3 câu hỏi cho thi THPT quốc gia năm 2017

“Với phương án tuyển sinh 2017, các trường đại học phải trả lời được ba câu hỏi” – Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM nêu vấn đề tại cuộc mạn đàm do lãnh đạo các trường ĐH phía Nam tổ chức sáng ngày 13/9.

“Thứ nhất, ngoài xét tuyển dựa vào kì thi này, các trường có tổ chức đánh gia năng lực thêm không? Thứ hai, nếu tổ chức đánh giá năng lực thì đánh giá cái gì, có thi lại các bài thi hay thi kiến thức khác? Thứ ba, nếu các trường đánh giá năng lực thêm thì tổ chức như thế nào?" - ông Nguyễn Đức Nghĩa nêu vấn đề.

Đại diện nhiều trường ĐH bàn về kì thi 2017

Theo ông Nghĩa với những nội dung đã được công bố, kì thi 2017 sẽ có sự đổi mới rất lớn… Và điều lo lắng nhất hiện nay là với bài thi tổ hợp, thí sinh có phải làm hết hay không. Nếu thí sinh chỉ làm hai phần (tức hai môn trong bài) và bỏ 1 phần có bị điểm liệt không. Nếu bị điểm liệt thì tính liệt bài thi hay liệt kì thi?

Bài thi tổ hợp 60 câu có đánh giá được năng lực?

Dù bày tỏ trên quan điểm cá nhân, lãnh đạo nhiều trường đại học khẳng định bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên (Lý - Hóa - Sinh) và Khoa học Xã hội (Sử - Địa - Công dân) chỉ có 60 câu hỏi sẽ không thể đánh giá chính xác được năng lực kiến thức.

Theo cô Lê Thị Thanh Mai, Trưởng ban công tác sinh viên ĐHQG TP.HCM, hiện tại học sinh đang rất lo lắng về bài thi tổ hợp vì các em vẫn đang chuẩn bị theo phương thức cũ, quen với hình thức thi theo môn. "Do vậy, Bộ cần công bố việc chấm thi theo môn hay theo bài để các em tập dượt. Ngoài học sinh trong trường, một lượng thí sinh tự do cũng cần phải được quan tâm” – cô Mai nhấn mạnh.

Cô Mai cho rằng, Bộ đã quy định, các trường muốn thay đổi tổ hợp xét tuyển phải thông báo trước ba năm. Nhưng vệc làm bài thi tổ hợp đòi hỏi các trường thay đổi tổ hợp xét tuyển có phù hợp với "luật chơi" không là điều đáng bàn. Nếu được áp dụng ngay, các trường xét tuyển như thế nào?

Về lượng câu hỏi bài thi tổ hợp, cô Mai lo lắng “mỗi bài thi tổ hợp chỉ có 60 câu hỏi làm trong thời gian 90 phút, có nghĩa mỗi môn chỉ có 20 câu là chưa đủ để đánh giá năng lực thí sinh và chưa đạt kì vọng của Bộ”.

Trong khi đó, thầy Nguyễn Hùng Khương, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM cho biết hiện nay tất cả giáo viên đến học sinh đều lo lắng.

“Chúng tôi đang trong tâm thế chờ đợi phương án thi. Mặc dù trường chúng tôi có lợi thế là học sinh khá giỏi, giáo viên tốt và có thể thay đổi, nhưng làm bài thi tổ hợp chắc chắn học sinh sẽ phải học thêm các môn” - Thầy Khương cho biết.

Thầy Khương cũng tiết lộ, trường đã làm một khảo sát với 614 học sinh lớp 12 thì có tới 543 em chọn bài thi KHTN, 71 em chọn bài thi KHXH. Với những học sinh học khối khối D có 58 học sinh chọn thi bài thi KHTN, 58 em chọn bài thi KHXH.

Thầy Khương đề nghị, Bộ phải sớm công bố phương án chính thức, các trường đại học cũng sớm công bố phương án xét tuyển như chọn bao nhiều phần khối thi truyền thống, bao nhiều phần bài thi tổ hợp để còn xoay xở.

