5 nữ đại gia Việt cùng chia nhau gần 2 nghìn tỷ sau khi bán công ty là ai?

5 nữ đại gia cùng 2 người khác sẽ chia nhau 1.800 tỷ đồng sau khi bán công ty của mình cho phía doanh nghiệp Nhật Bản.

Theo Reuters, tháng 5 tới đây, Tập đoàn Hóa chất Nhật Bản Earth Chemical sẽ hoàn tất thương vụ mua 100% cổ phần CTCP Á Mỹ Gia, một doanh nghiệp chuyên về kinh doanh hóa mỹ phẩm với giá 8,9 tỷ yen (hơn 1,8 ngàn tỷ đồng).

Theo Cafef/Trí thức trẻ, Á Mỹ Gia có vốn điều lệ 15 tỷ đồng, tương đương đã được mua lại với giá 1,2 triệu đồng/cp. Doanh nghiệp này được thành lập vào năm 2003, có nhà máy tại Bình Dương với các sản phẩm chính là hóa phẩm tẩy rửa và vệ sinh gia dụng với các thương hiệu Gift, Ami, Redfoxx.

Cơ cấu cổ đông của CTCP Á Mỹ Gia. Ảnh: Cafef/Trí thức trẻ

Các dòng sản phẩm của công ty được chia thành 3 nhóm chính là chăm sóc nhà cửa (nước tẩy rửa toilet, phòng tắm, viên tẩy bòn cầu, kem tẩy, nước rửa chén...); sản phẩm chăm sóc không gian (bình xịt thơm phòng, sáp thơm khử mùi) và các sản phẩm khác như bình xịt côn trùng, bột phân hủy vi sinh.

Năm 2016, Á Mỹ Gia đạt 351 tỷ đồng doanh thu và 37 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng trưởng nhẹ so với năm 2015.

Danh sách cổ đông sáng lập của AMG gồm 7 người và toàn bộ số cổ phần của Á Mỹ Gia do 7 người này nắm giữ. Trong đó, 2 cổ đông lớn nhất là bà Trần Thị Nguyệt Anh bà Phạm Thị Hồng Nhung, mỗi người sở hữu 23,4%. Đứng thứ 2 là bà Nguyễn Thị Lệ với 21,4%.

Vietnamnet cho hay, trước đó, hàng loạt các tập đoàn nước ngoài đến từ Nhật, Thái Lan, Ấn Độ,... đã thâu tóm nhiều doanh nghiệp Việt có tiềm năng, nổi bật như các thương hiệu: Daina (băng vệ sinh), X-Men (dầu gội), Prime (gạch xây dựng),...

Gần đây, Tập đoàn SCG (Thái Lan) cũng vừa bỏ ra 156 triệu USD mua lại một công ty xi măng tại miền trung Việt Nam sau khi đã mua Prime với giá gần 5.000 tỷ đồng hồi 2012 và mua các DN nhựa hàng đầu Việt Nam.

Theo Vietnamnet, hầu hết các tập đoàn nước ngoài chi hậu hĩnh cho các thương vụ thâu tóm nói trên. Mức giá thường cao gấp nhiều lần so với doanh nghiệp cùng ngành. Tuy nhiên, đây thường là các thương hiệu hàng đầu và chiếm thị phần lớn tại Việt Nam. Nhiều thương hiệu sau đó trở thành đế chế với thị phần gần như tuyệt đối tại thị trường nội địa như Colgate, P/S hay Diana.

Hà Thúy (T/h)

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/5-nu-dai-gia-viet-cung-chia-nhau-1800-ty-sau-khi-ban-cong-ty-d118830.html