2.000 USD cho một ước mơ, cái giá rẻ nhưng không phải ai cũng đủ can đảm mua về

Con người càng lớn lên bao nhiêu, nguyện vọng và giấc mơ lại càng thu hẹp bấy nhiêu. Nên khi có một cô bé dám nói nên ước mơ của mình thì bị đánh giá là ảo tưởng.

TIN LIÊN QUAN

Sinh viên đòi lương khởi điểm 2.000 USD có ảo tưởng?

Nữ sinh đòi lương 2.000 USD: 'Tôi không ảo tưởng sức mạnh'

Lương khởi điểm 2000 đô ngay khi ra trường: Các bạn trẻ đang ...

Đây là cách nữ sinh Việt thu nhập hơn 2.000 USD mỗi tháng ...

Hồi nhỏ coi truyện Đô-rea-mon, món bảo bối thần kì được hâm mộ nhất có lẽ là chiếc tủ điện thoại, nơi mà chỉ cần quay số và thực hiện một cuộc gọi là có thể khiến cả thế giới làm theo mong muốn của mình.

Dù mọi biến đổi chỉ xảy ra chưa tới 24 giờ, nhưng đó vẫn là nguyện vọng và giấc mơ của một đứa trẻ vào thời điểm đó. Chiếc tủ điện thoại của Đô-rea-mon ngày ấy đã nói hộ cho khao khát của hàng trăm, hàng ngàn đứa trẻ:

'Được nói ra nguyện vọng của mình. Và khiến thế giới vì mình mà thay đổi!'

Đáng buồn là tủ điện thoại đó cũng chỉ là một giấc mơ và Nobita không thể lớn lên mà mãi mãi sống trong cuốn truyện.

Con người càng lớn lên bao nhiêu, nguyện vọng và giấc mơ lại càng thu hẹp bấy nhiêu. Đến nỗi mà giấc mơ nhỏ nhoi và vô cùng thực tế của một cô sinh viên chăm chỉ về mức lương… 2.000 USD/ tháng cho cử nhân mới ra trường trong một cuộc tọa đàm gần đây cũng trở thành một đề tài gây tranh cãi!

Từ bao giờ mà giấc mơ trở nên có định mức, con người dè sẻn giấc mơ của chính mình?

Người trẻ bây giờ bị dồn chất lên vai nhiều gánh nặng và áp lực quá, khiến giấc mơ của họ cũng trở lên méo mó, bó hẹp theo. Đôi cánh mơ tưởng ngày nào cũng bị những con quái vật mang tên 'cơm áo gạo tiền' xơi tái mà chẳng thể nào tung mình bay lên được.

Chưa kể, bên cạnh những người trẻ còn ngày đêm giữ lại giấc mơ thoi thóp luôn xuất hiện một đội ngũ những tình nguyện viên năng nổ, sẵn sàng cắt phăng đi đôi cánh này.

Nhiều người vẫn thường tỏ thái độ gièm pha và buông ra những lời chỉ trích gay gắt: 'Bớt ảo tưởng đi!',' Tỉnh lại đi!',' Xuống mặt đất đi!' khi nhìn thấy những thứ 'có vẻ to tát' mà người khác đang nhọc công theo đuổi trái ngượcvới định hướng của họ.

Họ mải miết đưa ra đủ mọi lí lẽ và lập luận để biện minh rằng giấc mơ của 'người khác' kia thật viển vông và không hề thực tế, nhưng lại quên mất một điều cơ bản, họ không phải là người đang mơ, càng không hề mơ chung một giấc mơ với người đó!

Năng lực mỗi người khác nhau, không ai hiểu rõ khả năng của mình bằng bản thân người trong cuộc. Cái mà bạn chẳng thể thành công, không có nghĩa, người khác sẽ không làm được. Thứ mà bạn từ bỏ, vẫn có thể là thứ mà người khác không ngừng theo đuổi. Bởi vì cuộc sống công bằng lắm, ai cũng có quyền mơ giấc mơ của chính mình mà đâu cần nghĩ quá nhiều về những rào cản?

Giấc mơ liệu có còn là giấc mơ nếu ta đặt cho nó một giới hạn?

Trở lại với câu chuyện của cô sinh viên và giấc mơ về mức lương 2.000 USD/tháng ngay khi ra trường kia. Thoạt tiên thì ai cũng giật mình ngạc nhiên và cho rằng đây là mong muốn có phần không tưởng. Ăn sâu trong nếp nghĩ mỗi người, mức lương khởi điểm của người mới đi làm chỉ là một con số rất nhỏ nhoi, lại còn chìm nghỉm giữa vô vàn những yêu cầu về 'kinh nghiệm làm việc', 'sở trường mở rộng', 'kĩ năng mềm',…

Nhưng, phải khẳng định một điều, mức lương mà cô bé can đảm kia đặt ra, lại là thứ mà hầu hết những người đi làm như chúng ta luôn không ngừng mơ ước! Đừng dối lòng nữa, ai chẳng muốn nhận được một mức lương cao cơ chứ?

