5 điều rút ra từ bản hợp đồng đắt nhất thế giới Gareth Bale

(TinTheThao.com.vn) - Sau mùa hè tốn rất nhiều giấy mực, “viên ngọc quý” Bale của Tottenham cũng đã cập bến Real Madrid với mức giá kỷ lục lên tới 85,5 triệu bảng. Vậy người hâm mộ sẽ thấy gì từ bản hợp đồng “bom tấn” này?

1. Mọi kỉ lục đều có thể bị phá vỡ

Việc kỷ lục chuyển nhượng của C. Ronaldo bị phá vỡ là một minh chứng rõ nét nhất. Phí chuyển nhượng của Bale là 85.5 triệu bảng, hơn kỷ lục thế giới cũ vụ Cristiano Ronaldo từ M.U về Real giá 80 triệu bảng năm 2009.

Trước đó, người hâm mộ từng “phát điên” với giá chuyển nhượng của Zidane, Ibrahimovic, Kaka hay Figo… nhưng họ chỉ là những bước đệm cho về sau mà thôi. Dù kinh tế thế giới nói chung đang ngày càng phát triển không bền chặt hay nói đúng hơn suy yếu. Tuy vậy, các ông chủ của các CLB vẫn chịu chơi để đem về những món hàng mà mình ưu thích. Rõ ràng, thị trường chuyển nhượng luôn chứa đựng những yếu tố bất ngờ, và không có một giá cả nào được đảm bảo là kỷ lục mãi được.

Hợp đồng của Real với Bale đã phá vỡ kỷ lục chuyển nhượng. Ảnh: Internet

2. Cầu thủ không chỉ biết đá bóng

Nhiều người tự đặt câu hỏi liệu Bale có cần thiết lắm cho kế hoạch của Ancelotti? Câu trả lời là không. Nhìn vào bộ khung hiện tại thì Real Madrid hoàn toàn có cơ sở để đánh bại mọi đối thủ. Vậy Bale đến sân Bernabeu để làm gì? Câu trả lời là kiếm tiền.

Chủ tịch Perez không dại gì bỏ ra số tiền khổng lồ như vậy để chiêu mộ anh. Chỉ cần nhìn vào sức lan tỏa của Bale trong giới truyền thông cũng hiểu giá trị của ngôi sao xứ Wales. Buổi ra mắt của cầu thủ xứ Wales diễn ra trước sự có mặt của hơn 150 cơ quan truyền thông đến từ khắp năm châu. Gareth Bale là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất thế giới và đồng thời cũng là một trong những cầu thủ được giới truyền thông săn đón nhiều nhất. Theo thông tin, Bale sẽ chia sẻ 50% bản quyền hình ảnh của anh với Real Madrid và họ hy vọng sự có mặt của anh sẽ làm tăng mạnh mức thu nhập 512 triệu euro mà họ báo cáo vào cuối mùa 2011-12, những con số giúp Real đáp ứng luật công bằng tài chính của UEFA mà vẫn có thể mua sắm rầm rộ. Một cách ngắn gọn, Perez đã hy sinh bóng đá vì các mục tiêu tài chính, nhưng 9 tháng tới, canh bạc của ông mới có thể có câu trả lời rõ ràng.

3. Bóng đá đang bị chi phối bởi đồng tiền

Thực tế, CLB muốn thành công phải chịu chi tiền trên thị trường chuyển nhượng. Những Barca, Bayern Munich, Inter, Chelsea, AC Milan … và cả Real Madrid đều chung một kịch bản khi bước lên đỉnh cao Champions League và giải đấu quốc nôi. Với nhiều người thì tiền không phải là tất cả nhưng phải có tiền mới làm nền cho sự phát triển tương lai.

