5 thiết giáp hạm có tầm ảnh hưởng lớn nhất lịch sử (2)

Dreadnought đánh dấu một giai đoạn mới trong thời đại thiết giáp hạm. Các con tàu ra đời sau nó dần đạt đến sức mạnh tối đa.

4. HMS Invincible

Thiết giáp hạm Invincible.

Có một sự thật lịch sử thú vị, Sir Jackie Fisher được coi là người quan trọng nhất trọng nhất trong chương trình Dreadnought (phần 3, kỳ 1 - PV) nhưng ngay từ đầu, ông ta lại muốn phủ nhận tương lai của “đứa con” này. Vị Đô đốc tin rằng nước Anh sẽ được bảo vệ bởi các tuần dương hạm bọc thép chứ không phải các thiết giáp hạm.

Fisher quan tâm tới sự phát triển các đội tàu tuần dương bọc thép, đặc biệt là tại Pháp, đánh giá cao mối nguy hiểm từ chúng và cho rằng nước Anh cần phải có một lực lượng đối đầu tương ứng mạnh mẽ hơn để át chế đối thủ.

Sự khác biệt giữa những tuần dương hạm bọc thép này với thiết giáp hạm chủ lực ở chỗ chúng có kích thước tương đương nhau, có sử dụng dàn pháo đồng hạng nhưng tuần dương hạm bỏ đi đai giáp trụ dày để đánh đổi lấy khả năng tốc độ, linh hoạt. Ý tưởng của Fisher là các tuần dương hạm bọc thép sẽ hoạt động dưới sự chỉ đạo, vạch đường của mạng lưới thông tin chiến tranh toàn cầu của Hải quân Hoàng gia, tín hiệu radio được gửi đi để điều khiển những con tàu từ rất xa, chúng sẽ tấn công những mục tiêu được chỉ định trên toàn cầu.

Con tàu đầu tiên được tạo ra từ ý tưởng này chính là HMS Invincible, hạ thủy hồi tháng 4/1907. Con tàu được phân lớp là tuần dương thiết giáp (battlecruiser) thực ra có quan hệ rất gần gũi với những chiếc thiết giáp hạm như Dreadnought.

Tàu có lượng dãn nước tối đa khoảng 20.800 tấn, dài 173m, rộng 24m. Động cơ là bốn turbine hơi nước, tổng công suất thiết kế 41000 mã lực. Như vậy là nó có kích thước tương đương nhưng công suất động cơ được tăng lên gần gấp đôi so với Dreadnought, không khó hiểu khi tốc độ tối đa của tàu này có lên đến 25,5 hải lý/giờ.

Ở chiều ngược lại, vỏ giáp của tàu bị giảm đi gần một nửa so với thiết giáp hạm, đai giáp chính chỉ dày 150mm, dự trữ hành trình cũng bị giảm đi, còn chưa tới 6.000km. Invincible mang 8 khẩu pháo cỡ nòng 305mm so với 10 khẩu trên Dreadnought, các dàn hỏa lực phụ trợ cũng ít hơn. Như vậy, so với các tàu tuần dương hạm bọc thép trước đó, tuần dương thiết giáp Invincible là một cuộc cánh mạng về kích thước, hỏa lực và tốc độ nhưng vỏ giáp thì không có nhiều thay đổi.

HMS Invincible bung hết tốc lực, vốn là điểm mạnh của nó trong trận Falkland.

Không lâu sau khi được hạ thủy, Invincible và 2 tàu khác cùng lớp với nó được nâng cấp lại nhiều thứ để lao vào cuộc Chiến tranh Thế giới thứ 1. Các cuộc đối đầu giữa thiết giáp hạm của Anh và Đức xảy ra liên tục trong và sau năm 1914.

Cuối năm đó, Invincible với vai trò là soái hạm, đã cùng với người anh em của nó là Inflexible dẫn đầu một hải đội Hoàng gia đi tiêu diệt Hải đội Đông Á của Đức. Đó là một trận chiến phục thù cho một hải đội trước đó của Anh. Cuộc chiến đã bùng nổ trên khu vực quần đảo Falkland. Tại đây, lớp Invincible đã thể hiện được ưu thế tuyệt vời về khả năng cơ động, tốc độ. Hai chiếc tàu thuộc lớp này nã hơn 1.000 quả đạn pháo hủy diệt hải đội Đức.

Sự ra đời của lớp tàu chiến “kiểu lai” Invincible tiếp tục khơi mào cho một cuộc chạy đua vũ trang mới giữa những lực lượng hải quân vốn đang gầm ghè hơn thua nhau. Tuy nhiên thì các tuần dương thiết giáp như Invincible và những thế hệ sau của nó đã không bao giờ có được một vai trò như Jackie Fisher mong mỏi.