Riêng ông Trần Thế Hoàng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM bày tỏ sự ủng hộ đối với hình thức thi trắc nghiệm, vì theo ông “thi trắc nghiệm có sự khách quan và không phải là các phương án A,B, C…như nhiều người lầm tưởng".

Ông Hoàng cũng mong muốn sắp tới một kỳ thì công bằng, như vậy trường mới hoàn toàn tin tưởng sử dụng kết quả để tuyển sinh.

Hiệu trưởng Trường ĐH Thủ Dầu Một (Bình Dương) cũng ủng hộ phương án của Bộ nhưng băn khoăn đề thi “ngắn” như vậy có đủ “đô” để đạt hai mong muốn xét tốt nghiệp và đại học hay không.

Vị này cũng băn khoăn rằng việc các trường không xét theo tổ hợp truyền thống học sinh có thể bỏ học môn này môn kia, dẫn đến tình trạng học lệch.

Còn ông Cổ Tấn Anh Vũ, Trường ĐH Giao Thông Vận Tải TP.HCM, kiến nghị Bộ nên có định hướng thay đổi lâu dài, vì thay đổi liên tục rất khó cho các trường.

"Ngoài ra, nếu xét theo tổ hợp môn truyền thống thì sẽ áp dụng như thế nào? Phải tách 3 môn của bài thi tổ hợp hay sao? Bộ cần hướng dẫn cho các trường nếu không các trường sẽ rất rối, vì chừng nào quy chế Bộ chưa ra thì các trường cũng không thể đưa ra phương án tuyển sinh của mình” - ông Vũ bày tỏ.

Làm bài thi tổ hợp có nên đánh giá năng lực riêng?

Vấn đề có nên đánh giá năng lực riêng để tuyển sinh hay không cũng được nhiều đại diện bàn luận.

Theo cô Mai, "nếu các trường tổ chức đánh giá năng lực thì phải đặt câu hỏi trường muốn tuyển thí sinh thế nào?".

Còn ông Phạm Thái Sơn, Phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, cho rằng hiện nay kì thi mới chỉ giải quyết được việc học sinh có đủ năng lực học được đại học hay không học được chứ không phải học ở từng ngành.

Tuy nhiên, nếu Bộ sẽ giải quyết được vấn đề này thì không cần tổ chức đánh giá năng lực riêng, vì tổ chức cũng chỉ giải quyết phương án có học được hay không học được chứ không phải là năng lực để học từng ngành như thế nào.

Ông Sơn cũng cho rằng việc làm bài thi trắc nghiệm không quan trọng vì với cách dạy hiện học sinh hoàn toàn có thể làm được. "Trước đây, nếu không giải được câu A thì sẽ không giải được câu B. Nhưng hiện nay các câu hỏi đã nêu yêu cầu độc lập với nhau. Vấn đề là với cấu trúc đề thi như vậy thì khung năng lực như thế nào? Năng lực này là để vào các ngành hay năng lực chung chung?" - ông Sơn đặt câu hỏi.

Còn ông Trần Thế Hoàng cho rằng nếu có kiểm tra đánh giá năng lực riêng các trường có thể cùng ngồi lại, chia sẻ trách nhiệm và dùng chung kết quả, tránh trường hợp quá đặc thù để xảy ra tiêu cực như mười mấy năm trước.

Riêng ông Lê Văn Hiển, Phó phòng đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM thì cho biết, bài kiểm tra năng lực của trường được xây dựng trên nội dung không trùng với nội dung học sinh đã thi tại kỳ thi quốc gia. Bốn nhóm kiến thức đánh giá năng lực của trường là kĩ năng sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt, kiến thức xã hội tổng hợp, kiến thức pháp luật, tư duy logic và khả năng lập luận.

Ông Hiển cho biết như phương án tuyển sinh đã công bố trước đó, có thể trường Luật sẽ tiếp tục đánh giá năng lực riêng.

Lê Huyền

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/326471/3-cau-hoi-cho-thi-thpt-quoc-gia-nam-2017.html