2011 Việt Nam dự kiến giải ngân 3,650 tỷ USD vốn ODA

(VEN) - Năm 2011, các nhà tài trợ đã ký kết tài trợ cho Việt Nam 8,342 tỷ USD vốn ODA. Theo dự kiến của Vụ Kinh tế đối ngoại - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2011 Việt Nam sẽ giải ngân được khoảng 3,650 tỷ USD vốn ODA, cao hơn con số 3,541 tỷ USD của năm 2010.

Vụ Kinh tế Đối ngoại cũng cho biết, hiện đã có 51 nhà tài trợ song phương và đa phương tài trợ ODA cho Việt Nam. Trong đó có 28 nhà tài trợ song phương, và 23 nhà tài trợ đa phương.

Thông qua 18 Hội nghị Tư vấn các nhà tài trợ (CG) thường niên, tổng vốn ODA cam kết của các nhà tài trợ cho Việt Nam đã đạt trên 64,322 tỷ USD. Trong đó, đạt kỷ lục nhất là hai năm gần đây, năm 2009 là 8,063 tỷ USD và năm 2010 là 7,905 tỷ USD. Đặc biệt, nguồn vốn ODA của các đối tác vào Việt Nam không hề suy giảm ngay cả khi kinh tế của các nhà tài trợ gặp khó khăn. Điều đó chứng tỏ sự đồng tình và ủng hộ chính trị mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế với công cuộc đổi mới và chính sách phát triển đúng đắn, hợp lòng dân của Đảng và Nhà nước ta, sự tin tưởng của các nhà tài trợ vào hiệu quả tiếp nhận và sử dụng ODA của Việt Nam.

Để hợp thức hóa các cam kết ODA bằng các văn kiện pháp lý quốc tế, Chính phủ Việt Nam và các nhà tài trợ đã ký kết các điều ước quốc tế cụ thể về ODA trên cơ sở các chương trình và dự án được các bên thông qua. Theo đó, tổng ODA ký kết trong các điều ước quốc tế tính đến nay đã đạt trên 50,44 tỷ USD, chiếm 78,4% tổng ODA cam kết. Trong đó, vốn ODA vay ưu đãi chiếm khoảng 87%, vốn ODA không hoàn lại chiếm 13%.

Nhận thức rõ, cam kết ODA mới chỉ là sự ủng hộ về chính trị, việc thực hiện nguồn vốn này nhằm tạo ra các công trình, sản phẩm kinh tế- xã hội cụ thể mới thực sự cần thiết để đóng góp vào quá trình phát triển của đất nước. Chính phủ Việt Nam cũng không ngừng có những cơ chế nhằm đẩy nhanh tốc độ giải ngân nguồn vốn ODA. Nhờ đó, tốc độ giải ngân vốn ODA của Việt Nam những năm gần đây luôn ở mức cao. Năm 2006 là 1,785 tỷ USD; 2007 là 2,176 tỷ USD; 2008 là 2,253 tỷ USD; 2009 là 4,105 tỷ USD; 2010 là 3,541 tỷ USD và 2011 dự kiến là 3,650 tỷ USD.

Dự kiến tính đến hết năm 2011, có khoảng 33,414 tỷ USD vốn ODA cho Việt Nam được giải ngân, chiếm 61% tổng vốn ODA đã ký kết.

Vụ Kinh tế Đối ngoại cũng cho biết, việc tiếp nhận và sử dụng nguồn vốn ODA thời gian qua được đánh giá về cơ bản đạt hiệu quả và có tác động tích cực đối với sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội và xóa đói giảm nghèo của Việt Nam. Điều đó thể hiện Chính phủ Việt Nam đã khai thác nguồn vốn ODA nhằm góp phần thực hiện hóa một cách có hiệu quả chủ trương, chính sách ngoại giao đa dạng hóa, đa phương hóa của Đảng và Nhà nước Việt Nam để phục vụ chính trị đối ngoại và ngoại giao kinh tế; Việt Nam đã chủ động khai thác những mặt tích cực của ODA để phục vụ cho công cuộc đổi mới, tái cơ cấu nền kinh tế, xây dựng một nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chỉ nghĩa. Điều này thể hiện rất rõ khi chúng ta tiếp nhận các khoản vay và viện trợ kèm theo các khung chính sách của các định chế tài chính quốc tế như cải cách doanh nghiệp nhà nước, phát triển khu vực tư nhân, chính sách về cải cách hệ thống tài chính,…mà vẫn giữ được độc lập, tự chủ, theo lộ trình đã định phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể của đất nước, và không phụ thuộc vào “đơn thuốc” của các nhà tài trợ; Nguồn vốn ODA được đánh giá là đã góp phần tác động tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của đất nước;…/.

Nguyễn Hòa

Nguồn VENO: http://www.ven.vn/2011-viet-nam-du-kien-giai-ngan-3650-ty-usd-von-oda_t77c542n25527tn.aspx