Hội thảo “Chia sẻ báo cáo nghiên cứu xây dựng mô hình thí điểm dịch vụ công tác xã hội trường học”.

19% học sinh tố bị bạo lực tình dục

Báo cáo tại hội thảo đã công bố kết quả nghiên cứu của Viện Y - Xã hội năm 2014 trên 3.000 học sinh THCS và THPT tại Hà Nội còn cho thấy một thực trạng đáng báo động hơn của bạo lực học đường: 80% học sinh cho biết từ trước đến nay đã bị bạo lực giới trong trường học ít nhất một lần; 71% học sinh bị bạo lực trong vòng 6 tháng trước đó.

Trong đó, bạo lực tinh thần (mắng chửi, đe dọa, bắt phạt, đặt điều, sỉ nhục...) chiếm tỷ lệ cao nhất (73% học sinh); bạo lực thể chất (tát, đá, xô đẩy, kéo tóc, bạt tai, đánh đập...) là 41%;

Đáng chú ý, có khoảng 19% học sinh được hỏi cho biết đã từng bị bạo lực tình dục (tin nhắn với nội dung tình dục, sờ, hôn, hiếp dâm, yêu cầu chạm vào bộ phận sinh dục, lan truyền tin đồn tình dục...).

Bạo lực không chỉ xảy ra giữa các học sinh với nhau mà còn xảy ra giữa giáo viên với học sinh, khi quan niệm, phương pháp giáo dục truyền thống vẫn tồn tại trong trường học, khi thầy cô vẫn được coi là “cha mẹ” với quyền lực lớn, là trung tâm của trường học.

Thêm vào đó, những hình phạt vốn dĩ tồn tại như một yếu tố không thể thiếu trong hệ thống trường học và gia đình như “phê bình trước lớp, làm bản kiểm điểm, mời phụ huynh” đang tạo ra những khoảng cách giữa học sinh và thầy cô giáo. Đôi khi, có hành vi bạo lực ngược lại từ học sinh đối với thầy cô giáo.

Chính vì thế, trường học không còn là nơi an toàn với một bộ phận học sinh. Báo cáo của Viện Y - Xã hội và Plan năm 2014 chỉ ra: chỉ có 16% học sinh nữ và 19% học sinh nam cảm thấy luôn luôn an toàn trong khuôn viên trường…

Quá nhiều khó khăn của học sinh cần trợ giúp

Một vấn đề đáng lưu ý nữa trong trường học hiện nay là sự thiếu phù hợp của chương trình học tạo ra áp lực học tập căng thẳng cho học sinh. Con số 45.962 học sinh THCS và 23.758 học sinh THPT lưu ban trong năm học 2014-2015, và 60 42.698 và 19.281 học sinh tương tự của hai cấp học lưu ban trong năm học 2015-2016, tuy mới mô tả được phần nổi trong tảng băng chìm, nhưng rất đáng lưu ý.

Trong các cuộc tham vấn tại Đồng Tháp và TP.HCM, nhiều giáo viên cũng lý giải tác động của chương trình học đối với nhiều vấn đề của học sinh. Rõ ràng, khi chương trình học căng thẳng, học sinh không theo kịp sẽ dẫn đến việc chán học, các hành vi chống đối trong trường, hoặc đẩy trẻ em đến các tệ nạn xã hội khác.

Nghiên cứu của giảng viên Nguyễn Thanh Bình, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội với 200 học sinh Trung học phổ thông tại 3 trường trên địa bàn Hà Nội chỉ ra 4 khó khăn chính của học sinh THPT hiện nay: Khó khăn trong việc hình thành thế giới quan với 78,7%; khó khăn trong định hướng nghề nghiệp với 76,6%; khó khăn trong định hướng tình bạn, tình yêu là 57,8%; và khó khăn trong định hướng quan hệ gia đình, dòng họ là 31,6%.

Những khó khăn mà học sinh trung học phổ thông gặp phải tập trung ở việc học tập, hướng nghiệp, các mối quan hệ với thầy cô bạn bè.

Báo cáo này cũng dẫn kết quả một khảo sát do nhóm nghiên cứu thực hiện báo cáo tại một trường THCS tại TP.HCM cho thấy, có khoảng 10% trong số 3.300 học sinh của trường có bố mẹ ly hôn, ly thân hoặc đang có xung đột. Nhiều trường tư thục, tỉ lệ bố mẹ ly hôn, ly thân, không hạnh phúc chiếm tới 2/3 lớp học.

Bên cạnh đó, những vấn đề thiếu kiến thức, kỹ năng sống nhất là các vấn đề liên quan tới sức khỏe sinh sản hiện nay của học sinh đang trở nên báo động.

Theo thống kê của Tổng cục dân số, năm 2015 có 5.500 vụ phá thai của vị thành niên trong số 28.000 ca phá thai được thống kê tại các cơ sở y tế công lập. Tỷ lệ nạo phá thai ở trẻ vị thành niên là 2,2% các vụ phá thai.

Từ thực tế đó, báo cáo của Bộ Giáo dục - Đào tạo và UNICEF chỉ ra rằng: Dù có sự khác nhau giữa các cấp, bậc học, loại hình trường khác nhau trong các nhu cầu về dịch vụ công tác xã hội, tuy nhiên có thể khẳng định nhu cầu trợ giúp của công tác xã hội để giải quyết các vấn đề đa dạng, phức tạp của học sinh là thực tế mà cấp học nào cũng cần thiết. Song, các trường THCS và THPT là những cấp học có nhu cầu về dịch vụ công tác xã hội bức thiết hơn cả.

Tuệ Nguyễn

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/giao-duc/19-hoc-sinh-duoc-hoi-cho-biet-da-tung-bi-bao-luc-tinh-duc-775939.html