4 người chết; hàng chục ngàn ngôi nhà tan hoang sau bão số 10

Bão số 10 giật cấp 15, sau khi đổ bộ đã khiến ít nhất 4 người chết, 8 người bị thương, gần 30.000 ngôi nhà bị hư hỏng, tốc mái và bị ngập; hơn 1 triệu gia đình bị mất điện; hàng loạt tuyến đê bị vỡ, sạt lở.

Bão số 10 đổ bộ tấn phá nặng nề các tỉnh miền Trung-Ảnh: Đức Ngọc

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến 17 giờ ngày 15-9, bão số 10 sau khi đổ bộ đã khiến ít nhất 4 người chết (Thanh Hóa: 1 người; Nghệ An: 1 người; Quảng Bình: 1 người; Huế: 1 người), và 8 người bị thương (Nghệ An: 1 người; Quảng Bình: 6 người; Thừa Thiên-Huế: 1 người).

Sau khi đổ bộ vào các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình với sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12, giật cấp 14-15, bão số 10 đã khiến 19 nhà bị sập; 23.968 nhà bị tốc mái, hư hỏng, trong đó tỉnh Hà Tĩnh bị nặng nề nhất với 23.219 nhà; Quảng Trị: 85 nhà; Thừa Thiên-Huế: 608 nhà. Ngoài ra còn nhiều nhà bị tốc mái hư hỏng ở Quảng Bình đến nay chưa có số liệu thống kê cụ thể.

Bão đổ bộ gây mưa lớn cũng đã khiến 5.489 nhà bị ngập, trong đó tỉnh Hà Tĩnh: 3.989 nhà; Quảng Bình: 1.500 nhà; 04 tàu bị chìm ở Quảng Ngãi; 05 ghe máy bị chìm ở Thừa Thiên-Huế. Nhiều trường học, công trình công cộng bị tốc mái, hư hỏng chưa có số liệu thống kê.

Bão số 10 cũng đã quật đổ cột truyền hình tại thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh; 1.142 cột điện hạ thế bị đổ gãy; 1.703 cột điện hạ thế bị nghiêng. Tổng số khách hàng bị mất điện là 1,3 triệu khách hàng, đến nay đã khôi phục cấp điện trở lại cho 165.198 khách hàng (đạt 13%).

Cột ăng-ten Đài Phát thanh Truyền hình TX Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh cao hơn 100m bị bão số 10 quật đổ-Ảnh: Đức Ngọc

Bão số 10 gây mưa lớn đã làm sạt đê Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An dài 50 m, nước tràn vào đồng; vỡ đê biển Tả Nghèn, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh dài 25 m và trôi cống Kho Muối; sạt lở đê biển Cẩm Hà - Cẩm Lộc, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh dài 2.000 m; đê biển huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định sóng đánh tràn qua mặt đê gây sạt lở mái phía đồng 2 đoạn dài 1.800 m (xã Hải Hòa: 600 m; xã Hải Thịnh: 1.200 m). Hiện nay tỉnh đang huy động lực lượng trải bạt gia cố mái phía đồng; sập hệ thống đóng mở cống Đồng Màu, đê hữu sông Mã, xã Quảng Cư, thành phố Sầm Sơn (Thanh Hóa).

Đề phòng lũ quét, sạt lở đất

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn trung ương, trong 12 giờ tới, mực nước trên các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An và hạ lưu sông Ngàn Sâu, sông Thao tại Yên Bái, sông Hoàng Long tại Bến Đế tiếp tục lên, sông La biến đổi theo triều, thượng lưu các sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố và các sông ở Quảng Bình tiếp tục xuống, mực nước trên các sông có khả năng như sau: Sông Bưởi tại Thạch Quảng lên mức: 13,5 m; tại Kim Tân: 10,0 m, ở mức báo động 1 (BĐ1); Sông Mã tại Cẩm Thủy: 18,5 m, dưới BĐ2: 0,5 m, tại Lý Nhân: 8,5 m, dưới BĐ1: 1,0 m; Sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ xuống mức 10,0 m, dưới mức BĐ1; tại Hòa Duyệt lên mức7,2 m, dưới BĐ1: 0,3 m; Các sông khác ở Thanh Hóa, Nghệ An còn dưới mức BĐ1; Các sông ở Quảng Bình xuống dưới mức BĐ1; Sông Thao tại Yên Bái sẽ lên mức: 30,80 m (dưới BĐ 2: 0,20 m).

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng vùng trũng thấp ở tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang, Thái Nguyên và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh.

Văn Duẩn

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/4-nguoi-chet-hang-chuc-ngan-ngoi-nha-tan-hoang-sau-bao-so-10-20170916102428172.htm