Không có tiền đồng nghĩa với việc đội hình không có những ngôi sao chất lượng hàng đầu thế giới hoặc có thì họ cũng đòi ra đi. Giá trị đồng tiền và tiếng gọi của kẻ đại gia luôn đem lại sự mơ ước cho tất cả các ngôi sao. Nói thế để thấy, Bale chỉ là một minh chứng rõ nét nhất cho việc ký hợp đồng với Real Madrid. Đồng thời, những Cavani, Falcao, Neymar hay Geotze…đều bị chung cùng một kịch bản. Rõ ràng, bóng đá hiện đại đang rất cần những “đại ca” chịu chi trên thị trường chuyển nhượng kiểu như Perez. Nhìn đâu cho xa, đến Arsenal cũng phải chấp nhận bỏ ra số tiền “khủng” lên tới 42,5 triệu bảng mới có được ngôi sao mình cần.

Hợp đồng giữa Real và Bale là lời khẳng định "vô đối" trên TTCN của Real. Ảnh: Internet

4. Luật cân bằng tài chính chưa phát huy tác dụng

Rõ ràng, việc “trói tay” các tỷ phú vung tiền trên thị trường chuyển nhượng của UEFA vẫn chưa phát huy tác dụng. "Các CLB đều hiểu quy tắc. Nếu không kiểm soát được thu – chi, họ sẽ bị trừng phạt. Những án phạt ở đây có thể là cảnh cáo, phạt tiền, hạn chế mua sắm cầu thủ hoặc nặng nhất là cấm thi đấu ở các giải." - Tổng thư ký của UEFAGianni Infantino từng cảnh báo.

Trong đó, việc Bale chi ra gần 100 triệu euro là một minh chứng rõ nét nhất cho việc chi tiêu đắt đỏ. Ngoài ra, các CLB như Monaco, Tottenham, Man City hay Napoli…vẫn không ngần ngại vung tiền ra thị trường chuyển nhượng. Thực tế theo thống kê, việc thua lỗ vẫn diễn ra liên tục tại các CLB lớn tại Châu âu mỗi khi mùa bóng kết thúc. Rõ ràng, đội bóng nước Pháp Monaco chi tới 166 triệu bảng hay Real Madrid 144 triệu bảng là một con số quá khủng khiếp đối với làng túc cầu thế giới. Và dù luật cân bằng tài chính đã thắt chặt nhưng xem ra các CLB vẫn chưa cảm thấy sức ép đặt ra.

5. Real Madrid 'vô đối' trên thị trường chuyển nhượng

Real Madrid có thể vẫn đang kiên trì đi tìm cú “decima” nhưng trên thị trường chuyển nhượng và giá trị đội hình thì họ vẫn vô đối. Nhắc đến đây người ta không khỏi liên tưởng tới chủ tịch Perez - người đã quyết đưa bằng được Bale về sân Bernabeu với mức giá kỷ lục.

Tính từ năm 2000 tới nay, Perez đã chi tổng cộng gần 1 tỷ euro, một con số chưa từng có trong lịch sử bóng đá. Đặc biệt, năm 2009, Real Madrid của ông đã bỏ ra số tiền 264 triệu euro để shopping. Cứ đến mùa hè, sân Bernabeu lại đón thêm những tân binh hàng đầu thế giới kèm theo đó là những số tiền “khổng lồ” được chi ra. Theo thống kế, tính luôn mùa hè 2013, Real Madrid đã có tổng thể lần thứ 5 trong lịch sử chi quá 100 triệu euro mua cầu thủ, trước đó vào các mùa giải 2000/2001, 2006/2007, 2007/2008 và 2009/2010. Đồng thời, với việc chiêu mộ thành công Bale, “Kền kền trắng” cũng chính là CLB có giá trị đội hình đắt nhất thế giới với tổng cộng 630.000.000 euro xếp trên cả Barca (587.300.000 euro) hay Chelsea (514.750.000 euro)…

Nguồn YTT: http://www.tinthethao.com.vn/news/56/30AD04/5-dieu-rut-ra-tu-ban-hop-dong-dat-nhat-the-gioi-Gareth-Bale