2010: “Năm hạn” quan hệ Mỹ-Trung

(Toquoc) – Mỹ chuyển từ mềm sang cứng; liệu Trung Quốc có chuyển từ cứng sang mềm trong quan hệ Mỹ-Trung? Chính sách Mỹ có thể đang dẫn tới cục diện mới quan hệ quốc tế.

10 trở thành con số đáng chú ý đối với quan hệ giữa Mỹ-Trung. Tỷ lệ thất nghiệp 10% của Mỹ và tỷ lệ tăng trưởng GDP 10% của Trung Quốc nghịch lý nhau. Chủ nghĩa dân túy của Mỹ sẽ đối đầu với niềm tự hào dân tộc của Trung Quốc. Vào lúc các cử tri Mỹ lo lắng về các ví tiền của mình, Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa sẽ phải cạnh tranh nhau khi các cuộc bầu cử vào tháng 11/2010 tới gần; nhiều nghị sỹ Mỹ sẽ yêu cầu chính quyền thuyết phục Trung Quốc ngừng bẻ cong các quy tắc thương mại và thao túng giá trị đồng nội tệ. Đầu tháng 2/2010, Tổng thống Mỹ Obama tuyên bố Washington cần “cứng rắn hơn nữa” với Bắc Kinh về tỷ giá hối đoái và thâm hụt thương mại để đảm bảo giá cả các mặt hàng của Mỹ không “bị thổi phồng một cách giả tạo”. Mỹ-Trung cạnh tranh và hợp tác Quan hệ Mỹ-Trung từ đầu năm đến nay bị chấn động bởi một loạt khủng hoảng. Về phía Mỹ, bán vũ khí cho Đài Loan, Tổng thống Mỹ tiếp Dalai Lama tại Nhà Trắng, áp thuế sơ bộ từ 11-13% đối với toàn bộ mặt hàng ống thép của Trung Quốc bị Washington cáo buộc là được Bắc Kinh trợ giá. Quyết định này làm vừa lòng Công ty thép Mỹ và Nghiệp đoàn công nhân thép Mỹ từ tháng 10/2009 đã yêu cầu được bảo vệ trước tình trạng ống thép nhập khẩu từ Trung Quốc. Nhật báo Trung Quốc ngày 22/2 cho rằng Mỹ dường như quyết tâm bao vây Trung Quốc bằng hệ thống phòng thủ tên lửa. Thỏa thuận bán vũ khí cho Đài Loan là một phần quan trọng của việc bao vây chiến lược của Mỹ tại Đông Á và hệ thống tên lửa kể trên sẽ nhanh chóng mở rộng tới Nhật Bản và Hàn Quốc. Báo Thái dương (Hong Kong) thậm chí cho rằng ngoại giao của Trung Quốc đang lâm vào cảnh “thập diện mai phục” (bị bao vây mọi phía). Cụ thể: Mỹ trực diện tranh chấp về cường độ và mở rộng về phạm vi. Nga ngày càng xa rời Trung Quốc và bắt đầu “để ý” đến Mỹ. Ấn Độ, được sự trợ giúp “kép” của Mỹ và Nga. Các học giả Trung Quốc sơ kết việc “Mỹ-Nga kết bạn”, “Trung-Mỹ bất đồng”, “Trung-Nga xa cách” là đặc điểm mới của cục diện quốc tế xuất phát từ sự thay đổi chính sách của Mỹ sau năm đầu cầm quyền của Barack Obama. Tờ báo nói trên nhận xét, năm nay kinh tế Mỹ bắt đầu phục hồi, chính phủ Mỹ đã đưa ra những cú đòn quyết đoán nhằm vào các vấn đề liên quan đến lợi ích quan trọng hàng đầu của Trung Quốc. Từ năm 2009, Mỹ tuyên bố quay trở lại châu Á, gia tăng đầu tư vào các nước Đông Nam Á, tổ chức diễn tập quân sự liên hợp với các nước này. Bên cạnh đó, Mỹ còn giúp Ấn Độ đối trọng với Trung Quốc. Trong khi Nga lợi dụng mâu thuẫn giữa Trung Quốc với Ấn Độ và giữa Trung Quốc