3 trụ cột cho tương lai quan hệ lao động ở Việt Nam

Gần đây, trong quá trình chuẩn bị trình Quốc hội xem xét để sửa Luật Lao động (LĐ), đã có nhiều ý kiến khác nhau xoay quanh chủ đề tương lai quan hệ LĐ ở VN.

Song rất nhiều ý kiến khá đơn giản, phiến diện, có cả những người có dụng tâm xấu, định làm chuyện “mượn gió bẻ măng” hòng làm suy yếu tổ chức CĐVN đã có 80 năm lịch sử với chiêu thức đa nguyên về CĐ. Vậy phải đặt vấn đề tương lai quan hệ LĐ ở VN như thế nào? Theo chúng tôi, phải có phương pháp tiếp cận khoa học và thực tiễn. Trong bài viết này, chúng tôi nêu vắn tắt cách tiếp cận hệ thống 3 chủ thể trong quan hệ LĐ là: Chính phủ, giới sử dụng LĐ (giới chủ) và CĐ (đại diện tập thể NLĐ).

Công nhân, một lực lượng quan trọng của tổ chức công đoàn. Ảnh: KỲ ANH

Chính phủ

Ở một số nước, vai trò của chính phủ có vẻ như trung lập, không thiên vị, là người “tạo sân chơi” bình đẳng để vận hành thị trường LĐ. Ở một số nước, chính phủ có vai trò chủ đạo, xây dựng quan hệ LĐ phát triển theo hướng hài hòa, tiến bộ. Ở một số nước khác nữa thì chính phủ bị các giới tư bản tài phiệt thao túng.

Theo những gì chúng tôi nghiên cứu và đã trải nghiệm thực tế, thì không có một chính phủ nào lại sao chép nguyên bản chính sách LĐ của nước khác, mà phải căn cứ điều kiện thực tế của mỗi nước để xây dựng chủ thuyết phát triển KTXH và chính sách LĐ riêng.

Ở nước ta, chế độ ta là chế độ dân chủ, Chính phủ ta là chính phủ của nhân dân, vì nhân dân. Trong thời kỳ quá độ, chấp nhận còn có bóc lột giá trị thặng dư (điều này gần đây có vẻ như lảng tránh, song không thể không nói ra vì đó là sự thật). Song không vì thế mà quên bản chất chính trị của chế độ xã hội ta là chế độ xã hội quá độ tiến lên CNXH.

Như vậy, trong hoạch định chính sách phát triển kinh tế, Chính phủ cần khắc phục nhược điểm trong chính sách LĐ chủ yếu dựa vào khai thác nhân công giá rẻ, tránh cái “bẫy” của nước có thu nhập trung bình để có bước chuyển đột phá trong việc xây dựng chính sách phát triển dựa vào nguồn nhân lực chất lượng cao và được trả lương thỏa đáng. Đó là tiền đề làm nên quan hệ LĐ hài hòa, ổn định, tiến bộ.

Nhà nước còn phải hoàn thiện hệ thống pháp luật về LĐ, đảm bảo rằng pháp luật phải được nghiêm chỉnh thi hành, khắc phục tình trạng của hơn 20 năm qua, nhiều quy định của pháp luật LĐ vừa không đồng bộ, vừa bị coi thường và thể hiện ra là thiếu kỷ cương, phép nước.

Một quan chức của Tổ chức LĐ quốc tế nhận xét về vấn đề này bằng một ví dụ: Một DN phải chờ đến 137 năm mới đến lượt mình được kiểm tra về thi hành Luật LĐ, do hệ thống này của chính phủ quá mỏng, quá yếu.

Thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân trong phát triển kinh tế, Chính phủ vừa trải thảm đỏ cho nhà đầu tư, vừa phải giương cao khẩu hiệu “LĐ là vinh quang” để cổ vũ CNLĐ. Như vậy, tương lai quan hệ LĐ ở VN phụ thuộc nhiều vào kết quả xây dựng chính phủ vững mạnh, nhà nước của dân, do dân, vì dân.

Đặc điểm lớn chi phối tương lai quan hệ LĐ ở VN là phải có cách xem xét khách quan, đúng đắn về giới sử dụng LĐ (giới chủ) như một chủ thể trong tương lai quan hệ LĐ ở VN và là một người chơi văn minh, đúng mực trong sân chơi thị trường LĐ.

Giới sử dụng LĐ

Giới chủ còn non trẻ, mới hình thành do chính sách kinh tế mới của VN và là kết quả của sự thừa nhận trong thời kỳ quá độ vai trò quan trọng của doanh nhân và của người sử dụng LĐ.

