4 phương án cho Tổng thống Trump sau phán quyết của Tòa Phúc thẩm

Tổng thống Mỹ Trump có ít nhất 4 phương án để cân nhắc sau khi Tòa Phúc thẩm số 9 ra phán quyết bất lợi cho sắc lệnh cấm nhập cảnh của ông.

Theo US Today, ngày 9/2, Tòa Phúc thẩm số 9 có trụ sở tại San Francisco đã từ chối yêu cầu của Chính phủ Mỹ trong việc khôi phục lại sắc lệnh cấm nhập cảnh tạm thời đối với công dân của 7 nước Hồi giáo vào Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP

Sau phán quyết của Tòa Phúc thẩm số 9, Tổng thống Donald Trump đã lên tiếng đe dọa trên trang Twitter của mình rằng: “Hẹn gặp lại các ông ở Tòa [ám chỉ Tòa án Tối cao Mỹ- cơ quan có tiếng nói cao nhất và cuối cùng trong các vụ kiện liên bang-ND]. An ninh quốc gia đang bị đe dọa nghiêm trọng”.

Ngay lập tức, bà Hillary Clinton, đối thủ của ông Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016, đã chia sẻ trên tài khoản Twitter vẻn vẹn: “3-0” [ám chỉ việc 3 Thẩm phán Tòa Phúc thẩm ra phán quyết bất lợi cho ông Trump khiến ông bị cho là thất bại tại Tòa-ND].

Trong khi đó, Bộ Tư pháp Mỹ ra tuyên bố nêu rõ, Bộ đang cân nhắc những phương án để đối phó với phán quyết của Tòa Phúc thẩm số 9. Tuyên bố trên của Bộ Tư pháp Mỹ được đưa ra cùng thời điểm ông Jeff Sessions tuyên thệ nhậm chức. Chính vì thế, theo các chuyên gia, Bộ trưởng Tư pháp mới của Mỹ sẽ phải đối diện với những quyết định hết sức trọng đại ngay khi vừa được bổ nhiệm.

Tuy nhiên, không chỉ ông Sessions mà cả Tổng thống Donald Trump cũng sẽ phải “vò đầu bứt tai” để tìm ra một giải pháp khả dĩ để tránh khả năng một trong những sắc lệnh hành chính đầu tiên mà ông ký thông qua sau khi nhậm chức trở thành “mớ giấy lộn”.

Nhân dịp này, USAToday đã đưa ra “4 gợi ý” cho ông Trump và Chính phủ Mỹ sau phán quyết của Tòa Phúc thẩm.

1. Đưa vụ kiện lên Tòa Tối cao

Chính phủ Mỹ có thể tiếp tục kháng án lên Tòa án Tối cao Mỹ. Tuy nhiên, đây là một “con đường hết sức gập ghềnh” bởi ở thời điểm hiện tại, Tòa án Tối cao Mỹ có 8 Thẩm phán và đang bị chia thành 2 phe bảo thủ và tự do theo tỷ lệ 4-4. Khi đó, phán quyết của Tòa Phúc thẩm sẽ không bị đảo ngược.

Việc ông Trump lựa chọn ông Neil Gorsuch vào chiếc ghế trống còn lại cho vị trí Thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ có thể là “một nhân tố quyết định chiến thắng” cho ông Trump tại Tòa án Tối cao Mỹ. Tuy nhiên, rất có khả năng, ông Gorsuch chỉ được Quốc hội Mỹ phê chuẩn làm Thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ khi “mọi sự đã an bài”.

2. Đưa vụ kiện lên Tòa Phúc thẩm đầy đủ

Trong khi đó, Bộ Tư pháp Mỹ có thể cân nhắc kháng án lên Tòa phúc thẩm đầy đủ của bang San Francisco- bao gồm tổng cộng 11 thẩm phán thay vì chỉ 3 thẩm phán như ở Tòa Phúc thẩm số 9. Các thẩm phán này sẽ xem xét lại vụ kiện nói trên và đưa ra một phán quyết mới.

Tuy nhiên, khả năng chiến thắng của Bộ Tư pháp trong vụ kiện tại Tòa Phúc thẩm đầy đủ của bang San Francisco là “gần như bằng 0” bởi đây là bang “màu xanh”- ám chỉ bang của Đảng Dân chủ- trong các vấn đề pháp lý.

Có tới 18 thẩm phán tại bang này do các Tổng thống của Đảng Dân chủ lựa chọn trong khi chỉ có 7 thẩm phán tại bang này do các Tổng thống của Đảng Cộng hòa lựa chọn. Tuy nhiên, nếu vẫn quyết tâm theo đuổi vụ kiện tại Tòa Phúc thẩm đầy đủ của San Francisco, Bộ Tư pháp Mỹ sẽ chỉ có 14 ngày hoàn tất thủ tục để đưa vụ án ra Tòa.

3. Chấp thuận phán quyết của Tòa Phúc thẩm số 9

Một lựa chọn nữa cho Chính phủ Mỹ là chấp nhận phán quyết của Tòa Phúc thẩm số 9 bởi phán quyết của Tòa cũng chỉ liên quan đến phán quyết tạm dừng lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump mà Thẩm phán James Robart công bố ngày 3/2. Phán quyết tạm thời của ông James Robart được cho là sẽ không kéo dài lâu [thông thường là 14 ngày-ND].

Sau đó, các bên của vụ kiện [bao gồm Chính phủ Mỹ và 2 bang Washington và Minnesota-ND] sẽ tham gia vào một phiên tranh tụng sơ bộ dự kiến diễn ra sau ngày 17/2, sau khi các bên đệ trình các tài liệu hỗ trợ cho quan điểm của họ trong vụ kiện này lên Thẩm phán James Robart. Nhiều khả năng, phán quyết của ông Robart lần này sẽ khiến Chính phủ Mỹ tiếp tục kháng cáo.

4. Ra một sắc lệnh hành chính mới

Dù đây không phải là một “lựa chọn ưa thích của ông Trump” nhưng chính các thẩm phán của Tòa Phúc thẩm số 9 đã “ngầm gợi ý rằng” ông Trump có thể ra một sắc lệnh mới mang tính “nhượng bộ hơn” khi không cấm công dân từ 7 nước Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ nhằm dỡ bỏ “những rào cản pháp lý hiện nay”.

Tòa Phúc thẩm số 9 cũng lưu ý đến việc Văn phòng Luật sư đại diện cho Chính phủ Mỹ cũng đã đề xuất việc cho phép những công dân [thuộc những quốc gia nói trên-ND] hiện đang cư trú lâu dài và hợp pháp tại Mỹ có thể tự do đi lại. Theo Văn phòng này, đích thân Tổng thống Trump sẽ “bật đèn xanh” cho sự thay đổi này.

Ngoài ra, Chính phủ Mỹ cũng sẽ thay đổi các quy định về việc bảo vệ những cộng đồng tôn giáo thiểu số tại Mỹ nhưng lại loại bỏ cộng đồng người Hồi giáo./.

Trần Khánh/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/the-gioi/quan-sat/4-phuong-an-cho-tong-thong-trump-sau-phan-quyet-cua-toa-phuc-tham-592524.vov