3,2 tỷ ngoài sổ sách của Đại học Ngoại Thương 'trôi' về đâu?

Hành vi để ngoài sổ sách 197.200 USD (hơn 3.2 tỷ đồng) của ĐH Ngoại Thương đã vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế. Cơ quan điều tra cần làm rõ số tiền hơn 3,2 tỷ trên khi để ngoài sổ sách do ai quản lý, cá nhân hay tổ chức nào đang giữ? Sử dụng vào mục đích gì?

Thanh tra Chính phủ vừa chuyển hồ sơ đã thu thập để Cơ quan điều tra, Bộ Công an tiếp tục làm rõ, xử lý theo pháp luật việc để ngoài sổ sách 197.200 USD (tương đương 3.228.225.000 đồng) từ 9/2006 đến tháng 5/2013 từ Chương trình liên kết đào tạo với Trung Quốc, có dấu hiệu tội có ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (theo Bộ luật hình sự năm 1999).

Theo kết luận thanh tra việc giải quyết tố cáo một số nội dung về quản lý tài chính, đầu tư cơ sở vật chất và công tác cán bộ tại Trường Đại học Ngoại thương cho thấy, giai đoạn 2006-2013, Trường Đại học Ngoại thương đã ký 32 hợp đồng đào tạo với 10 cơ sở đối tác (Trung Quốc), toàn bộ giá trị trên hợp đồng được tính bằng USD, mỗi hợp đồng quy định nhiều khoản thu do trường này thu.

 Trường Đại học Ngoại Thương.

Trường Đại học Ngoại Thương.

Thực tế đã đào tạo 1.068 sinh viên, tổng số tiền phải thu theo hợp đồng là 1.156.147 USD, song Phòng Kế hoạch Tài chính của Đại học Ngoại thương chỉ thu 2 khoản (học phí và ký túc xá) số tiền phải thu là 1.073.950 USD tương đương gần 19,2 tỷ đồng. Số tiền chênh lệch còn lại 82.197 USD là do các đối tác thu, Trường Đại học Ngoại thương không thu khoản này.

Trong số tiền Đại học Ngoại thương đã thu qua thanh tra thấy, từ 9/2006 đến 3/2010, bà Đào Thị Thu Giang (Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính) đã giao cho bà Nguyễn Thị Hoa thu của 224 sinh viên, thuộc 8 hợp đồng với 8 đơn vị khác nhau trong Chương trình liên kết đào tạo với Trung Quốc số tiền 197.200 USD (tương đương hơn 3,2 tỷ đồng) không nhập quỹ, không ghi sổ kế toán của Trường Đại học Ngoại thương.

Sau đó, ngày 8/5/2013, Phòng Kế hoạch Tài chính mới lập phiếu thu thu số tiền hơn 3 tỷ đồng vào quỹ tiền mặt của Đại học Ngoại thương và hạch toán là thu nhập bất thường năm 2013. Số tiền chênh lệch hơn 211 triệu đồng đã chi phí cho quản lý hơn 170 triệu đồng, chi mua vật tư kỹ thuật phục vụ quản lý sinh viên Trung Quốc hơn 41 triệu đồng.

Thanh tra Chính phủ nêu rõ, việc để ngoài sổ sách 197.200 USD (tương đương hơn 3,2 tỷ đồng) thu từ chương trình liên kết đào tạo với Trung Quốc từ 9/2006 đến tháng 5/2013 đã là vi phạm Luật Kế toán, Luật Ngân sách Nhà nước và có dấu hiệu tội có ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (theo Bộ luật Hình sự năm 1999).

Tuy nhiên, không có cơ sở kết luận ông Hoàng Văn Châu (Hiệu trưởng Trường ĐHNT nhiệm kỳ 2005- 2010) cấu kết với bà Giang lấy khoản tiền để ngoài số sách này để chia nhau. Đồng thời cho rằng, trách nhiệm để xảy ra vi phạm thuộc về Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng phụ trách vật chất, Trưởng phòng KHTC giai đoạn 2006-2013.

Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, hành vi để ngoài sổ sách 197.200 USD (tương đương hơn 3.2 tỷ đồng) của Đại học Ngoại Thương đã vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế. Ngoài những hành vi nêu trên, cơ quan điều tra cần làm rõ cụ thể số tiền hơn 3,2 tỷ trên khi để ngoài sổ sách thì ai quản lý, cá nhân hay tổ chức nào đang giữ? Đã sử dụng hay chưa sử dụng và sử dụng vào mục đích gì?... Để từ đó xác định chính xác các hành vi vi phạm là gì và xử lý ra sao.

Luật sư Hoàng Tùng cho biết, Hiệu trưởng của trường là người nắm quyền quản lý, đại diện thực hiện các giao dịch cũng như kế hoạch. Phó hiệu trưởng phụ trách vật chất là thực hiện các công việc của cấp phó được phân công phụ trách quản lý mảng được giao. Trưởng phòng KHTC là người trực tiếp quản lý đồng tiền, thống kê, báo cáo,…nguồn tiền, dòng tiền.

Do đó, Thanh tra Chính phủ cho rằng trách nhiệm để xảy ra vi phạm nêu trên thuộc về những người này là có căn cứ. Tuy nhiên, cụ thể trách nhiệm ra sao sẽ phụ thuộc vào hành vi của từng người. Do đó, cần phải có kết luận điều tra cụ thể từ phía cơ quan điều tra phụ trách vấn đề này.

Luật sư Tùng cho biết, hành vi có dấu hiệu của tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 BLHS năm 1999 nhưng hiện nay tại BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 đã không còn Tội danh này. Thay vào đó tội danh nêu trên đã được cụ thể hóa thành các tội thuộc nhóm Các tội phạm khác xâm phạm trật tự quản lý kính tế (từ Điều 217 đến Điều 234).

 Luật sư Hoàng Tùng.

Luật sư Hoàng Tùng.

Theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 của Quốc hội về việc thi hành luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định như sau: “…nếu sau thời điểm 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 mới bị phát hiện thì không khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 của Bộ luật Hình sự năm 1999 mà áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về các tội danh tương ứng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử;…”

"Sự việc nêu trên tính đến năm 2018 bắt đầu tiến hành theo quyết định Thanh tra, đến ngày 5/3 mới công bố kết luận thanh tra. Hiện tại đang chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra. Do vậy, để xác định cá nhân nào thực hiện hành vi gì? Phải chịu trách nhiệm hình sự theo tội danh nào cần phải có kết luận điều tra cụ thể", Luật sư Hoàng Tùng cho hay.

Mời độc giả xem thêm video “Xếp hạng 23”: Đại học Ngoại thương nói gì?:

Nguồn: VTC 1

Hải Ninh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/xa-hoi/32-ty-ngoai-so-sach-cua-dai-hoc-ngoai-thuong-troi-ve-dau-1350354.html