5 lĩnh vực Việt Nam có lợi thế trong CMCN 4.0

Theo một cuộc khảo sát gần đây, các doanh nghiệp, tổ chức đề xuất, Việt Nam nên tập trung vào một số ngành nước ta có lợi thế trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) bao gồm: CNTT (89.9%), Du lịch (45.7%), Nông nghiệp (44.9%), Tài chính, Ngân hàng (47%) và logistic (28.3%).

Theo khảo sát, 35.2% tổ chức đã chuẩn bị và sẵn sàng cho CMCN 4.0. Ảnh: VNN

Đó là kết quả khảo sát Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) công bố tại Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT Việt Nam 2017 (Vietnam ICT Summit 2017) với chủ đề “Việt Nam – Chuyển đổi số trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư", vừa diễn ra hôm qua (6/9).

Khảo sát này được thực hiện 275 cơ quan đơn vị tham dự Diễn đàn năm nay. Kết quả cho thấy: 35.2% tổ chức đã chuẩn bị và sẵn sàng cho CMCN 4.0, trong đó phần đa là các doanh nghiệp thuộc khối ngân hàng, một số doanh nghiệp CNTT và chiếm số đông nhất là các doanh nghiệp, cơ quan ứng dụng và 1 số cơ quan quản lý CNTT; 58.7% đã tìm hiểu nhưng chưa biết chuẩn bị gì, chỉ có 6.1% là chưa tìm hiểu gì và chưa biết chuẩn bị như thế nào cho những cơ hội và tác động của CMCN 4.0.

Đánh giá về những thế mạnh của Việt Nam trong CMCN 4.0, kết quả khảo sát cho thấy 3 lợi thế/thế mạnh của Việt Nam trong CMCN4.0 là: nguồn nhân lực (77.7%), Nhận thức & Quyết tâm hành động của Chính phủ (70.4%), và Hạ tầng CNTT & Viễn thông (59.1%).

Cũng theo kết quả khảo sát, để hiện thực hóa những lợi thế này Việt Nam cần triển khai 03 giải pháp quan trọng như sau: Đào tạo nguồn nhân lực (81.8%), thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn nền kinh tế (70%), thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo (53%). Các doanh nghiệp, tổ chức cũng đề xuất, Việt Nam nên tập chung vào một số ngành nước ta có lợi thế trong CMCN 4.0 bao gồm: CNTT (89.9%), Du lịch (45.7%), Nông nghiệp (44.9%), Tài chính, Ngân hàng (47%) và logistic (28.3%).

Kết quả khảo sát này có thể được coi như một bức tranh sơ lược về nhận thức về CMCN 4.0, các thế mạnh, các ngành kinh tế có thế mạnh và những nội dung Việt Nam cần triển khai để nắm bắt cơ hội cũng như vượt qua các thách thức của cuộc cách mạng này.

PGS. TS. Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA chia sẻ: “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh, mức độ lan tỏa và phạm vi tác động ngày càng lớn trên phạm vi toàn cầu và đang từng bước gõ cửa từng gia đình, chạm đến từng người trong chúng ta”.

Làm gì để không bỏ lỡ “chuyến tàu” 4.0

Tại Diễn đàn, Ts. Võ Trí Thành, Nguyên Phó Viện trưởng Viện quản lý kinh tế TW và lãnh đạo Microsoft Việt Nam cũng có các báo cáo chủ chốt về sự bùng nổ của CMCN 4.0 trên thế giới, những tác động tới Việt Nam và những giải pháp hiệu quả giúp Việt Nam tiếp cận, tiến nhanh, tiến mạnh trong cuộc cách mạng này.

Với chủ đề "Con tàu cách mạng Công nghiệp 4.0: Thế giới lên tàu! Việt Nam bỏ lỡ?" TS. Võ Trí Thành đã chỉ ra được những vấn đề và lý do tại sao Việt Nam có khả năng bắt nhịp được với xu thế chung của thế giới.

TS. Thành cho biết "Việt Nam đã bỏ lỡ 3 cuộc Cách mạng công nghiệp trước đây và đặt vấn đề liệu có tiếp tục bỏ lỡ Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hay không?". Theo góc nhìn của ông, yếu tố chủ chốt trong cuộc CMCN 4.0 là xây dựng chiến lược chuyển đổi số và Việt Nam cần triển khai các lĩnh vực đột phá. Đó là Cải cách thể chế, đẩy mạnh Chính phủ số; Phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh Doanh nghiệp và khu vực tư nhân, chính là phát triển hệ sinh thái start-up, quản trị thông minh, hạ tầng thông minh,…; Đổi mới sáng tạo, cần tập trung vào cải cách giáo dục, phát triển nhân lực số; Đô thị hóa – vấn đề về đô thị thông minh,…

Theo ông Phạm Trần Anh, Phó tổng giám đốc khối khách hàng DN và đối tác chiến lược, Microsoft Việt Nam chia sẻ, những thách thức khi đứng trước cuộc CMCN 4.0 chính là: Dữ liệu và thông tin tăng tốc kỷ lục; Giải pháp điều khiển dữ liệu trở nên tiềm năng để chuyển đổi mọi lĩnh vực hoặc nền công nghiệp; điện toán đám mây trở thành xu hướng tất yếu với mọi tổ chức và doanh nghiệp.

“Trước ngưỡng cửa cuộc CMCN 4.0, các DN cần nắm bắt lợi thế của chuyển đổi số, từ đó có thể nâng cao hiệu suất vận hành doanh nghiệp từ những công cụ vượt trội của điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và IoT”, ông Phạm Trần Anh, Phó tổng giám đốc khối khách hàng DN và đối tác chiến lược, Microsoft Việt Nam chia sẻ.

Trong tọa đàm chuyên sâu, đại diện Microsoft đưa ra vấn đề về thành phố thông minh và gợi ý giải pháp CityNext để xây dựng đô thị thông minh. Theo ông Trần Anh, đây là nền tảng và công nghệ chính, tạo khả năng kết nối từ Cloud OS nhằm hỗ trợ các tổ chức và doanh nghiệp xây dựng và phát triển đám mây riêng, kết nối đám mây công cộng, xử lý và phân tích hệ thống siêu dữ liệu - đến các bộ sản phẩm năng suất cao và hợp tác tối ưu dành cho máy trạm (client). Có thể coi đây là xương sống, giúp chuyển đổi kỹ thuật số cho các thành phố và các đơn vị hành chính công, nhằm hỗ trợ giải quyết tốt những bài toán giấy tờ và dịch vụ tại đơn vị hành chính.

Cũng theo đại diện Microsoft, “thành phố thông minh” cần kết hợp dịch vụ và dữ liệu từ nhiều nguồn chức năng đô thị khác nhau như chức năng hành chính bao gồm chính sách thuế, dịch vụ tự động và tài chính, an toàn nơi công cộng và tư pháp, sức khỏe và dịch vụ xã hội, giáo dục, giao thông, xây dựng & hạ tầng, năng lượng & nước và du lịch, giải trí và văn hóa,...

“Khi ứng dụng các giải pháp hiện đại và nền tảng dữ liệu, thông tin quan trọng có thể lưu thông thông suốt giữa các phòng ban, đô thị và giữa chính phủ, với doanh nghiệp và người dân và khi vận hành hiệu quả có thể giúp các đô thị đưa thêm các nguồn lực trở lại sử dụng trong cộng đồng”, ông Phạm Trần Anh nhấn mạnh.

Mỹ Anh /

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/5-linh-vuc-viet-nam-co-loi-the-trong-cmcn-40-137692.html