2017: Một năm không dễ dàng với thị trường chứng khoán

Đánh giá về cơ hội trong năm 2017, các chuyên gia nhìn nhận dưới nhiều góc nhìn khác nhau, có khó khăn và thuận lợi nhưng tựu chung lại yếu tố lãi suất và tỷ giá sẽ là các nhân tố ảnh hưởng đến thị trường trong năm tới.

Tuy nhiên “trong nguy sẽ có cơ” và năm 2017 sẽ là một năm bận rộn cho các công ty quản lý quỹ và công ty chứng khoán.

Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Vũ Bằng nhìn nhận “những gì xấu nhất thì thị trường đã trải qua rồi” và năm 2017 sẽ là một năm có nhiều yếu tố tích cực. GDP năm 2017 được Chính phủ đặt ra ở mức 6,7%, cao hơn năm nay. Một số chính sách của ngân hàng sẽ linh hoạt và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hơn, chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá sẽ tiếp tục được định hướng linh hoạt hơn. Các yếu tố vĩ mô này sẽ là yếu tố quan trọng giúp duy trì động lực kích thích phát triển TTCK và kinh tế.

Với riêng ngành chứng khoán, năm 2017 là năm bản lề sửa đổi lại Luật chứng khoán nhằm tháo gỡ dòng vốn đầu tư nước ngoài và khắc phục các vướng mắc với Luật đầu tư, ngoài ra UBCK cũng sẽ thuyết phục Chính phủ cho phép áp dụng hình thức ghi sổ (book building) cho việc chào bán ra công chúng nhằm thu hút dòng vốn của các nhà đầu tư tổ chức.

Theo vị Chủ tịch UBCK, khó khăn trong năm 2017 với thị trường chứng khoán gồm sự lên giá của đồng USD và lãi suất VND, diễn biến tăng lãi suất của Mỹ và sự dịch chuyển dòng vốn ngoại. “Đây là xu thế phải chấp nhận để theo dõi một cách chặt chẽ. Nếu NHNN nhà nước có ứng xử khéo léo và các cải cách tiếp tục như năm vừa qua thì xu hướng dòng tiền có thể không biến động mạnh và có thể có cách để hóa giải việc này.”

Trong khi đó, Chủ tịch Trung tâm lưu ký chứng khoán ông Nguyễn Sơn cho biết năm 2017, VSD sẽ tập trung vào các sản phẩm đã chuẩn bị trong năm 2016 như hệ thống CCP cho thị trường phái sinh, vận hành hệ thống trái phiếu thanh toán qua ngân hàng trung ương hoặc những sản phẩm vay trái phiếu Chính phủ để bán. VSD cũng sẽ nghiên cứu triển khai các sản phẩm như bán chứng khoán chờ về hoặc rút ngắn chu kỳ thanh toán từ 16h T+2 lên buổi sáng T+2, tiến tới những sản phẩm mua bán trong ngày hoặc vay để bán. Theo ông Sơn, về dài hạn VSD tiếp tục nghiên cứu triển khai các sản phẩm như option dựa trên index và đây là các sản phẩm hỗ trợ thị trường.

Ông Nguyễn Sơn: Không có chuyện chuyên gia và bà bán rau hưởng lợi như nhau

Chuyên gia Lê Xuân Nghĩa đánh giá trong năm qua công tác điều hành linh hoạt của ngân hàng nhà nước đã hỗ trợ cho thị trường chứng khoán ổn định trong trung hạn. Ông Nghĩa đưa ra cái nhìn khá lạc quan về thị trường bất động sản khi cho rằng Việt Nam hiện nay đang trong quá trình đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng và qua đó thị trường BĐS sẽ hưởng lợi, và tác động lại đến TTCK.

Tuy nhiên Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Sài Gòn ông Nguyễn Duy Hưng cho rằng thị trường bất động sản khó có thể phục hồi sớm đặc biệt là bất động sản hình thành bằng vốn vay. Ông Hưng cho rằng nền kinh tế trong những năm qua phát triển không bền vững là do không dịch chuyển được dòng vốn đầu cơ tài sản sang sản xuất hàng hóa và đó là lí do tồn tại nợ xấu cần phải giải quyết. Quan điểm của ông Hưng cho rằng những tác động của các hiệp định thương mại vào nền kinh tế chưa nhiều và thay vì quá lo ngại các yếu tố bên ngoài thì các doanh nghiệp nên hướng đến thị trường 90 triệu dân, đó là một thị trường rất hấp dẫn. Nhà nước thay vì đóng vai trò huy động nguồn lực và phân bổ nguồn lực thì nhà nước định hướng nguồn lực để các thành phần tự huy động nguồn lực và triển khai nguồn lực. Ông Hưng đánh giá năm 2017 là một năm khó khăn, nhưng lại là cơ hội để các tổ chức bền vững phát triển.

Ông Trần Lê Minh, Phó Tổng giám đốc công ty quản lý quỹ VFM cũng đồng quan điểm với ông Vũ Bằng cho rằng lãi suất và tỷ giá sẽ là mối lo của năm 2017. Năm 2016 thị trường đã có một khoảng thời gian yên ổn khá dài từ quý 1 đến quý 3 khi các chỉ số như tỷ giá, lãi suất đều được duy trì ổn định nhờ NHNN áp dụng tỷ giá trung tâm. Ngoài ra dòng tiền vào Việt Nam trong năm 2016 khá tốt nhờ giải ngân FDI cao kỉ lục và thặng dư xuất khẩu dẫn đến cán cân thanh toán tổng thể tăng vọt so với các năm trước, tạo dư địa cho NHNN mua ngoại tệ và qua đó đưa tiền vào hệ thống ngân hàng, duy trì thanh khoản của toàn hệ thống. Tuy nhiên các yếu tố giúp hỗ trợ thị trường trong năm 2016 có dấu hiệu yếu đi vào đầu năm 2017 khi nhập siêu có dấu hiệu quay trở lại, kiều hối thấp kỷ lục, đăng ký vốn FDI giảm nên câu hỏi về chính sách điều hành của NHNN vẫn là câu hỏi lớn.

Tuy nhiên trong nguy có cơ. Năm 2017 theo ông Minh sẽ có dòng tiền mới mà các năm trước không có là bán tài sản nhà nước tại các DN lớn. Nếu có dòng tiền vào VN để NHNN có thể duy trì chính sách tiền tệ tạo sự ổn định cũng như duy trì lợi nhuận cho đối tác trên thị trường không bị tác động bởi yếu tố tỷ giá. Ông Minh kì vọng việc đẩy mạnh bán vốn Nhà nước sẽ tạo cơ hội cho thị trường năm sau.

"Năm 2017 chúng ta nhìn thấy khó khăn nhiều hơn thuận lợi ở thời điểm này, chúng ta đang trong giai đoạn có khoảng trống về chính sách, không rõ ràng để đưa ra dự đoán khả tín do phụ thuộc quá nhiều vào tác động từ bên ngoài. Nhưng tôi cho rằng năm 2017 là năm đặc biệt và nếu làm được những gì dự kiến như cắt ngắn thời gian giao dịch, tăng quy mô thị trường nhờ một loạt DN lớn lên sàn, tăng thanh khoản cho thị trường thì điều cản trở duy nhất liên quan đến việc nâng hạng thị trường theo chuẩn MSCI chỉ là vấn đề về tự do dòng vốn. Nếu việc nâng hạng thành công thì vị thế của TTCK Việt Nam sẽ thay đổi rất nhiều", ông Minh nhận xét.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/2017-mot-nam-khong-de-dang-voi-thi-truong-chung-khoan-20170103073753466p4c146.news