20 ngôi chùa phải ghé thăm ở Sài Gòn dịp Tết (1)

Chùa Vĩnh Nghiêm, Tổ đình Bửu Long, chùa "cao tầng" Vạn Đức... là những ngôi chùa hứa hẹn thu hút lượng khách đông đảo nhất ở Sài Gòn dịp Tết Nguyên đán.

Tọa lạc tại số 339 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, chùa Vĩnh Nghiêm là ngôi chùa nổi tiếng bậc nhất của Sài Gòn. Được xây dựng từ năm 1964-1971, chùa là một công trình điển hình của phong cách kiến trúc Phật giáo Việt Nam hiện đại. Chùa luôn thu hút một lượng du khách rất lớn vào các dịp lễ Tết.

Nằm trên đường Ba tháng Hai, Quận 10, TP HCM, Việt Nam Quốc Tự được khởi công từ năm 1964theo đồ án của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ - người đã thiết kế dinh Độc Lập. Vì nhiều lí do khác nhau mà cho tới đầu những năm 2000 việc xây dựng chùa mới hoàn tất. Ngày nay, Việt Nam Quốc Tự là một điểm đến thu hút đông đảo giới Phật tử cũng như du khách xa gần của TP HCM.

Tọa lạc tại góc đường Bà Huyện Thanh Quan và Sư Thiện Chiếu, Quận 3, chùa Xá Lợi là một ngôi chùa lớn với nhiều nét đặc biệt của TP HCM. Chùa được xây dựng từ năm 1956-1958 theo bản vẽ của các kiến trúc sư Trần Văn Đường và Đỗ Bá Vinh, là ngôi chùa đầu tiên của Sài Gòn được xây dựng theo lối kiến trúc mới. Không chỉ là một địa điểm tâm linh, chùa còn là một trung tâm tu học lớn.

Nằm ở số 161/85/20 đường Lạc Long Quân, phường 3, quận 11, chùa Giác Viên là một trong những ngôi chùa cổ nhất Sài Gòn. Chùa được hình thành vào thế kỷ 18, trùng tu lớn vào các năm 1798, 1850, 1958, 1961, 1962. Chùa đã từng bị xuống cấp nặng nề, có nguy cơ đổ sập trước khi được tu bổ toàn diện năm 2016. Tết Nguyên Đán năm nay chùa đã mang một diện mạo mới, là địa điểm rất đáng ghé thăm ở TP HCM.

Tọa lạc tại đường Đỗ Năng Tế, phường An Lạc A, quận Bình Tân, chùa Huệ Nghiêm cũng là một ngôi chùa nổi tiếng của Sài Gòn. Không chỉ có quy mô lớn, cảnh quan hài hòa, chùa còn là nơi lưu giữ nhiều kỉ lục Việt Nam như bộ cửa bằng gỗ lim khắc nổi Bát Bộ Kim Cương và Thập Nhị Địa Chi Thần lớn nhất, pho tượng Phật A Di Đà cao 8 mét, nặng 16 tấn được chế tác từ nguyên khối gỗ giáng hương bông lớn nhất...

Tổ đình Bửu Long (quận 9, TP. Hồ Chí Minh) là nơi có Bảo tháp Xá lợi Gotama Cetiya - tòa bảo tháp Phật giáo có quy mô lớn và lộng lẫy vào bậc nhất của Việt Nam. Được xây dựng từ năm 2007-2013, kiến trúc độc đáo của tháp là sự kết hợp giữa phong cách nền văn minh Suvannabhūmi cổ xưa của vùng Đông Nam Á với một số yếu tố truyền thống Việt Nam và kỹ thuật xây dựng hiện đại.

Tọa lạc ở số 1408, đường 3 Tháng 2, quận 11 TP HCM, chùa Phụng Sơn là một ngôi cổ tự lừng danh của đất Sài Gòn xưa. Chùa được thiền sư Liễu Thông (1754-1840) tạo lập vào đầu thế kỷ 19, dưới triều vua Gia Long. Không chỉ là một công trình kiến trúc mang nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa, mỹ thuật, chùa Phụng Sơn còn là một di tích khảo cổ của Sài Gòn.

Nằm trên tỉnh lộ 43, thuộc phường Tam Phú, quận Thủ Đức, chùa Vạn Đức là ngôi chùa có kiến trúc cao tầng độc nhất vô nhị của Việt Nam. Chùa có nguồn gốc từ một ngôi nhà xưa do thí chủ Nguyễn Thị Hương hiến cúng. Sau khi tiếp nhận vào năm 1954, Hòa thượng Thích Trí Tịnh (1917 - 2014) đã xây dựng lại thành chùa và đặt hiệu là “Vạn Đức tự”. Từ năm 2003 - 2005 chùa được đại trùng tu toàn bộ, trở nên khang trang như ngày nay.

Nằm ở số 24 đường Chánh Hưng, phường 10, quận 8, chùa An Phú là một trong những ngôi chùa độc đáo nhất của TP HCM. Là một trong những ngôi chùa cổ ở thành phố, từ năm 1961 - 2004, chùa đã được trang hoàng bằng hàng vạn mảnh sành sứ trên các bề mặt tường trụ cột, mái và đỉnh tháp... Ước tính, chùa đã sử dụng hơn 30 tấn sành sứ phế liệu, mất 20.000 ngày công để gắn hết mảnh sành sứ trên diện tích 3.886m2...

Chùa Viên Giác (193 Bùi Thị Xuân, phường 1, quận Tân Bình, TP HCM): Chùa do Hòa thượng Thích Hồng Tịnh sáng lập năm 1955 là ngôi chùa đang sở hữu tòa tháp bằng gốm sứ cao nhất Việt Nam. Tòa tháp mang tên Đẳng Quan cao 22m được xây năm 1996 hoàn toàn bằng gốm sứ Việt Nam do các cơ sở gốm sứ Minh Long và Bát Tràng sản xuất.

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/thien/20-ngoi-chua-phai-ghe-tham-o-sai-gon-dip-tet-1-814262.html