Vậy thì thái độ phản bác từ những 'dư luận viên' quá khích luôn muốn ăn tươi nuốt sống cô sinh viên và cả giấc mơ 'triệu người mơ' đó là ở đâu ra? Họ giận dữ vì một thứ mà 'họ không thể làm được', 'không đủ can đảm để thực hiện'. Hay chỉ đơn giản là 'không cam tâm nếu người khác thực hiện thành công'?

Hãy cứ mơ đi vì không ai đánh thuế ước mơ!

Bạn phải chi tối thiểu 10.000 đồng cho một ổ bánh mì buổi sáng, thêm hai chục ngàn cho một bữa trưa tạm no nê, và ti tỉ, gi gỉ những thứ khác cần đến tiền bạc. Nhưng giấc mơ chân chính thì chẳng cần bạn phải tiêu tốn một đồng xu nào cả! Mà đôi khí lại có thể khiến bạn gặt hái ra tiền.

Ở cơ quan nơi tôi làm việc, có một bà chị đồng nghiệp ngày ngày ước ao Xổ số Mega Vietlott sẽ mở sòng ở Hà Nội, và chỉ cần bỏ ra 10.000 VNĐ thôi là có thể mua lấy một vận may cho mình. Ngồi kế đấy lại là một ông anh hăm hở mua đến mấy bịch Nescafe về uống để kiếm lá phiếu bốc thăm cho căn nhà 1,5 tỉ.

Thành thật mà nói, giấc mơ trúng số 92 tỉ của bà chị đồng nghiệp hay trúng nhà lầu của ông anh kia, xét cho cùng còn viển vông và thiếu thực tiễn hơn hẳn giấc mơ về mức lương 2.000 đô của một sinh viên mới ra trường!

Bởi vì giấc mơ của cô sinh viên đó không đơn giản chỉ là một giấc mơ, càng không phải là sự may rủi. Mà đằng sau nó là cả một nỗ lực.

Năm 2016 còn ai chơi 'Flappy Bird'? Nhưng hẳn là ai cũng sẽ còn nhớ câu chuyện về 'Nguyễn Hà Đông' và con chim 'ngu'. Trước khi Flappy Bird ra đời, liệu có ai từng nghĩ một anh chàng lập trình viên trẻ tuổi và vô danh như Nguyễn Hà Đông lại có thể làm khuynh đảo cả đế chế Game di động?

Thành công của Flappy Bird trở thành minh chứng rõ nhất cho slogan: 'Không gì là không thể'. Giấc mơ của Nguyễn Hà Đông đã mang về cho anh hàng chục triệu đô la, một con số mà nhiều người Việt cả đời không dám nghĩ tới. Nhưng tôi luôn tin là Nguyễn Hà Đông đã từng mơ nhiều giấc mơ còn lớn hơn thế…

Cũng như trước khi Susan Boyle cất cao giọng ca vàng trong ca khúc 'I Dreamed A Dream', không một ai có thể tin được người phụ nữ với ngoại hình già nua và xộc xệch này lại có một giọng hát thiên thần và khiến toàn Vương quốc Anh phải nức nở đến thế!

Người ta thường chỉ tỏ thái độ đồng lõa và chấp nhận một thứ gì đó khi nhìn trước được tương lai và lợi nhuận mà nó mang lại. Nhưng với giấc mơ, điều này là không thể vì chẳng thể tìm ra giới hạn của những khát khao.

Còn trẻ còn khao khát. Hãy cứ mơ giấc mơ mà mình đeo đuổi! Giấc mơ như thế nào, nỗ lực phấn đấu bao nhiêu, thì đến cuối cùng, dù thành công hay thất bại, ít nhất bạn sẽ không bao giờ phải hối tiếc vì đã không mơ và nỗ lực vì giấc mơ đó!

Ngày mai, sẽ vẫn có hàng trăm, hàng ngàn những con người mua vé số để tạo ra cơ hội đổi đời. Vẫn có những người hí húi cào mã trúng thưởng từ một lốc cà phê nào đó để tìm lấy niềm vui trong số trời may - rủi. Và vẫn sẽ có những người trẻ tuổi dám một lần mạnh dạn đứng lên đặt ra câu hỏi để tìm cách đạt được giấc mơ của chính mình.

2.000 USD - Đâu phải là một cái giá quá cao cho một mơ ước?

Theo Hoàng Anh/Baodatviet.vn

Nguồn Tiin: http://tiin.vn/chuyen-muc/song/2000-usd-cho-mot-uoc-mo-cai-gia-re-nhung-khong-phai-ai-cung-du-can-dam-mua-ve.html