31% DN phải trả 'phí bôi trơn' cho hải quan, tăng cao hơn 2 năm trước

Có 31% doanh nghiệp vẫn phải trả “phí bôi trơn” cho Hải quan, đây là khoản chi phí không chính thức doanh nghiệp phải chi trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan. So với kết quả điều tra năm 2015, chi phí không chính thức tăng từ 28% lên 31%.

Đây là thông tin được Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố vào chiều 27/4 về kết quả khảo sát đánh giá cải cách thủ tục hành chính hải quan năm 2016 dựa trên sự hài lòng của doanh nghiệp (DN).

Theo kết quả công bố, có 31% DN cho biết có chi trả phí không chính thức trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan. So với kết quả điều tra năm 2015, chi phí không chính thức tăng từ 28% lên 31%. Trong khi đó, nhóm không chi thêm chi phí chỉ tăng 1%.

Kết quả khảo sát cũng cho biết, trong trường hợp doanh nghiệp không trả phí bôi trơn thì có 44% doanh nghiệp không bị phân biệt đối xử, 39% doanh nghiệp trả lời không biết, nhưng có 17% DN cho biết có bị phân biệt đối xử. So với năm 2015, con số DN không chi phí bôi trơn bị phân biệt đối xử lên tới 31%, tỷ lệ này đã giảm trong năm 2016 và theo kết quả đánh giá thì đây là dấu hiệu tích cực.

Báo cáo cũng cho biết, trong trường hợp các DN không trả phí bôi trơn thì bị các hình thức phân biệt đối xử như: kéo dài thời gian thực hiện thủ tục (79%); Yêu cầu bổ sung, giải trình các chứng từ không theo quy định pháp luật (41%). Ngoài ra, có 24% DN còn gặp phải thái độ không văn minh, lịch sự của công chức hải quan, thậm chí cố tình kiếm sai sót của DN, không hướng dẫn rõ ràng cho DN…

Mặc dù có nhiều chuyển biến tích cực nhưng tỷ lệ DN cho biết cán bộ hải quan yêu cầu bổ sung, giải trình chứng từ không theo quy định của pháp luật gia tăng. Tuy nhiên, so với năm 2016, kết quả điều tra năm 2016 đã cho thấy một số tín hiệu tích cực. Đó là tỷ lệ doanh nghiệp cho biết bị kéo dài thời gian làm thủ tục, cũng như cán bộ có thái độ không văn minh lịch sự đã giảm đáng kể.

Về phía doanh nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng, DN vẫn e sợ thủ tục hải quan do cán bộ hải quan viện lí do quá tải, giải quyết hồ sơ tồn đọng trước đó… mà làm chậm hồ sơ của mình hoặc hay bắt lỗi nhỏ nhặt của DN để làm khó. Vì vậy DN phải bồi dưỡng cho hầu hết khâu công chức cán bộ hải quan tiếp xúc với người làm thủ tục xuất nhập khẩu của DN.

Đại diện DN đánh giá, chi phí ngoài quy định quá nhiều vì nhiều khâu DN phải trực tiếp làm việc với hải quan. DN đề nghị áp dụng cơ chế một cửa và đẩy mạnh khai báo hải quan qua online, giảm khâu trực tiếp để giảm tình trạng cán bọ hải quan nhũng nhiễu đòi chi phí ngoài quy định.

Khảo sát đánh giá cải cách thủ tục hành chính Hải quan 2016 do VCCI thực hiện được lựa chọn doanh nghiệp khảo sát theo phương pháp lấy mẫu ngẫu nhiên 3.500 doanh nghiệp trong số các doanh nghiệp có thực hiện các hoạt động xuất nhập khẩu.

Trả lời khảo sát hải quan năm 2016 có 1.035 doanh nghiệp với tỷ lệ phản hồi đạt 30%.

Kết quả khảo sát đánh giá chung ngành Hải quan, không có sự phân chia theo các Cục hải quan như năm 2015 (do doanh nghiệp lựa chọn khảo sát ngẫu nhiên nên không có dữ liệu đánh giá 34 Cục HQ địa phương)

Bảng khảo sát gồm 7 phần gồm: Tổng quan doanh nghiệp, tiếp cận thông tin TTHC, thực hiện TTHC, sự phục vụ của các công chức, vấn đề chung của ngành Hải quan, kiểm tra chuyên ngành và cơ chế một cửa Quốc gia.

Hải Yến

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/31-dn-phai-tra-phi-boi-tron-cho-hai-quan-tang-cao-hon-2-nam-truoc-post226375.info