365 ngày 'nghỉ giữa hiệp' cùng cô bạn trẻ đi 'gieo con chữ' đến vùng quê nghèo

Năm tuổi trẻ đi hoang chẳng biết lối về, Gap Year cho tôi cơ hội để tìm lại phiên bản hoàn thiện hơn của mình. 365 ngày “nghỉ giữa hiệp” và bước ra khỏi cái vòng tròn an toàn, tôi được nhiều hơn những gì mình từng dám nghĩ.

Gap Year - một cụm từ có vẻ đã quen thuộc với nhiều người trẻ trong thời buổi hiện đại khi mà xã hội luôn thúc đẩy mỗi cá nhân tự theo đuổi và phát triển những giá trị riêng. Tuy nhiên, dù lý thuyết nghe có vẻ rất “oách”, để biến nó trở thành hiện thực lại không hề dễ dàng chút nào. Người ta thường kể về Gap Year như một cuộc dạo chơi tri thức tốn kém, cũng có người xem “năm ngắt quãng” là dịp để “thả rông” bản thân trong những dự án mơ hồ không đích đến,… nhưng cũng có người tận dụng cơ hội ngắn ngủi này để khám phá năng lực thực sự bên trong chính mình và sự sống của tuổi trẻ.

Và cũng như mọi sự hiện hữu đều có hai mặt trái ngược: được mất, hơn thua, phải trái…, Gap Year cũng mang trong mình sự đối nghịch tất yếu. Một mặt, năm học thứ 13 vốn không nặng nề sách vở, bút thước,.. sẽ giúp những người trẻ có cơ hội đi để trưởng thành. Mặt khác, việc lợi dụng việc Gap Year để không còn phải “chiến đấu” ở giảng đường Đại học, được tự do “bay nhảy” và “lạc trôi” theo guồng quay của xã hội cũng là thực trạng đáng báo động hiện nay.

Dẫu vậy, chìa khóa để thành công trong bất kì lựa chọn nào vẫn luôn là sự kiên trì giữ vững mục tiêu ban đầu đã định ra.

Mỗi người rồi sẽ có trong đời sự lựa chọn riêng, có người theo đuổi một cuộc sống an toàn, có người mải miết kiếm tìm một bằng cấp sáng loáng,… Nhưng có là gì đâu khi câu hỏi về bản thân mà chẳng thể tự trả lời, khi mâu thuẫn giữa cái tôi và hàng loạt giá trị sống phát sinh. Điều này sẽ rõ ràng nhất vào những năm tuổi trẻ, năm các chàng trai, cô giá đã mười tám, đôi mươi, tuy sức dài vai rộng nhưng vẫn đang hoang mang đi tìm chính mình. Hàng loạt những lo lắng, băn khoăn liệu mình có đang đi đúng hướng hay đoạn đường phía trước là thất bại hay thành công,… đều xuất hiện vào thời điểm khủng hoảng này. Do đó, nhiều bạn trẻ tìm đến Gap Year như một giải pháp tạm thời để né tránh thực tại đang bủa vây, cũng có người thực sự muốn “nghỉ giữa hiệp” để giải mã chính mình.

Trong số rất nhiều những gương mặt trẻ đã và đang thành công bằng cách đi lên từ những ngày khắc khoải ấy, Vũ Lê Minh Thư - cô bạn 9X với câu chuyện Gap Year đầy ý nghĩa đã lan tỏa nguồn cảm hứng sống bất tận đến nhiều thế hệ.

“Dự án” Gap Year của Thư bắt đầu vào một ngày ở năm học thứ nhất Đại học, vào lúc cuộc sống đang rất ổn và đồng thời, nó cũng chẳng phát triển. “Sau khi cố gắng cân bằng giữa nhiều nghĩa vụ, vừa làm sao để duy trì việc học tốt, vừa phải kiếm được một khoản tiền để tự chủ tài chính, lại kiêm luôn cả một công dân tốt tham gia các dự án xã hội,… Thư nhận ra mình đang chẳng có gì.” Do đó, cô bạn trẻ nung nấu ý chí phải bằng được tìm ra một con đường phát triển đúng nghĩa mà bản thân đang cần chứ không phải là những giờ học đang bị lãng phí cũng như tiền bạc và sự hi vọng từ phía ba mẹ nên được đặt vào chỗ xứng đáng hơn thế. “Việc bạn chọn trở thành con ngoan, trò giỏi, nhân viên tốt, doanh nhân thành đạt đều không quan trọng bằng việc là-chính-mình.”

