2 giờ sáng lục đục xếp hàng, ở Việt Nam đi chữa đẻ đông như hội

Chưa bao giờ tỉ lệ người hiếm muộn ở Việt Nam lại cao như hiện tại. Nhiều trường hợp xếp hàng từ sáng sớm đến tối khuya may ra mới đến lượt nộp hồ sơ và khám chữa vô sinh.

Xếp hàng từ 4 giờ sáng

Chuyện 3 - 4 giờ sáng tới xếp hàng bên ngoài cổng nhà một bà lang ở Mỹ Đình (Hà Nội) để chữa hiếm muộn có lẽ nghe lạ tai với nhiều người. Nhưng nếu đặt vào hoàn cảnh những cặp vợ chồng bao năm qua đã phải kiên trì gồng mình chữa vô sinh thì việc nửa đêm gà gáy tới đây khám sẽ chẳng có gì quản ngại. Bởi dường như nó đang đem tới cho họ rất nhiều hy vọng.

Vào vai một phụ nữ đã lấy chồng 3 năm mà chưa thấy “động tĩnh” gì, nay được người quen giới thiệu đến địa chỉ này, tôi bắt đầu hỏi chuyện và nhanh chóng nhận được sự đồng cảm của nhiều chị em ngồi kế bên, cũng đang chờ trời sáng để được vào khám.

Theo họ thì, mỗi ngày bà lang chỉ khám cho 40 bệnh nhân, từ 7h30 – 11h sáng các ngày trong tuần và nghỉ chủ nhật. Mọi người sẽ ký lấy số, lần lượt vào khám theo số thứ tự của mình. Tôi đến vào lúc 4h15 sáng nhưng đã ký tới số thứ 21.

Theo lời chị em truyền tai nhau, bà lang nổi tiếng “cao tay” chữa chứng tắc vòi trứng và sinh lý yếu ở phụ nữ. Đa phần các chị em đến chữa trị đều được bà dựa theo kết quả khám Tây y của họ trước đó để bắt mạch rồi bốc thuốc.

Chị Hoàng Thị Thanh (sinh năm 85, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội) thủ thỉ với tôi: “Nhiều người trong Nam, ngoài Bắc, ở tận nước ngoài cũng tới nhà bà chữa hiếm muộn đấy. Bạn tới đây khám lần đầu à? May mà bạn biết tới xếp hàng sớm chứ có người ở xa, tới muộn không còn số là phải quay về chờ tới hôm sau”.

Nụ cười đôi khi xuất hiện trên khuôn mặt chị Thanh trong lúc trò chuyện không át được nét vẻ mệt mỏi bởi phải thức dậy từ 3 giờ sáng, tới đây ngồi vật vạ trên xe máy, bên vỉa hè. Nhưng sự hy vọng “gặp thầy, gặp thuốc” chắc chắn sẽ có một mụn con vẫn toát ra trong ánh mắt, trong từng lời chị nói.

Nhiều người phải xếp hàng từ sớm mới lấy được sổ nộp hồ sơ khám

Đưa đẩy câu chuyện cho trời mau sáng, chị Thanh kể cho tôi nghe hành trình tìm kiếm 1 mụn con suốt 4 năm nay từ khi chị phát hiện bị lạc nội mạc tử cung - một căn bệnh gây hiếm muộn. Sau những chuỗi ngày mổ nội soi, siêu âm canh ngày rụng trứng, làm IUI (kỹ thuật bơm tinh trùng vào buồng tử cung) 3 lần mà không được, cuối cùng, chị làm IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) cũng chẳng thành công.

Tây y không ổn vợ chồng chị chuyển qua chữa Đông y, thậm chí đi xem bói canh ngày “con về”. Gần đây, thấy người bạn cùng cơ quan cũng hiếm muộn, tới chữa bà lang này rồi có con, chị cũng nuôi hy vọng.

“Không thể kể hết nỗi thất vọng mỗi lần theo thầy này, thầy kia mà chẳng có kết quả. Thôi tiền thì chẳng kể đến, nhưng mệt mỏi, chán nản. Chồng vẫn động viên nhưng nhiều khi nghe tiếng thở dài của mẹ chồng mà vừa hờn, vừa tủi. Bảo với chồng là 2 năm nữa mà em vẫn chưa có con thì anh lấy vợ khác đi!’, chị Thanh cười.

