2016: Năm của điện ảnh hội nhập

Không khó để thấy năm 2016 là một năm bận rộn của những hoạt động điện ảnh hội nhập, với hàng loạt các cuộc giao lưu, trao đổi với nhiều nền điện ảnh thế giới, các đoàn làm phim tìm hiểu, làm phim tại Việt Nam và cuối cùng là LHP quốc tế 2016 khép lại thành công với những đánh giá cao của bạn bè quốc tế.

Ngay từ đầu năm, đã có liên tiếp những tuần lễ phim, liên hoan phim (LHP) nước ngoài tại Việt Nam, như Tuần phim Bỉ, Liên hoan phim Đức, Liên hoan phim Nhật Bản, Liên hoan phim Italia, Liên hoan phim Tình yêu Mons lần đầu tiên tại Việt Nam, Tuần phim Argentina, Tuần phim Mỹ La-tinh… Tất cả các sự kiện này đều không còn một chỗ trống, thậm chí có những Liên hoan phim, BTC thông báo đã hết vé ngay trong ngày họp báo.

Nếu như những năm trước, các LHP nước ngoài như vậy phần lớn được tổ chức tại Hà Nội, có chăng là thêm TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, thì gần đây đã mở rộng ra thêm nhiều tỉnh, thành phố khác như Hải Phòng, Biên Hòa, Huế… Mỗi cuộc LHP như vậy lại tạo cơ hội cho người dân Việt Nam được biết thêm về văn hóa, xã hội, cuộc sống… của nhiều nền văn hóa khác nhau từ khắp nơi trên thế giới. Ngoài ra, không ít dự án điện ảnh cũng lựa chọn Việt Nam làm điểm chiếu đầu tiên, đồng thời nhấn mạnh tinh thần hợp tác, mà “Eternité” (Nét duyên góa phụ) của đạo diễn Trần Anh Hùng được Đại sứ quán Pháp giới thiệu là một thí dụ tiêu biểu.

Đoàn làm phim Nhật Bản tại LHP quốc tế Hà Nội.

Cùng với các LHP, nhiều hoạt động giao lưu, hợp tác với nước ngoài cũng diễn ra, như hội thảo hợp tác và phát triển điện ảnh với Italia, Ấn Độ, các nước ASEAN đã mở ra hướng hợp tác, phát triển trong kinh doanh, làm phim, phát hành…

Nói về các hoạt động này, TS Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh đánh giá: “Hoạt động hợp tác quốc tế của ngành điện ảnh” trong năm qua rất phong phú: phối hợp tổ chức các tuần phim Việt Nam hay các chương trình đặc biệt về phim Việt Nam tại các LHP nước ngoài hoặc các tuần phim nước ngoài, một số LHP hay Tuần phim như ở Prague, Philippines có chọn điện ảnh Việt Nam làm chương trình tiêu điểm… Ở trong nước, có rất nhiều hoạt động hợp tác trình chiếu phim nước ngoài ở Việt Nam, hàng chục tuần phim với hàng trăm lượt bộ phim được trình chiếu cũng đều có sự phối hợp của Cục Điện ảnh dù ít hay nhiều, thẩm định hoặc cấp phép về mặt luật pháp”.

Bà Ngô Phương Lan cũng nêu ra: “Ngoài ra các hoạt động tổ chức các LHP quốc tế hoặc các hội thảo rất lớn như hội thảo liên quốc gia sản xuất phim giữa Việt Nam và Hàn Quốc tại TP Hồ Chí Minh, với KOFIC là Cục Điện ảnh Hàn Quốc, cũng mở ra nhiều hướng hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc rất tốt trong sản xuất phát hành phim”. Một điểm thay đổi mà Cục trưởng nhấn mạnh, là năm vừa rồi hầu hết các hoạt động với nước ngoài hoặc ở nước ngoài, Cục Điện ảnh đã huy động nguồn kinh phí xã hội hóa kinh phí: “Nguồn kinh phí của Nhà nước rất ít hoặc không có kinh phí dành cho những hoạt động này. Nếu có chỉ là một phần rất nhỏ, như quảng bá hoặc triển lãm quảng bá du lịch, hoặc triển lãm bối cảnh phim hay điều kiện làm phim ở Việt Nam thì có một chút kinh phí để triển lãm thôi. Còn các hoạt động chiếu phim hoàn toàn là xã hội hóa, không có ngân sách”.

Một thành công không thể không nhắc tới của điện ảnh trong năm 2016 là những giải thưởng của các tác giả trẻ trên đấu trường quốc tế. Ngày 1-5, phim truyện ngắn “Một thành phố khác” của đạo diễn trẻ Phạm Ngọc Lân đã giành giải “Chú ý đặc biệt” trong hạng mục phim ngắn của LHP Quốc tế Phim Độc lập IndieLisboa tại thủ đô Lisbon - Bồ Đào Nha. Sau đó, phim cũng được trình chiếu tại nhiều nơi trên thế giới như Mỹ, Pháp, Bồ Đào Nha… Đến tháng 8, một dự án khác mang tên “Culi never cries” (Con culi không bao giờ khóc) của Phạm Ngọc Lân và Phan Đăng Di đã chính thức được lựa chọn vào danh sách 19 dự án phim châu Á trong Asian Project Market lần thứ 19 (chợ dự án phim châu Á).

Khán giả, những người làm nên thành công của các sự kiện điện ảnh hội nhập.

Cũng trong tháng 8, bộ phim tài liệu “When our gardens grow silent” (“Khi khu vườn im lặng”) của nữ đạo diễn Nguyễn Mỹ Dzung đã đạt giải ba trong LHP ngắn quốc tế Faro FARCUME lần thứ 6, diễn ra từ 24 đến 27-8 tại Faro, Bồ Đào Nha.

Những thành công này, mặc dù mới chỉ đến từ những bộ phim ngắn là chủ yếu, nhưng cũng đã góp phần rất lớn khích lệ tinh thần làm phim của nhiều đạo diễn trẻ khác, đặc biệt là các đạo diễn lựa chọn con đường làm phim độc lập để theo đuổi.

Điểm nhấn lớn nhất của hoạt động hợp tác trong điện ảnh năm 2016 là Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ 4. Được tổ chức hai năm một lần, LHP quốc tế Hà Nội từ chỗ còn bỡ ngỡ, nay đã dần khẳng định mình và trên con đường trở thành một thương hiệu của điện ảnh Việt. Nhiều hoạt động điện ảnh phong phú, hấp dẫn, các hoạt động giao lưu bên lề góp phần thu hút khán giả, các cuộc hội thảo, trao đổi, chợ phim… mở rộng cơ hội hợp tác giữa các nhà làm phim, nhà sản xuất của Việt Nam và thế giới…, tất cả đã góp phần tạo nên một LHP ấn tượng. Một số đồng nghiệp ASEAN đã chính thức đề nghị nên tăng thời lượng tổ chức LHP lên định kỳ hằng năm chứ không phải 2 năm/lần như hiện nay. LHP quốc tế Hà Nội đã dần trở thành một điểm hẹn mới của khán giả yêu mến bộ môn nghệ thuật thứ bảy, và là hoạt động “hợp tác, hội nhập” cuối cùng của ngành điện ảnh khép lại một năm 2016 bận rộn nhưng cũng nhiều niềm vui và hy vọng.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/vanhoa/item/31722202-2016-nam-cua-dien-anh-hoi-nhap.html