Song, do cơ cấu sở hữu của các loại hình DN ở nước ta bao gồm cả Nhà nước, tư nhân trong nước, tư bản nước ngoài cho nên giới sử dụng LĐ ở VN không thuần nhất. Đặc điểm này chi phối tính chất quan hệ LĐ và giải thích tính gay gắt trong quan hệ LĐ ở những nơi lợi ích NLĐ và người sử dụng LĐ mang tính đối kháng.

Do mới hình thành và lại được hưởng các chính sách cởi mở, ưu đãi phát triển, các chủ tư nhân nô nức tham gia vào thị trường LĐ mà chưa qua “sát hạch về trình độ”, nặng về thủ lợi cho nên chưa học được phép ứng xử văn minh theo đúng pháp luật trong quan hệ với NLĐ, lại thừa cơ Chính phủ “nhân nhượng”, pháp luật chưa hoàn thiện, đã thỏa sức lợi dụng tạo nên một tình hình khá phức tạp khi tham gia thị trường LĐ.

Chỉ đến khi xung đột quan hệ đạt đến độ cao là đình công thì bài học “vỡ lòng” về việc cần phải xây dựng quan hệ LĐ đúng mực và việc cần làm ngay là trả đúng giá trị sức LĐ thì quan hệ LĐ mới “hạ nhiệt”.

Tương lai quan hệ LĐ ở VN phụ thuộc rất nhiều vào việc giới chủ phải được nâng cao nhận thức, phải được đưa vào khuôn phép của pháp luật, phải được xây dựng mới, tạo cho họ một sân chơi bình đẳng, song phải có hình phạt đủ mạnh khi họ xâm phạm lợi ích NLĐ.

Giới chủ cần được giác ngộ theo nguyên lý của luật nhân quả, rằng: Cộng tác tích cực với CĐ thì tốt, quan tâm, giải quyết những vấn đề bức xúc của NLĐ chính là đảm bảo DN phát triển bền vững.

CĐ – đại diện tập thể NLĐ

Có lịch sử 80 năm, nhưng cần thẳng thắn thừa nhận kinh nghiệm xây dựng quan hệ LĐ hài hòa, tiến bộ tại DN còn nhiều nơi có hạn chế. Song khẳng định rằng, không một thế lực nào có thể làm thay đổi mô hình của tổ chức CĐVN hiện nay. Và trong tương lai, quan hệ LĐ phụ thuộc nhiều vào kết quả xây dựng CĐVN vững mạnh.

Tương lai quan hệ LĐ ở VN phụ thuộc nhiều vào việc: Tỉ lệ NLĐ tham gia CĐ phải đạt mức độ cao tuyệt đối (ở đâu có NLĐ là ở đó có CĐ). Và tương lai quan hệ LĐ ở mức độ phụ thuộc chất lượng đội ngũ cán bộ CĐ chuyên trách và không chuyên trách, nhất là ở cấp cơ sở; một lòng, một dạ vì quyền lợi GCCN; đứng ở tuyến đầu của cuộc đấu tranh chống cái xấu, xây dựng cái tốt đẹp, lành mạnh, biết xây dựng tập thể LĐ đoàn kết, chấp hành pháp luật và kỷ luật LĐ vì cuộc sống tốt đẹp hơn của NLĐ, đồng thời vì sự phát triển bền vững của DN; có khả năng thương lượng và thực hiện TƯLĐTT tại DN.

Ở vào vị thế yếu của một bên trong ba chủ thể của quan hệ LĐ, CĐ cần có sự quan tâm tạo điều kiện để hoạt động từ phía Nhà nước và sự cộng tác mang tính xây dựng của giới chủ. Do vậy, trong Luật CĐ cần có những đảm bảo về điều kiện để CĐ hoạt động, trong đó có thời gian quy định cho cán bộ CĐCS hoạt động, về đảm bảo tài chính như một điều kiện không thể thiếu, những hình phạt đủ mạnh khi quyền CĐ bị xâm hại...

Xây dựng chính phủ mạnh; giới chủ văn minh, ngày càng tiến bộ; CĐ đổi mới, mạnh mẽ là ba trụ cột, ba chủ thể chính làm nên quan hệ LĐ hài hòa, ổn định, tiến bộ ở VN trong những năm tới. Đó là kỳ vọng, song không phải là không hiện thực khi bàn về tương lai quan hệ LĐ ở VN.

Nguyễn Văn Dũng

- nguyên Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn

Nguồn Lao Động: http://laodong.vn/tin-tuc/3-tru-cot-cho-tuong-lai-quan-he-lao-dong-o-viet-nam/66578