5 lợi ích người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng từ kết quả Đề án 06

Thời gian qua, BHXH Việt Nam đã tích cực triển khai Đề án 06 theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và trở thành một trong những đơn vị đi đầu về xây dựng Chính phủ số.

Bám sát các nội dung cốt lõi của Đề án 06, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, BHXH Việt Nam đã triển khai 5 nhóm tiện ích phục vụ thiết thực người dân và doanh nghiệp.

Nhóm tiện ích phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến

Hiện nay, có 20/25 thủ tục hành chính (chiếm 80%) đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên hệ thống giao dịch BHXH điện tử của BHXH Việt Nam. 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính của BHXH Việt Nam đã được số hóa.

BHXH Việt Nam đã hỗ trợ Bộ Y tế triển khai liên thông dữ liệu điện tử giấy khám sức khỏe lái xe (phục vụ cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe trực tuyến), giấy chứng sinh, giấy báo tử từ các cơ sở KCB qua hạ tầng công nghệ của BHXH Việt Nam. Đến nay, đã có hơn 4,3 triệu dữ liệu điện tử của 3 loại giấy tờ nêu trên được liên thông qua hạ tầng của BHXH Việt Nam.

Những kết quả đó giúp người dân, doanh nghiệp có thể đăng ký tham gia, hưởng các chế độ về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT) ngày càng thuận tiện, tiết kiệm thời gian, chi phí.

Nhóm tiện ích phục vụ công dân số

Đến nay, toàn quốc đã có 100% cơ sở khám chữa bệnh (KCB) BHYT triển khai KCB BHYT bằng căn cước công dân (CCCD) gắn chip, với trên 92 triệu lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD gắn chip thành công phục vụ làm thủ tục KCB BHYT.

Nhân viên y tế hướng dẫn người dân làm thủ tục KCB BHYT tại Bệnh viện Đa khoa Vân Đình (huyện Ứng Hóa, Hà Nội).

Nhân viên y tế hướng dẫn người dân làm thủ tục KCB BHYT tại Bệnh viện Đa khoa Vân Đình (huyện Ứng Hóa, Hà Nội).

Việc triển khai KCB BHYT bằng CCCD, người bệnh BHYT chỉ cần sử dụng CCCD để làm thủ tục KCB, giúp đơn giản hóa thủ tục, tiết kiệm thời gian cho cả người bệnh và cán bộ y tế, cơ quan BHXH cũng tiết kiệm được chi phí in ấn và phát hành thẻ BHYT.

Nhóm tiện ích phát triển kinh tế, xã hội

Thời gian qua, BHXH Việt Nam đã đẩy mạnh chi trả các chế độ bảo hiểm không dùng tiền mặt. Đến nay, toàn quốc đã có khoảng 64% số người hưởng nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị, tăng khoảng 3% so với năm 2022.

Việc chi trả các chế độ qua tài khoản cá nhân đã và đang mang lại nhiều lợi ích, bảo đảm an toàn, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, được đông đảo người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHTN đón nhận.

Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư

Tính đến nay, hệ thống của BHXH Việt Nam đã xác thực hơn trên 96,8 triệu thông tin nhân khẩu có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trong đó, có khoảng 86,9 triệu người đang tham gia, thụ hưởng BHXH, BHYT, BHTN, chiếm 97,8% tổng số người tham gia.

Theo thống kê trên hệ thống của BHXH Việt Nam, đến nay có hơn 10 triệu lượt sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập ứng dụng VssID - BHXH số. Việc triển khai này của BHXH Việt Nam đã giúp người dân có thêm lựa chọn sử dụng tài khoản khi có nhu cầu khai thác thông tin, sử dụng thẻ BHYT, thực hiện các dịch vụ công trực tuyến dành cho cá nhân trên ứng dụng VssID.

Hoàn thiện hệ thống chỉ đạo, điều hành phục vụ người tham gia, thụ hưởng ngày càng tốt hơn

BHXH Việt Nam hiện đang duy trì hoạt động Trung tâm dữ liệu tập trung và đảm bảo an toàn thông tin cho 28 hệ thống ứng dụng phục vụ nghiệp vụ, đảm bảo 100% nghiệp vụ của ngành thực hiện trên phần mềm ứng dụng…

Hiện nay, hệ thống của BHXH Việt Nam đã kết nối với hơn 13.000 cơ sở KCB BHYT trên toàn quốc để tiếp nhận dữ liệu đề nghị thanh toán chi phí KCB BHYT; hơn 621.000 đơn vị, doanh nghiệp giao dịch điện tử với cơ quan BHXH, qua đó giúp các doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí và thuận lợi khi thực hiện các thủ tục hành chính về BHXH, BHYT, BHTN.

Hà Linh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/5-loi-ich-nguoi-dan-doanh-nghiep-duoc-thu-huong-tu-ket-qua-de-an-06.html