Quả thực, nỗi lòng của những người phụ nữ đang khát khao làm mẹ như chị Thanh dẫu không dùng nhiều lời giãi bày thì người ta cũng dễ dàng nhìn thấu. Mỗi người, mỗi cảnh nhưng có thể tìm thấy nhiều điểm chung ở những người phụ nữ này. Đó là những hành trình ngược xuôi không biết bao nhiêu bệnh viện, gõ cửa không biết bao nhiêu nhà thầy lang, rồi Đông – Tây y kết hợp cúng bái để sinh được một đứa con.

6h20 sáng, người nhà của bà lang ra đọc tên, sắp lại số thứ tự, còn hơn 1 giờ nữa bà lang mới bắt đầu khám bệnh. Một người đàn ông ngồi kế bên tôi và chị Thanh kể, vợ chồng anh cưới nhau từ đầu năm 2007, tới nay vẫn mỏi mòn chờ tin vui. Cũng giống như chị Thanh, hai vợ chồng anh đôn đáo “vái tứ phương” chữa trị hiếm muộn. Anh chị tới chữa tại nhà bà lang này từ tháng 7.2011, khoảng 3 tuần lại tới khám một lần.

“Vợ dao động nhiều. Cô ấy nản chí. Đặc biệt tôi lại là con cả. Thằng em trai cưới sau tôi 2 năm giờ cũng đã có con rồi. Tôi biết áp lực đặt lên vợ rất khủng khiếp. Đôi khi vì nghĩ cho vợ mà thấy mình bất hiếu.

Nhiều người ở ngoại tỉnh phải dậy từ 2 giờ sáng để chuẩn bị đồ đạc

Cô ấy là người có tinh thần không mấy lạc quan, tôi phải liên tục "lên dây cót" cho cô ấy. Chúng tôi đã kiên trì uống thuốc ròng rã hơn một năm trời nhưng kết quả chỉ là con số 0 tròn trĩnh", anh chia sẻ.

Có lẽ không khó bắt gặp những câu chuyện của chị Thanh, của người đàn ông yêu vợ nói trên trong xã hội ngày nay. Bởi có không ít cặp vợ chồng son vẫn đang gồng mình bước từng bước trên hành trình sinh được một mụn con.

Đi từ 2 giờ sáng xếp hàng

Cùng thời điểm này, vài người cũng đã đến hàng ghế chờ ở khoa Hỗ trợ sinh sản - Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, đa phần họ là người ngoại tỉnh. Chị Hòa (Hà Nam) cho biết: "Vợ chồng tôi phải xin phép cơ quan nghỉ một ngày, đi từ 2h sáng ra đây. Đến nơi thì bệnh viện vẫn chưa mở.

Phải lót dạ qua loa rồi mới vào đây chầu chực. Hy vọng khám trong ngày cho xong hết. Chứ nhiều lần đi muộn cứ kéo dài ngày nọ sang ngày kia vất vả lắm".

Tương tự, tại Bệnh viện Phụ Sản Trung ương, chưa đến 6h sáng mà người khám đã nghẹt hành lang phòng ghi số khám bệnh. Tại 1 phòng khám dịch vụ ở Hai Bà Trưng, đồng hồ mới điểm 6h20 đã có gần 100 người, phải xếp thành hàng dài. Trong số họ, không ít người lặn lội từ nửa đêm tới đây để kiếm con.

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, ở Việt Nam cứ 100 đôi vợ chồng có đến 8 cặp vợ chồng vô sinh. Tỷ lệ này đang ngày càng gia tăng. Nhiều người còn e ngại về con số thống kê trên. Tuy nhiên, nếu đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương mới thấy việc đi chữa "đẻ" đông như đi hội.

Nguyễn Linh (t/h)
Theo Đời sống Plus

Nguồn Đời Sống Plus: http://doisongplus.vn/2-gio-sang-luc-duc-xep-hang-o-viet-nam-di-chua-de-dong-nhu-hoi-22456-9.html