Không chạy theo những chuyến du lịch trải nghiệm hay “thả rông” bản thân vào những cuộc vui., một năm tạm rời khỏi nhà trường khi đã hoàn thành chương trình năm học thứ nhất của Thư chỉ xung quanh câu chuyện vể lời giải đáp của bản thân.

Trong suốt 365 ngày “nghỉ giữa hiệp”, người đồng hành cùng Thư chính là DPET (Develop People and Education Together) - một tổ chức phi lợi nhuận, hoạt động tình nguyện thông qua việc tham gia các chương trình tập huấn và tổ chức dự án cộng đồng do chính cô gái trẻ sáng lập. Thành lập từ tháng 3/2016 và đã thực hiện được 8 dự án xã hội lớn nhỏ nhưng bật nhất vẫn là dự án Giấc mơ Chapi. Mang sứ mệnh cao cả, lan tỏa những giá trị tốt đẹp cho cuộc sống ngay từ lúc ra đời, Giấc mơ Chapi tuy chỉ là dự án không “khua chiêng múa trống”, quy tụ được 30 tình nguyên viên và sự giúp đỡ của một số mạnh thường quân nhưng đã mang đến cho xã nghèo Sơn Hiệp, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa một nguồn ánh sáng mới rực rỡ và vui tươi hơn. Bằng việc triển khai lắp đặt 1 km đèn đường, sơn tường, sửa sang lại một trường học nhỏ, trao những phần quà cho những hộ nghèo của xã và 20 học sinh nghèo, Thư đã mang con chữ đến gần hơn với cuộc sống khó khăn và điều kiện thiếu thốn đến cùng cực ở nơi đây.

Tất cả đã giúp mình mở mang tầm nhìn và đi sâu hơn về giá trị, trưởng thành hơn về mặt cảm xúc.” Một câu vỏn vẹn nhưng lại đầy đủ ý nghĩa mà Thư nhắc đến sau khi được hỏi về một năm Gap Year. Trải qua 365 ngày “lăn lộn” với những dự định riêng, “mình được tham gia những diễn đàn thanh niên toàn quốc; được gặp gỡ và làm việc với những anh, chị, cô, chú nhiều kinh nghiệm và tâm huyết, được chia sẻ và trò chuyện nhiều hơn với những bạn trẻ. Mình biết ơn những gì cuộc sống, đồng đội và mọi người đã trao tặng.

Cũng như bất cứ hành trình nào, Gap Year của Thư cũng tồn tại những điều khó khăn có đôi khi tưởng chừng như không thể vượt qua. Trở về sau một năm, “khi bạn bè mình trở thành cử nhân thì mình vẫn là một sinh viên năm ba. Mình cũng không còn nhiều cơ hội gắn bó với những người bạn cũ ở giảng đường.” Thế nhưng, Thư vẫn chưa từng một lần hối hận với quyết định ngày đó của mình.

Suy cho cùng, “mở nắp” tâm hồn để bước ra và đón nhận những điều mới mẻ từ thế giới bên ngoài không chỉ gói ghém vỏn vẹn trong hai từ Gap Year. Hành trình để trưởng thành sẽ dễ dàng hơn khi bạn có kiến thức trước khi hành động. Một năm ngắt quãng là đủ lý tưởng để học hỏi và trải nghiệm cũng như không khiến bản thân bị chậm chân, sa lầy vào những điểm đến mơ hồ. Suy cho cùng, một năm trì hoãn là đủ để bạn hiểu được về bản thân, khám phá và tìm ra phiên bản tốt nhất của mình.

Nhã UyênThu Pi

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/doi-song/365-ngay-nghi-giua-hiep-cung-co-ban-tre-di-gieo-con-chu-den-vung-que-ngheo-1466263.html