với Đông Nam Á để bán vũ khí hiện đại. Nga sẽ bán cho Ấn Độ dây chuyền sản xuất máy bay chiến đấu hiện đại thế hệ 5 và cùng với Ấn Độ phát triển hệ thống dẫn đường và cảnh báo sớm bằng vệ tinh. Thủ tướng Putin còn tuyên bố sẽ giúp Ấn Độ trở thành quốc gia có tiềm năng quân sự bậc nhất châu Á. Mỹ - Trung cộng sinh Theo tờ báo Hong Kong, với sự tổ chức và sắp xếp của Mỹ, cộng thêm sự trợ giúp của Nga, ngoại giao của Trung Quốc đang trong thời điểm “nước sôi lửa bỏng”, khiến cục diện ngoại giao của Trung Quốc lâm vào cảnh "thập diện mai phục". Về phía mình, Trung Quốc đang có trong tay trái “bom nguyên tử tài chính”, cùng với sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng, làm cho nước này trở thành đối thủ hàng đầu thách thức vị trí bá quyền của Mỹ. Nhiều ý kiến ở Trung Quốc, trong đó của giới tướng lĩnh, cho rằng Trung Quốc cần cắt giảm đầu tư trái phiếu Chính phủ Mỹ để uy hiếp Nhà trắng, sử dụng “chiêu bài ngoại tệ” để đối kháng với Washington. Nhưng cũng có những “cái đầu lạnh” cho rằng, hệ thống tiền tệ quốc tế hiện nay hình thành bởi quá trình phát triển tự nhiên của thị trường, không phải kết quả do con người tạo ra, nên khó có thể phá vỡ hệ thống đó. Tiền tệ thế giới tuân theo quy luật thị trường thì việc mua trái phiếu chính phủ Mỹ vẫn là sự đầu tư hiệu quả, an toàn hơn cả cho lượng dự trữ ngoại tệ khổng lồ của Trung Quốc. Số liệu đã được chỉnh sửa do Bộ Tài chính Mỹ công bố ngày 26/2 cho thấy mặc dù Trung Quốc đã hạn chế mua trái phiếu Mỹ, song tính đến cuối tháng 12/2009, Bắc Kinh đã nắm giữ 894,8 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ, cao hơn 755 tỷ USD được dự đoán trước đó. Tuy con số này vẫn thấp hơn tháng 11 (929 tỷ USD). Trong khi đó, trong tháng 12/2009, Nhật Bản chỉ giữ 765,7 tỷ USD trái phiếu Mỹ. Số liệu này được Bộ Tài chính Mỹ điều chỉnh sau khi đã tính gộp số trái phiếu của Mỹ mà Trung Quốc nắm giữ ở các thị trường thứ ba, như Anh và Hong Kong. Trong giới chuyên gia Trung Quốc, còn có ý kiến cho rằng giá trị đồng tiền của mỗi nước đều được quyết định bởi sức cạnh tranh thực tế của nền kinh tế nước đó. Mỹ vẫn là cường quốc kinh tế số 1 thế giới trong vài chục năm tới, bất kỳ trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, thị trường tiền tệ, quản lý xã hội, hay đào tạo nhân tài… Mặt khác, ngoài việc mua USD, Trung Quốc còn có sự lựa chọn nào ưu việt hơn? Mua vàng hoặc tích trữ dầu mỏ? Đa dạng hóa các hình thức đầu tư để giảm khả năng mạo hiểm? Lợi ích do những loại hàng hóa này mang lại không lớn, thêm vào đó thị trường thế giới sớm đã biết Trung Quốc có lượng tiền lớn nên việc ép giá là không tránh khỏi, Bắc Kinh sẽ luôn là người mua đắt bán rẻ, mạo hiểm cũng khó tránh khỏi. Nếu bán phá giá trái phiếu, không khéo