Điểm yếu chết người của tuần dương thiết giáp là bộ giáp mỏng manh của chúng không thể chịu nổi cỡ pháo mà chính chúng mang theo. Thảm họa lớn nhất xảy ra là ở trận Jutland khi đội tuần dương thiết giáp Anh gồm Invincible, Queen Mary và Indefatigable bị các tàu chiến Đức bắn nổ tung. Trong khi các tuần dương của Đức như Von der Tann, Derfflinger vốn có vỏ thép dày đã sống sót được sau khi dính hàng chục quả đạn pháo. Sau đó các tuần dương thiết giáp đều được gia cố thêm vỏ giáp dày, chính việc này khiến ranh giới vốn mờ mịt giữa chúng với các thiết giáp hạm nguyên thủy ngày càng thêm mờ mịt.

5. HMS Hood

Hood thuộc lớp Admiral hạ thủy năm 1918, niềm kiêu hãnh của Hải quân Hoàng gia là chiến hạm chủ lực cuối cùng của nước Anh thời Chiến tranh thế giới thứ 1. Nó được đặt lườn như một tuần dương thiết giáp đúng vào thời gian xảy ra trận Jutland và từ bài học xương máu đó, Hải quân Hoàng gia đã sửa lại thiết kế để tăng khả năng bảo vệ cho con tàu.

Như đã đề cập trong phần về HMS Invincible, việc gia cố vỏ giáp cho tàu tuần dương thiết giáp khiến ranh giới giữa chúng và các thiết giáp hạm gần như bị xóa nhòa. Vì vậy HMS Hood được gọi thiết giáp hạm nhanh khi có đai giáp dày tới 305mm mà vẫn giữ được tốc độ tối đa tới 31 hải lý/giờ.

Đây là xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển thiết kế tàu chiến trước khi tên lửa đối hạm ra đời. Vỏ giáp phải tương xứng với kích thước và sức mạnh hỏa lực của con tàu. Thực ra, nhiều người đã nhìn thấy điểm yếu của những tuần dương thiết giáp vỏ mỏng ngay từ khi chúng ra đời, nhưng việc nâng cấp vỏ giáp mà vẫn duy trì được độ nhanh nhẹn cần một khoản kinh phí khổng lồ. Điều đó đã làm chậm quá trình áp dụng các thiết kế tối ưu và chỉ sau những trận chiến như Jutland thì các nhà cầm quyền mới chịu mạnh tay.

Hood có lượng dãn nước tối đa tới 47.500 tấn, dài 262m, rộng 32m. Tàu sử dụng 4 turbine hơi nước hộp số tổng công suất 14.4000 mã lực, dự trữ hành trình gần 9.900km. Hỏa lực chủ công là 8 pháo 380mm đặt trên 4 tháp pháo nòng đôi vận hành bằng thủy lực. Đây là một thiết kế thực sự đồ sộ so với tất cả những tuần dương thiết giáp trước đó.

Thiết kế của Hood cũng đã định hướng sự phát triển của các tàu chiến chủ lực dựa trên sức mạnh pháo hạm sau này.

Khi cuộc Chiến tranh Thế giới thứ 2 bùng nổ, HMS Hood với vai trò một soái hạm ở khu vực Đại Tây Dương đã dẫn theo các hải đội thiết giáp Anh một lần nữa đối đầu với tàu chiến Đức.

Tuy nhiên, trong trận chiến ở eo biển Đan Mạch diễn ra ngày 24/5/1941, HMS Hood đã bị thiết giáp hạm Bismarck Đức Quốc Xã đánh chìm.

Với người Anh, sự việc này là không thể chấp nhận, niềm kiêu hãnh của họ bị xúc phạm. Hải quân Hoàng gia nắm giữ sức mạnh của vương quốc này và HMS Hood chính là biểu tượng cho hải quân.

Winston Churchill ngay lập tức hạ lệnh bằng mọi giá phải tiêu diệt cho được Bismarck. Nước Anh dồn lực để truy tìm chiếc chiến hạm Đức. Hai ngày sau nó đã bị phát hiện ở một vùng biển thuộc Pháp. Cuộc đối đầu quá chênh lệch, Bismarck phải hứng chịu cơn mưa đạn pháo, bom và ngư lôi từ lực lượng chiến hạm, phi cơ đông đảo của Anh. Nó nhanh chóng thất thế dù thủy thủ đoàn đã chiến đấu hết sức ngoan cường. Thiết giáp hạm của Đức chìm sáng ngày 27/5. Cho đến những giây phút cuối cùng, Bismarck vẫn giương cao cờ hiệu của mình.

HMS Hood nổ tung trong trận chiến giữa các thiết giáp hạm của Anh và Đức tại eo biển Đan Mạch năm 1941. Tàu bên cạnh là HMS Prince of Wales. Tranh của J.C. Schmitz-Westerholt.

Việc nước Anh đóng góp tới 4/5 tàu chiến trong danh sách là không hề thiên vị mà dựa trên những số liệu khách quan. Thời đại thiết giáp hạm cũng là thời đại Hải quân Hoàng gia thống trị đại dương. Số thiết giáp hạm nước Anh đóng chiếm 1/3 lượng thiết giáp hạm thế giới, không những thế, chúng thường vượt trội về mặt kỹ thuật và công nghệ so với những đối thủ cùng thời.

Anh Trần

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/quan-su/5-thiet-giap-ham-co-tam-anh-huong-lon-nhat-lich-su-2-391710.html