300 triệu trẻ em đang phải sống trong môi trường cực ô nhiễm

Theo một nghiên cứu mới được công bố ngày 31/10, 90% trẻ em trên thế giới (tương đương khoảng 2 tỉ trẻ em) đang phải sống ở những nơi chỉ số ô nhiễm không khí ngoài trời vượt mức giới hạn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Cũng theo tính toán trên, 300 triệu trẻ em sống ở những khu vực cực kỳ ô nhiễm, nơi khói bụi độc hại vượt 6 lần hướng dẫn quốc tế, trong đó, 220 triệu sống ở khu vực châu Á (chủ yếu ở Ấn Độ). Có khoảng 70 triệu trẻ em sống trong khu vực độc hại ở Đông Á (chủ yếu ở Trung Quốc) và 520 triệu ở châu Phi.

Theo WHO, ô nhiễm không khí là mối nguy hại lớn nhất đến sức khỏe con người. Và vấn đề càng trầm trọng hơn khi độ độc hại của không khí tăng 8% trong 5 năm qua.

Trẻ em dễ bị tổn thương bởi ô nhiễm không khí, dẫn đến 600.00 trẻ tử vong hàng năm. Ảnh REUTERS

Hàng năm, có 600.000 trẻ em tử vong, nhiều hơn cả bệnh sốt rét và HIV/AIDS cộng lại. Ô nhiễm ngoài trời và trong nhà cũng là nguyên nhân cho khoảng 6 triệu người chết.

Theo các báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (Unicef), trẻ em bị ảnh hưởng nhiều hơn vì thở nhanh hơn so với người lớn, các tế bào phổi dễ thẩm thấu các hạt ô nhiễm hơn. Những mẩu siêu nhỏ ấy vượt qua hàng rào máu não, nơi khả năng đề kháng thấp hơn ở trẻ em, có thể gây ra những tổn hại vĩnh viễn đến nhận thức và triển vọng tương lai. Khói bụi độc hại bị hít vào bởi phụ nữ mang thai cũng có thể xâm nhập làm tổn thương thai nhi.

Khủng hoảng ô nhiễm không khí diễn ra tồi tệ nhất ở những quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, nơi 98% thành phố không tuân theo chỉ dẫn của WHO. Tuy vậy, 50% thành phố ở những nước giàu cũng không đáp ứng được tiêu chuẩn này

Ở châu Âu, 120 triệu trẻ em sống ở nơi ô nhiễm ngoài trời vượt mức cho phép, và 20 triệu phải chịu độ ô nhiễm gấp đôi giới hạn.

Unicef đã kêu gọi tất cả các nước tham gia giảm ô nhiễm không khí bằng cách giảm nhiên liệu hóa thạch đốt cháy trong nhà máy điện và các loại xe. Điều đó còn giúp khắc phục biến đổi khí hậu.

Unicef cũng đề nghị bảo vệ trẻ em bằng cách đảm bảo các nguồn ô nhiễm như đường giao thông đông đúc và nhà máy không được bố trí gần các trường học và sân chơi, hay việc sử dụng các kiểu bếp nấu sạch./.

Thanh Hiền

(Theo Guardian)

Nguồn Nghệ An: http://baonghean.vn/quoc-te/201610/300-trieu-tre-em-dang-phai-song-trong-moi-truong-cuc-o-nhiem-2750393/