5 nghĩa trang 'hút' khách nhất thế giới

Dù là nơi yên nghỉ của người cõi âm, nhưng những nghĩa trang này lại có sức hút đặc biệt với khách du lịch.

Nghĩa trang Highgate ở London, Anh là nơi yên nghỉ của nhiều danh nhân nổi tiếng như Karl Marx, nhà văn Virginia Woolf, George Eliot (Mary Ann Evans), Michael Faraday, Alexander Litvinenko, cha mẹ và anh chị em của nhà văn vĩ đại Charles Dickens… Nơi đây bắt đầu chôn cất người quá cố kể từ năm 1839 và được đánh giá là một trong những nghĩa trang đẹp nhất thế giới.

Sau hàng trăm năm hoạt động, nghĩa trang đã trở thành mái nhà của rất nhiều tên tuổi lớn và trở thành một trong những di sản nổi tiếng ở Anh. Trong thời gian đó, nơi đây bị thiên thiên tàn phá nhưng được con người tân trang, sửa chữa. Hiện, nghĩa trang Highgate trở thành một địa điểm nổi tiếng với hệ động thực vật phong phú, các con đường, hầm mộ, lăng mộ được tạo tác theo phong cách gothic thời đại Nữ hoàng Victoria cũng như chịu sự ảnh hưởng của văn hóa Ai Cập. Một số truyền thuyết còn nói rằng, nghĩa trang này là nơi ma cà rồng khát máu sinh sống. Chính vì vậy, nơi này càng trở nên đặc biệt, nổi tiếng gần xa và thu hút số lượng lớn khách du lịch đổ về thăm thú.

Nghĩa trang cũ của người Do Thái ở Prague, Cộng hòa Séc là nơi yên nghỉ của hơn 100.000 người. Với số lượng lớn như vậy, các ngôi mộ được đặt san sát nhau và hầu như không có chỗ trống.

Năm 1439, giáo sĩ, thi sĩ mang tên Rabbi Avigdor Kara là người đầu tiên được chôn cất tại nghĩa trang này. Thêm vào đó, đây cũng là nơi an nghỉ của nhiều nhân vật nổi tiếng khác như Mordecai Maisel năm 1601, Giáo sĩ Giu-đa Loew năm 1609, David Gans năm 1613 và David Oppenheim năm 1736. Trên mỗi bia mộ chỉ khắc những ghi chú nhỏ, rất ngắn gọn về thân thế, tên tuổi... của người quá cố. Ngoài ra, các ngôi mộ ở đây đều không đặt hoa ở bên cạnh. Khách du lịch muốn thăm thú nghĩa trang có thể mua vé tại các cơ sở của người Do Thái.

Nghĩa trang Novodevichy ở Thủ đô Moscow, Nga là một trong những địa điểm hút khách du lịch. Đây cũng là nghĩa trang nổi tiếng nhất ở Moscow. Nó là một phần của tu viện Novodevichy được xây dựng từ thế kỷ XVI. Năm 2004, nghĩa trang Novodevichy được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Kể từ năm 1898, hàng loạt nhân vật có tiếng tăm trong xã hội như Anton Chekhov, Gherman Titov hay Tổng thống đầu tiên của Liên bang Nga Boris Yeltsin... được chôn cất tại nơi đây.

Hiện nghĩa trang Novodevichy là nơi an nghỉ của hơn 27.000 ngôi mộ của các nhà văn xuất sắc, diễn viên, nhà thơ, nhà khoa học, chính trị gia và các nhà lãnh đạo quân sự của Nga. Nghĩa trang này được thiết kế giống như một công viên với các nhà nguyện nhỏ và một số tác phẩm điêu khắc lớn.

9.389 binh sĩ Mỹ được chôn chất tại nghĩa trang lính Mỹ Normandy ở Colleville-sur-Mer, Pháp. Họ đã tử trận trong các cuộc chiến tranh ở châu Âu từ năm 1941 - 1945. Trong số đó, đa phần hy sinh trong cuộc đổ bộ Normandy nổi tiếng lịch sử của quân Đồng minh tấn công phát xít Đức.

Nghĩa trang lính Mỹ Normandy ở Pháp có một đài tưởng niệm vô cùng công phu, hoành tráng và là nơi an nghỉ của con trai Tổng thống Roosevelt là binh sĩ Theodore Roosevelt Jr. Điểm đặc biệt của nghĩa trang này là tất cả các ngôi mộ đều xây dựng theo hướng Tây. Bởi lẽ, hướng đó chỉ về nước Mỹ - tổ quốc thân yêu của những binh sĩ Mỹ tử trận khi tham chiến tại nước ngoài. Do sự nổi tiếng của nghĩa trang này, nó đã xuất hiện trong một số bộ phim như "The Omen", "Saving Private Ryan".

Pere-Lachaise ở Paris, Pháp vừa là nghĩa trang vừa là công viên. Hàng năm, nơi đây đón tiếp khoảng 2 triệu khách du lịch. Alexandre Théodore Brongniart là kiến trúc sư thiết kế công trình đặc biệt này. Sau đó, người ta tiếp tục tu sửa và mở rộng nghĩa trang khiến nó trở thành nơi trú ngụ của hàng trăm loài mèo hoang và hàng nghìn loài chim.

Khoảng 70.000 người được chôn cất tại nghĩa trang này. Trong đó có nhiều nhân vật lừng danh thế giới như Molìere, La Fontaine, Abelard, Eloisa, Maria Callas, George Mélìes, Oscar Wilde, Frédéric Chopin, Jim Morrison...

Nhật Anh (tổng hợp)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/5-nghia-trang-hut-khach-nhat-the-gioi-254183.html