lại tự “bắn súng lục” vào chân mình. Giới phân tích phương Tây nhận định, mặc dù Trung Quốc đang tìm cách để có vai trò toàn cầu lớn hơn, nhưng cơ chế Trung Quốc vẫn chưa phù hợp với ngoại giao mềm dẻo. Bộ Ngoại giao thiếu uy thế và việc đưa ra quyết định tập thể cũng làm cho việc giải quyết các cuộc đàm phán quốc tế và các cuộc khủng hoảng bất ngờ trở nên khó khăn hơn. Dường như diễn ra cuộc cạnh tranh phe phái. Những người đang đấu tranh để củng cố quyền lực thường có thái độ cứng rắn hơn đối với các vấn đề đối ngoại. Kể từ vụ tàu Trung Quốc vây tàu Mỹ Impeccable, tháng 3/2009, Biển Đông dần dần trở thành điểm nóng trong tranh chấp Mỹ-Trung Nếu năm 2009, chính quyền Obama dùng cách tiếp cận nhún nhường, hy vọng Trung Quốc hợp tác trên các lĩnh vực ưu tiên của Mỹ. Sự nhún nhường này tỏ ra không đạt kết quả mong muốn, thậm chí Tổng thống Hoa Kỳ còn bị đẩy vào thế hạ phong, như tại Hội nghị thượng đỉnh thế giới về biến đổi khí hậu Copenhagen tháng 11/2009. Năm 2010, Mỹ dùng cách tiếp cận mới, đẩy mạnh mặt đấu tranh, chơi một số “con bài tủ”, như bán vũ khí cho Đài Loan, tiếp lãnh tụ lưu vong Tây Tạng, áp thuế đối với một số mặt hàng của Trung Quốc bán sang Mỹ. Điều này khiến một số nhà quan sát thế giới vội vã dự báo quan hệ hai nước sẽ bị “đóng băng”, xảy ra chiến tranh lạnh Mỹ-Trung hay chiến tranh thương mại Mỹ-Trung… Ngày 27/2, trong cuộc giao lưu trực tuyến với cư dân mạng trên trang chủ của chính phủ Trung Quốc và mạng tin Tân Hoa xã, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo khẳng định Bắc Kinh không muốn năm 2010 là “một năm không yên bình” trong quan hệ kinh tế-thương mại với Mỹ và hy vọng tranh chấp thương mại giữa hai nước sẽ “hạ nhiệt” trong năm Bạch Hổ. Ông Ôn Gia Bảo nhận xét quan hệ thương mại sôi động giữa Trung Quốc và Mỹ mang lại những lợi ích cơ bản cho nhân dân hai nước và ông kêu gọi nỗ lực từ cả hai phía. Theo ông, thương mại song phương cần ở thế cân bằng và ổn định trong khi tranh chấp thương mại giữa hai nước phải được giải quyết thông qua “đàm phán trên tinh thần bình đẳng”. Người đứng đầu chính phủ Trung Quốc thúc giục Mỹ nới lỏng kiểm soát đối với nhập khẩu hàng công nghệ cao vào Trung Quốc cũng như thừa nhận mô hình kinh tế thị trường của quốc gia này, cam kết rằng Bắc Kinh sẽ tạo “điều kiện thuận lợi” cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Trung Quốc và dành cho họ sự đối đãi theo luật pháp của nước này. Hai nước lớn xem ra đang nắn gân nhau. Cuộc chơi này pha chút tư duy ngoại giao phương Đông “mềm nắn, rắn buông”. Vì vậy thế giới đang theo dõi lãnh đạo hai nước sẽ “giải hạn” con số 10 thế nào./. Nguyễn Nguyên

Nguồn Tổ Quốc: http://www.toquoc.gov.vn/Thongtin/Y-Kien-Binh-Luan/2010-Nam-Han-Quan-He-My-Trung.html