5 'động cơ' giúp 'cỗ máy' kinh tế Việt Nam chạy băng băng trong năm 2017

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, môi trường đầu tư cải thiện, sản phẩm xuất khẩu công nghệ cao thay thế hàng hóa truyền thống và sự trỗi dậy của khu vực kinh tế tư nhân là 5 "động cơ" giúp "cỗ máy kinh tế Việt Nam" vận hành trơn tru trong năm 2017.

Tạp chí kinh tế uy tín Forbes của Mỹ, hôm 5/1, đã đăng tải bài viết của tác giả Ralph Jennings phân tích về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2017.

Kinh tế Việt Nam vừa vượt qua năm 2016 với nhiều khó khăn nhưng dự báo sẽ tăng trưởng khá trong năm tới. Ảnh VOV

Theo Forbes, Việt Nam vừa trải qua một năm 2016 với nhiều khó khăn, nhưng bức tranh kinh tế ảm đạm sẽ được cải thiện trong năm tới, dựa vào 5 yếu tố.

TPP sẽ được hồi sinh hoặc bị thay thế

Forbes nhìn nhận, TPP có thể sẽ bị Tổng thống đắc cử Trump loại bỏ ngay khi nhậm chức như điều mà ông này cảnh báo trước đó. Tuy nhiên, nếu điều này xảy ra, Việt Nam không phải đã mất quá nhiều cơ hội bởi vẫn còn lựa chọn khác.

Theo Forbes, Việt Nam đã tham gia vào 16 thỏa thuận mậu dịch tự do (FTA) trong đó có Trung Quốc và Nhật Bản.

Đồng thời, Việt Nam có thể tham gia các thỏa thuận song phương khác với các thành viên trong TPP nếu Quốc hội Mỹ từ chối thông qua TPP.

Bên cạnh đó, Việt Nam hiện cũng đang đàm phán tham gia Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực có quy mô chi phối 30% GDP toàn cầu.

Môi trường đầu tư cải thiện

Forbes đánh giá 2016 là năm có nhiều thay đổi về chính sách đầu tư tại Việt Nam cho các công ty nước ngoài.

Cụ thể, theo Forbes, nhà đầu tư nước ngoài hiện đang được hưởng lợi từ mức thuế quan thấp. Cùng với đó, các quy tắc về đầu tư nước ngoài mới ban hành tỏ ra thông thoáng và việc cấp giấy phép cũng dễ dàng hơn.

Forbes cũng dẫn lời Oscar Mussons - chuyên viên tư vấn kinh doanh quốc tế của Dezan Shira & Associates tại Tp.HCM - rằng 2017 là năm Việt Nam sẽ bắt đầu "thu hoạch" từ việc đưa ra các luật kinh doanh có tính cạnh tranh và chính điều này sẽ giúp Việt Nam trở thành một trong các trung tâm sản xuất của thế giới.

Sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và thói quen chi tiêu nhiều hơn

Theo Forbes, tầng lớp trung lưu của Việt Nam sẽ tăng gấp đôi vào năm 2020 lên 33 triệu người, và khiến mức độ tiêu dùng tăng lên.

Video: Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân: Tuyên bố của ông Trump về TPP không đáng ngại

Tính toán của tập đoàn tư vấn Boston, được Forbes dẫn lại, cho thấy đây là những người có khả năng thu nhập 714 USD mỗi tháng. Do đó, họ dành tiền mua điện thoại, xe cộ, thuốc men và đi du lịch đồng thời tạo động lực thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu.

Thay thế mặt hàng xuất khẩu

Yếu tố thứ tư, theo Forbes, sẽ góp phần đưa kinh tế Việt Nam phát triển nhanh hơn là tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao.

Theo tính toán, tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao mà Việt Nam gia công và chế tạo tăng từ 5% năm 2010 lên 25% năm 2015 và đang tiếp tục tăng.

Nguyên nhân, theo Forbes, là do sự đầu tư từ các đại gia công nghệ Hon Hai Precision, Intel và Samsung.

Thêm đó, là do hoạch định chính sách của Chính phủ trong việc xuất khẩu hàng điện tử thay thế các ngành truyền thống như may mặc và giầy dép.

Kinh tế tư nhân trỗi dậy

Forbes cho rằng khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam đang được mở rộng và đa dạng hóa. Đây là điều khác biệt với nhiều năm trước, khi mà kinh tế nhà nước giữ quyền thống trị.

Khu vực tư nhân dần dần thay thế khu vực nhà nước trong một số lĩnh vực. Các công ty khởi nghiệp được mở ra trong các lĩnh vực truyền thông, giải trí và thanh toán qua mạng.

Cùng với đó, sự xuất hiện của các quỹ đầu tư mạo hiểm đang thúc đẩy hoạt động khởi hiệp, hứa hẹn đem tới những thay đổi cho nền kinh tế Việt Nam.

>>> Đọc thêm: Ông Trump 'khai tử' TPP bằng cách nào?

Hòa Bình (Theo Forbes)

Tin tài trợ

Nguồn VTC: http://vtc.vn/5-dong-co-giup-co-may-kinh-te-viet-nam-chay-bang-bang-trong-nam-2017-d297219.html