26 năm mòn mỏi tìm… công lý

Dù đã gần tuổi 80, cái tuổi "gần đất xa trời”, vậy mà hàng ngày ông Nguyễn Thanh Tuân (Minh Châu – Ba Vì – Hà Nội) vẫn phải chống gậy mang đơn đi cầu cứu các cơ quan chức năng để đòi lại công bằng cho mình. Hơn 26 năm trôi qua, chưa đêm nào ông Tuân ngon giấc...

Ông Nguyễn Thanh Tuân hơn 26 năm mòn mỏi

chờ đợi câu trả lời thỏa đáng của cấp có thẩm quyền

Năm 1959, ông Nguyễn Thanh Tuân hăng hái lên đường nhập ngũ. Năm 1970, xuất ngũ về địa phương ông Tuân đảm nhiệm các vị trí như Xã đội trưởng, Chủ tịch UBND xã Minh Châu rồi Trưởng ban Thuế nông nghiệp kiêm giao thông thủy lợi. Đến năm 1987, ông Tuân nhận quyết định nghỉ hưu. Thế nhưng, từ ngày nghỉ hưu, ông lại phải "lao tâm khổ tứ”, lặn lội đi khiếu nại để đòi công lý. Bởi lẽ, sau khi nhận quyết định nghỉ hưu, ông Tuân đã làm hồ sơ hưởng lương hưu nhưng không được, dù rằng thời gian công tác theo quy định pháp luật là đủ tiêu chuẩn.

Ngày 29-8-2002, Phòng Tổ chức huyện Ba Vì có văn bản số 42 trả lời ông Tuân cũng khẳng định: "Về thời gian công tác, ông Nguyễn Thanh Tuân đủ điều kiện được hưởng trợ cấp thường xuyên theo Quyết định 130/CP”. Điều đáng bàn, là văn bản này cũng đưa ra kết luận, ông Tuân không được hưởng chế độ do bị kỷ luật, khai trừ Đảng. Đồng thời viện dẫn ngay Điểm 3 Mục I Thông tư 45/BT ngày 24-3-1976 hướng dẫn thi hành Quyết định số 130/CP ngày 20-6-1975: "Trường hợp cán bộ xã tuy không bị kỷ luật, buộc cho thôi giữ chức vụ, nhưng quá trình công tác hoặc nghỉ già yếu, nghỉ việc có những sai lầm nghiêm trọng, không giữ được phẩm chất cách mạng, mất tín nhiệm với nhân dân trong xã thì không thuộc đối tượng được xem xét chung…”. Trước hết, có thể thấy văn bản nêu trên đã viện dẫn không đúng vì không trích hết câu trong văn bản của Điểm 3 Mục I Thông tư 45/BT ngày 24-3-1976 hướng dẫn thi hành Quyết định số 130/CP ngày 20-6-1975. Việc không dẫn hết câu đã gây ra một hiểu lầm nghiêm trọng đối với trường hợp của ông Tuân mà nguyên nhân là do chủ quan của người ký văn bản.

Ông Tuân bức xúc: "Những sai lầm của tôi đã bị cảnh cáo từ năm 1981, sau khi tôi về hưu, năm 1987 lại đưa ra để kỷ luật lại, đó là điều vô lý mà đến giờ tôi vẫn chưa có câu trả lời”.

Nói đến điều phi lý trong các văn bản trả lời ông Tuân không thể không kể đến văn bản trả lời số 250/UB ngày 28-7-1999 do Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Mạnh Phóng ký. Trong văn bản này đã vận dụng Điều 4, Nghị định 46/CP ngày 23-6-1993. Tuy nhiên, Điều 4 Nghị định 46/CP ghi rõ: "Từ nay trở đi, cán bộ xã làm công tác ở xã liên tục từ 10 năm trở lên và không vi phạm kỷ luật thì nghỉ việc được hưởng trợ cấp một lần…”. Nhưng Nghị định này có hiệu lực và được áp dụng đối với những trường hợp nghỉ sau ngày 23-6-1993 mà ông Tuân lại nghỉ hưu từ năm 1987.

Cùng với đó, UBND huyện cũng căn cứ vào Nghị định 09/CP ngày 23-1-1998 nhưng Nghị định này cũng không có bất cứ điều khoản nào nói đến việc không được hưởng hưu xã. Thật vô lý khi chính quyền huyện Ba Vì lấy các nghị định có hiệu lực từ năm những năm 1993, 1998 áp dụng vào trường hợp năm 1987. Mặt khác, mặc dù văn bản: "Yêu cầu UBND xã Minh Châu giải thích rõ cho ông Tuân” nhưng lại nghiêm cấm: "không được xác nhận vào đơn của ông Tuân dưới bất kỳ hình thức nào”. Điều này chứng tỏ cơ quan chức năng đã tước đi quyền khiếu nại của công dân!

Thiết nghĩ, huyện Ba Vì cần phải xem xét lại trường hợp nói trên để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho công dân.

Đức Sơn

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=70902&menu=1481&style=1