3 nhóm đối tượng được điều chỉnh tăng lương hưu từ 1/7/2024

Bộ LĐ,TB&XH đã đưa ra phương án đề xuất tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội thực hiện từ ngày 1/7/2024 cùng với chính sách tiền lương mới. Ba nhóm đối tượng nào được điều chỉnh tăng lương hưu khi cải cách tiền lương?

3 nhóm đối tượng được điều chỉnh tăng mức lương hưu từ 1/7/2024

Phát biểu tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), người đứng đầu Bộ LĐ,TB&XH cho biết, Bộ đã xây dựng phương án điều chỉnh lương hưu và phân chia thành 3 nhóm đối tượng.

Từ 1/7/2024, ba nhóm đối tượng được điều chỉnh lương hưu theo chính sách cải cách tiền lương. Ảnh minh họa: TL

Theo đó, 03 nhóm đối tượng được điều chỉnh lương hưu từ 1/7/2024:

Nhóm 01: Những người nghỉ hưu thông thường

Với nhóm này, mức tăng lương hưu sẽ được tính toán hợp lý giữa khu vực đang làm việc với người nghỉ hưu, hài hòa giữa người cùng chức vụ trước và sau 1/7/2024.

Theo LĐ,TB&XH, việc điều chỉnh mức lương hưu không thấp hơn 50% so với mức tăng lương sau cải cách để đảm bảo hài hòa, cân đối, không để người nghỉ hưu bị đẩy xa hơn, thiệt thòi khi cải cách tiền lương.

Nhóm 02: Những người nghỉ hưu trước ngày 1/7/2024

Nhà nước cần áp dụng mức bù để giảm phần chênh lệch lương giữa người nghỉ hưu trước và sau thời điểm cải cách chính sách tiền lương. Ngoài áp dụng chính sách bảo hiểm xã hội, những người hưởng lương theo ngân sách khi về hưu được đảm bảo đầy đủ chế độ như người nghỉ hưu bình thường.

Nhóm 03: Nhóm nghỉ hưu trước năm 1995

Theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, với nhóm đối tượng này, đề nghị Bộ Chính trị, các cơ quan có thẩm quyền cho áp dụng những chính sách đặc biệt.

Như vậy, từ 1/7/2024 có thể sẽ có 03 nhóm đối tượng được điều chỉnh mức lương hưu bao gồm:

- Nhóm những người nghỉ hưu thông thường;

- Nhóm những người nghỉ hưu trước ngày 1/7/2024;

- Nhóm nghỉ hưu trước năm 1995.

Theo Nghị quyết 27, cần bao nhiêu tiền để điều chỉnh tiền lương hưu khi thực hiện cải cách tiền lương?

Theo Cổng TTĐT Bộ Nội vụ, dự kiến tổng nguồn ngân sách Trung ương dành để thực hiện cải cách tiền lương khoảng 132.000 tỷ đồng; nguồn tích lũy của ngân sách địa phương khoảng trên 430.000 tỷ đồng.

Như vậy ngân sách đã bố trí 562.000 tỷ đồng đảm bảo đủ thực hiện cải cách đồng bộ chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024 theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 của Trung ương khóa 12 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Theo tính toán của Chính phủ, để thực hiện cải cách tiền lương, dự kiến tổng nhu cầu kinh phí tăng thêm từ ngân sách trong giai đoạn 2024 - 2026 là hơn 499.000 tỷ đồng.

Trong đó chi cho cải cách tiền lương là 470.000 tỷ đồng. Bao gồm:

- Điều chỉnh tiền lương hưu là 11,1.000 tỷ đồng.

- Trợ cấp ưu đãi người có công là 18.000 tỷ đồng.

L.Vũ (th)

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/3-nhom-doi-tuong-duoc-dieu-chinh-tang-luong-huu-tu-1-7-2024-172240504112544764.htm