4 rủi ro của kinh tế Hàn Quốc

Việc Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye bị phế truất loại bớt một yếu tố thiếu chắc chắn đặt ra với nền kinh tế lớn thứ tư châu Á, song hiện vẫn còn nhiều vấn đề vây quanh kinh tế nước này.

Người biểu tình ủng hộ tổng thống vừa bị phế truất Park Geun-hye đụng độ cảnh sát chống bạo động tại Seoul

Theo CNN, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc vừa phế truất Tổng thống Park hôm 10.3 sau nhiều tháng quốc gia Đông Á tê liệt chính trị vì vụ bê bối tham nhũng của bà. Hiện tại, Hàn Quốc phải tổ chức một cuộc bầu cử mới trong 60 ngày.

Krystal Tan, nhà phân tích kinh tế châu Á tại Capital Economics, cho hay: “Thông tin có tổng thống mới sẽ thúc đẩy tâm lý trong ngắn hạn. Tâm lý thị trường vốn đã và đang bị tổn hại nặng nề vì vụ bê bối chính trị gần đây”. Vụ việc trên đã và đang gây ảnh hưởng đến cả nền kinh tế, khiến nhiều vấn đề trở nên trầm trọng: tăng trưởng kinh tế đang chậm lại và triển vọng kinh tế thì tệ hơn.

“Hàn Quốc đang đối mặt với rất nhiều thách thức”, nhà kinh tế châu Á - Thái Bình Dương Rajiv Biswas tại hãng IHS Markit nói. Dưới đây là bốn vấn đề lớn nhất đang gây khó cho kinh tế xứ Hàn.

Căng thẳng với Trung Quốc

Quyết định để hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ trên đất Hàn Quốc khiến Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của nước này, không hài lòng. Bắc Kinh làm khó Seoul bằng cách áp đặt hạn chế kinh tế. Mới đây, Đại lục yêu cầu các hãng lữ hành ngừng bán tour đến Hàn Quốc và làm khó ít nhất một tập đoàn hàng đầu xứ Hàn.

Trung Quốc là đích đến của khoảng 1/4 hàng hóa xuất khẩu Hàn Quốc. Đây cũng là quốc gia gửi hơn một nửa tổng số khách du lịch đến thăm Hàn mỗi năm. “Kinh tế Hàn Quốc rất dễ bị tổn thương trước các đợt trả đũa kinh tế Trung Quốc”, ông Biswas nhận định.

Lãnh đạo doanh nghiệp chịu áp lực

Vụ bê bối lớn khiến bà Park bị phế truất cũng gây sóng gió cho một số doanh nghiệp hàng đầu, trong đó có cái tên lớn nhất: tập đoàn Samsung. Người thừa kế tập đoàn này là ông Lee Jae-yong đang bị bắt giữ và ra tòa vì cáo buộc hối lộ và các tội danh khác. Ông Lee và nhiều giám đốc điều hành Samsung khác phủ nhận mình có tội, song vẫn có thể phải đối mặt nhiều năm tù giam nếu bị kết án.

Rắc rối của Samsung có thể biến thành vấn đề nghiêm trọng hơn nữa nếu tập đoàn này thực sự gặp khó trong việc ra quyết định quan trọng về chiến lược và đầu tư vì dàn lãnh đạo cấp cao phải nghỉ việc. Tập đoàn Samsung được cho là chiếm 15% nền kinh tế xứ Hàn.

Khủng hoảng vận tải đường biển

Một ngành quan trọng đối với nền kinh tế xứ Hàn hiện gặp khó. Thương mại thế giới sụt giảm khiến ngành công nghiệp đóng tàu và vận chuyển hàng hóa bằng đường biển gặp khó. Nhiều doanh nghiệp lớn đang rất chật vật vì các đội tàu chở hàng “ế khách”.

Hanjin Shipping, một trong những hãng vận chuyển lớn nhất thế giới, phá sản hồi năm ngoái. Chính phủ Hàn Quốc hứa sẽ đổ hàng tỉ USD để giúp giới doanh nghiệp đóng tàu khủng của nước này - những công ty đã cắt giảm hàng ngàn việc làm.

Cải cách trì trệ

Nhiều nhà kinh tế chẳng mấy lạc quan về triển vọng kinh tế Hàn Quốc trong năm nay. “Sự phục hồi đáng kể không dễ xảy ra. Tăng trưởng có thể bị ngăn trở bởi vấn đề nợ hộ gia đình cao, quá trình tái cấu trúc trong ngành công nghiệp đóng tàu và nhiều yếu tố rủi ro từ nước ngoài”, chuyên gia Tan cho biết.

Hiện vẫn chưa chắc chắn rằng tổng thống Hàn Quốc mới sẽ giải quyết được những vấn đề kinh tế mà nước này phải đối mặt, trong đó có chuyện dân số đang già đi và thị trường lao động cứng nhắc.

Thu Thảo

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/kinh-doanh/4-rui-ro-cua-kinh-te-han-quoc-814111.html