29 tỉnh chưa khống chế dịch heo tai xanh

Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa cho biết dịch tai xanh ở heo đã phát sinh thêm tại hai tỉnh Gia Lai và Quảng Ninh, nâng tổng số 29 tỉnh chưa khống chế được dịch tai xanh ở heo.

Trong 29 địa phương, dịch tai xanh nặng nhất ở Dăk Lăk với 79.000 con mắc bệnh, tiêu hủy trên 23.000 con; Tiền Giang có gần 63.000 con mắc bệnh, tiêu hủy khoảng 39.000 con. Hiện cả nước đã có gần 325.000 con heo mắc bệnh tai xanh, tiêu hủy 157.000 con tại hơn 960 xã, phường ở trên 140 quận, huyện, TP. Mới đây, Chi cục Thú y Long An có văn bản chỉ đạo: “Heo trong vùng có dịch heo tai xanh khi đưa vào các lò giết mổ phải có giấy xác nhận của cán bộ thú y xã, phường về tình trạng sức khỏe của heo (khỏe mạnh, nhanh nhẹn, nhiệt độ...” khiến thương lái bức xúc. Một thương lái chuyên mua heo ở Châu Thành (Long An) than rằng mua heo mỗi nơi vài con chờ, thú y xã đến xác nhận phải mất vài tiếng đồng hồ, thậm chí nửa ngày. Chị Lê Thị Mười, ngụ xã Mỹ An, Thủ Thừa kể khổ: “Trước đây, heo bán cho thương lái, lấy tiền là xong. Nay phải chờ có giấy chứng nhận của thú y xã làm cho tâm lý người nuôi hoang mang, có hộ đâm nản không muốn nuôi heo nữa!”. Thực tế cho thấy thủ tục “xác nhận heo khỏe” của thú y xã chỉ thêm rườm rà, không có tác dụng ngăn chặn dịch bệnh. Nhân viên thú y đến xem heo bằng mắt thường, không có dụng cụ chuyên ngành để xác định heo có bệnh hay không. Từ đây dễ tạo điều kiện cho thú y xã gây khó dể thương lái, chưa kể phát sinh tiêu cực. Các thương lái tuyên bố nếu chẳng may mua nhầm heo bệnh, họ chấp nhận tiêu hủy sau khi kiểm dịch tại lò mổ. Còn chờ xác nhận vừa phiền hà vừa không kịp thời gian đưa heo ra chợ tiêu thụ. Để né giấy xác nhận, một số hộ chăn nuôi chỉ bán cho thương lái đưa về lò tại TP.HCM. Đổi lại, người nuôi phải chịu mất giá 80.000-100.000 đồng/tạ so với bán cho lái ở Long An. Trước tình hình dịch heo tai xanh đang xảy ra trên địa bàn, Chi cục Thú y chủ trương đảm bảo tốt công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vận chuyển là rất cần thiết. Tuy nhiên, để giám sát chặt chẽ cần có biện pháp hữu hiệu như tăng cường lực lượng thú y chuyên trách đến các xã, các lò mổ thay cho biện pháp hành chính cấp giấy xác nhận làm khó thương lái và người chăn nuôi. TX - V.TRẦN - A.AN

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/2010090312313212p0c1015/29-tinh-chua-khong-che-dich-heo-tai-xanh.htm