3 mũi nhọn của cái nôi Viết văn - Báo chí, Đại học Văn hóa HN

- Tại Hội báo Xuân toàn quốc đang diễn ra tại Hà Nội, Khoa Viết văn - Báo chí của Đại học Văn hóa Hà Nội cũng giới thiệu tới công chúng những thành tựu trong sự nghiệp đào tạo Báo chí.

Tiền thân là Trường viết văn Nguyễn Du được thành lập năm 1979, đến năm 2004 Khoa Viết văn - Báo chí ra đời với tên gọi thuở sơ khai là Khoa Sáng tác và lý luận phê bình văn học với 2 chuyên ngành chính là Viết văn và Viết báo.

PGS-TS Văn Giá (thứ 3 từ trái qua), Trưởng Khoa Viết văn - Báo chí (ĐH Văn hóa) trong buổi tiếp đón Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (thứ 2 từ trái qua) đến thăm khu vực trưng bày sản phẩm của Khoa tại Hội báo Xuân

Năm 2015, sau thời gian chuẩn bị và được sự cho phép của Bộ GD-ĐT, Trường ĐH Văn hóa Hà Nội mở ngành báo chí và bắt đầu tuyển sinh từ năm 2016.

Trao đổi về hoạt động của trường, PGS.TS Ngô Văn Giá - Trưởng khoa Viết Văn - Báo chí chia sẻ: "Mặc dù là đơn vị đào tạo trong lĩnh vực báo chí còn khá non trẻ, tuy nhiên qua đánh giá cho thấy, sinh viên Viết báo của ĐH Văn hóa Hà Nội có khả năng nghiệp vụ tốt, thống kê cho thấy các sinh viên đã ra trường có tới trên 50% có công việc ổn định tại các tòa soạn ở Trung ương và địa phương. Ngoài ra số còn lại cũng làm các công viên liên quan tới báo chí như truyền thông hoặc một số lĩnh vực khác".

PGS-TS Ngô Văn Giá cũng chia sẻ thêm về chiến lược đào tạo báo chí của Khoa, với 3 mũi nhọn: Tập trung đào tạo các phóng viên về lĩnh vực văn hóa văn nghệ, đó là trọng tâm và là đặc thù của Ngành Báo chí - Đại học Văn hóa Hà Nội bởi đó là thế mạnh của trường; Tập trung đào tạo vào báo mạng điện tử và báo chí đa phương tiện để bắt kịp với xu hướng báo chí hiện đại của thế giới; Đầu tư mạnh mẽ vào yếu tố phương tiện kỹ thuật truyền thông. Ví dụ trường quay, studio, những phòng dựng hình, hậu kì.. Cố gắng làm sao để trong một vài năm tới để đây là một cơ sở đào tạo báo chí có chất lượng cao và đặc biệt là phương tiện thực hành tác nghiệp phải đảm bảo tốt để theo kịp và cùng phát triển với các đơn vị đào tạo bạn."

Ngoài ra Khoa Viết văn - Báo Chí còn liên kết với các giảng viên tại một số đơn vị đào tạo báo chí uy tín khác như Học Viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn hay các giảng viên đang là phóng viên, nhà báo tại các cơ quan báo chí để giảng dạy, truyền nghề cho các sinh viên của Khoa. Đó được xem như một thế mạnh của Khoa và đã được các đơn vị đào tạo, Hội Nhà báo ủng hộ.

Với số lượng sinh viên đang theo học ngành báo chí tại trường khoảng 210 sinh viên trải dài theo 4 khóa.

Đây hứa hẹn sẽ là những phóng viên, nhà báo tương lai đóng góp cho nền báo chí nước nhà. PGT-TS Văn Giá cũng cho biết thêm, rất có thể từ năm 2018, Khoa Viết văn - Báo chí sẽ tuyển sinh 2 lớp ngành Báo chí thay vì một lớp như hằng năm và đặc biệt chú trọng đến đào tạo Báo chí Đa phương tiện.

Bên cạnh ngành báo chí non trẻ, ĐH Văn hóa Hà Nội còn mở thêm một số ngành khác như luật học, văn hóa truyền thông, đạo diễn sự kiện... để bắp kịp với xu thế đào tạo truyền thông trong nước và quốc tế.

Hội Báo toàn quốc lần này là cơ hội không chỉ cho Khoa Viết văn - Báo chí Đại học Văn hóa mà còn là thời cơ cho những đơn vị đào tạo ngành báo Báo chí khác thể hiện với công chúng về truyền thống và nét đặc thù riêng của đơn vị mình, từ đó nâng cao vị thế và uy tín trong lĩnh vực đào tạo Báo chí.

Khánh Nguyễn

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/xa-hoi/3-mui-nhon-cua-cai-noi-viet-van-bao-chi-non-tre-nhat-nuoc-n20170318220435350.htm