50 ca đột quỵ nhập viện mỗi ngày, chuyên gia chỉ 3 cách phòng ngừa

Mỗi ngày Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận khoảng 50 bệnh nhân đột quỵ, trong đó chỉ 20% tận dụng được thời gian vàng.

Thông tin trên được nêu ra tại sự kiện Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) khánh thành công trình cải tạo Trung tâm Đột quỵ vào chiều 6-5.

Theo các chuyên gia, đột quỵ là nguyên nhân thường gặp thứ hai gây tử vong tại Việt Nam. Trong số người sống sót sau đột quỵ, tỉ lệ bị khuyết tật ở mức cao.

Chỉ 20% tận dụng được thời gian vàng

Theo PGS Mai Duy Tôn - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, mỗi ngày nơi đây tiếp nhận khoảng 50 bệnh nhân đột quỵ, trong đó chỉ 20% tận dụng được thời gian vàng. Tỉ lệ này đã tăng lên so với trước đó, nhưng so với nhiều trung tâm trên thế giới thì vẫn còn thấp.

PGS Mai Duy Tôn cho biết thêm, thời gian qua Trung tâm Đột quỵ đã triển khai và thúc đẩy mạnh mẽ cấp cứu đột quỵ cấp, phối hợp với các viện, trung tâm, khoa phòng trong bệnh viện để phát triển nhiều kỹ thuật cao về can thiệp đột quỵ hiện nay đã trở thành thường quy.

Các kỹ thuật được thực hiện thường quy như tiêu huyết khối, lấy huyết khối cơ học, mở sọ giảm áp cho người bệnh đột quỵ thiếu máu não, các phẫu thuật mở sọ lấy máu tụ, các kỹ thuật hồi sức sọ não chuyên sâu như dẫn lưu não thất, theo dõi áp lực nội sọ, đo oxy não...

Đặc biệt, có những phương pháp mới, cho phép mở rộng thời gian can thiệp mạch để tái thông mạch cho bệnh nhân đột quỵ trong 24 giờ đầu.

Mỗi ngày, Trung tâm Đột quỵ tiếp nhận khoảng 50 bệnh nhân. Ảnh: TT

3 khuyến cáo tầm soát, phòng ngừa đột quỵ

Theo PGS Mai Duy Tôn, hiện nay nhiều người vẫn tin các kinh nghiệm truyền miệng, sơ cứu bệnh nhân đột quỵ sai cách như chích máu đầu ngón tay, chích máu tai, cho người bệnh dùng các loại thuốc an cung... mà bỏ qua thời gian vàng đến viện.

Với những yếu tố như huyết áp, mỡ máu, tiểu đường, béo phì, thói quen hút thuốc... bệnh đột quỵ hiện đang có xu hướng trẻ hóa.

Để tầm soát và phòng ngừa đột quỵ, nhất là ở người trẻ, bác sĩ Tôn khuyến cáo người dân nên thường xuyên tập luyện, vận động, kiểm soát cân nặng, từ bỏ thói quen hút thuốc và thói quen ăn uống không lành mạnh.

Cạnh đó, lưu ý tầm soát các yếu tố nguy cơ của đột quỵ như tim mạch, huyết áp, mỡ máu, tiểu đường…

Khi có một trong các biểu hiện của đột quỵ (giảm thị lực, yếu tay chân, nói ngọng, nói khó, đau đầu, chóng mặt) cần đến ngay các đơn vị điều trị đột quỵ để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Bác sĩ Tôn cho biết thêm, mới đây Trung tâm Đột quỵ đã trình Bộ Y tế ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị đột quỵ. Đây là hướng dẫn cập nhật mới nhất những tiến bộ của thế giới về chẩn đoán, điều trị đột đột, giúp cho việc điều trị đột quỵ tại Việt Nam tiếp cận với thế giới.

Khi được ban hành, hướng dẫn này sẽ là tài liệu hướng dẫn kỹ thuật chuyên môn cho y bác sĩ chuyên ngành đột quỵ các tuyến, đồng thời đây cũng là cơ sở pháp lý cho BHYT thanh toán trong thăm khám, triển khai kỹ thuật, thủ thuật về đột quỵ.

Công trình cải tạo Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai được khởi công ngày 21-9-2023. Công trình được xây mới mở rộng 3 tầng, với tổng diện tích sàn là 279 m2 trên tổng diện tích đất xây dựng 206 m2. Tổng số kinh phí cải tạo, xây mới của công trình là khoảng 9,5 tỉ đồng.

Sau cải tạo, hiện Trung tâm Đột quỵ có 60 giường bệnh để phục vụ bệnh nhân.

Theo Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ, việc đưa vào sử dụng công trình cải tạo Trung tâm Đột quỵ không chỉ là thêm giường bệnh, phòng can thiệp mà còn giúp vận chuyển bệnh nhân dễ dàng hơn vì đã được trang bị thêm hệ thống thang máy.

Cùng với đó, sau cải tạo, trung tâm có thêm phòng thủ thuật khoan sọ để dẫn lưu não thất trong các trường hợp tối cấp bệnh nhân tràn ngập máu không kịp phẫu thuật.

Lúc này, các bác sĩ sẽ dùng máy khoan để khoan máu ra, bệnh nhân sau đó chuyển lên phòng mổ. Thay vì trước đây, thủ thuật này phải làm tại vị trí ngoài trung tâm.

Thanh Thanh

Nguồn PLO: https://plo.vn/chuyen-gia-chi-ra-3-cach-phong-ngua-dot-quy-o-nguoi-tre-post789254.html