50 năm ASEAN: Thống nhất trong đa dạng vì hòa bình và phát triển

Ngày 8-8-2017 đánh dấu mốc kỷ niệm vàng 50 năm hình thành và phát triển Hiệp hội các quốc gia Đông - Nam Á (ASEAN), nay là Cộng đồng ASEAN. 50 năm không phải là thời gian quá dài nhưng với một khu vực đa dạng về thể chế chính trị, văn hóa và trình độ phát triển kinh tế, những thành tựu mà ASEAN đạt được đã và đang giúp Cộng đồng ASEAN ngày càng phát triển vững chắc và mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho mỗi người dân trong khu vực.

Nhân dịp này, Tổng Thư ký (TTK) ASEAN Lê Lương Minh dành riêng cho báo Nhân Dân điện tử bài trả lời phỏng vấn nhìn lại chặng đường 50 năm của ASEAN và những dấu ấn đóng góp của Việt Nam vào nỗ lực chung của cộng đồng.

Phóng viên: Qua 50 năm hình thành và phát triển, ASEAN đạt nhiều thành tựu quan trọng về chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội. Theo đánh giá của Tổng Thư ký, trong 50 năm đó, thành tựu nào có ý nghĩa quan trọng nhất đối với Cộng đồng ASEAN và người dân trong khu vực?

TTK Lê Lương Minh: Từ một hiệp hội sơ khai trong khu vực phức tạp với những mâu thuẫn nội bộ và sự đối đầu của nhiều cường quốc, ASEAN đã tồn tại và phát triển trong hơn năm thập kỷ qua, trở thành một nhân tố không thể thiếu và đóng góp quan trọng cho hòa bình và thịnh vượng ở khu vực Đông-Nam Á và thế giới. ASEAN hiện nay được công nhận rộng rãi là một hình mẫu thành công của chủ nghĩa khu vực trên ba mặt then chốt: hòa bình và an ninh khu vực, hội nhập kinh tế và xây dựng thể chế.

Thành công quan trọng nhất của ASEAN cho đến nay là việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Đông - Nam Á thông qua thúc đẩy quan hệ hòa bình giữa các quốc gia thành viên. Từ khi ASEAN mới thành lập, chiến tranh giữa các nước thành viên là điều “không bao giờ có” mặc dù có những tranh chấp nhất định, mâu thuẫn và cả những va chạm nhỏ. Hầu hết những vấn đề này đều được ngăn chặn, hóa giải và giải quyết. ASEAN được xem như là một bộ phận điều tiết an toàn trong ngăn chặn những khác biệt song phương không bị biến thành các điểm nóng.

“Từ khi ASEAN mới thành lập, chiến tranh giữa các nước thành viên là điều “không bao giờ có” mặc dù có những tranh chấp nhất định, mâu thuẫn và cả những va chạm nhỏ... ASEAN được xem như là một bộ phận điều tiết an toàn trong ngăn chặn những khác biệt song phương không bị biến thành các điểm nóng".

Để duy trì được hòa bình, ASEAN đã chủ động thúc đẩy cấu trúc khu vực dựa trên luật lệ trong đó tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều cùng tồn tại và tôn trọng độc lập dân tộc, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trên cơ sở công bằng, trong khuôn khổ các nguyên tắc và chuẩn bị được công nhận của luật pháp quốc tế. Hướng tới mục tiêu này, ASEAN đã xây dựng các công cụ quan trọng nhằm đề cao các nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình và giải quyết ôn hòa các tranh chấp giữa các thành viên cũng như các nước bên ngoài. Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác, văn kiện ASEAN đầu tiên, đã được công nhận rộng rãi như là bộ quy tắc ứng xử trong quan hệ liên quốc gia ở khu vực Đông - Nam Á. Đã có 25 bên tham gia ký kết ngoài ASEAN tham gia Hiệp ước, bao gồm tất cả các cường quốc lớn. Ngoài TAC, Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) cũng là một văn kiện quan trọng khác tạo khuôn khổ căn bản cho ASEAN và Trung Quốc nhằm xoa dịu căng thẳng, ngăn chặn xung đột và gây dựng niềm tin vốn có thể bị xói mòn bởi các hành động đơn phương chống lại các nguyên tắc hòa bình, ổn định, đối thoại và hợp tác ở Biển Đông.

Để tăng thêm hiệu quả của DOC, ASEAN đang tăng cường đối thoại với Trung Quốc hướng tới sớm kết thúc đàm phán xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử (COC) có khả năng ngăn chặn và quản lý xung đột. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ trong xây dựng chuẩn mực, lòng tin và gặp gỡ thường xuyên giữa các nhà lãnh đạo và quan chức khu vực của các thành viên, các tiến trình ASEAN đã tạo dựng được thói quen tham vấn và ý thức đoàn kết. Sự ngờ vực và đối địch dần nhường chỗ cho lòng tin và tinh thần hợp tác nhờ sự đồng lòng của tất cả thành viên, không phân biệt lớn hay nhỏ, cùng tuân thủ các quy tắc ứng xử của ASEAN. Thành tựu đó là kết quả của những quyết định dũng cảm và nỗ lực không mệt mỏi của tất cả thế hệ các Nhà Lãnh đạo ASEAN nhằm vun đắp hòa bình và đẩy lùi chiến tranh.

Tổng sản phẩm nội địa theo giá hiện hành của các quốc gia ASEAN năm 2016. (Nguồn: World Bank)

Với việc đề cao nguyên tắc an ninh tập thể, ASEAN đã nâng hợp tác khu vực trong ứng phó các thách thức an ninh phi truyền thống, bao gồm tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố, quản lý thiên tai, ma túy, dịch bệnh… Các thách thức xuyên biên giới này đang gia tăng cả về quy mô, tác động và cường độ do sự kết nối ngày càng cao trong khu vực. Các vấn đề an ninh phi truyền thống là mục tiêu then chốt trong đàm phán chính sách và hợp tác thực chất trong nhiều cơ chế của ASEAN và do ASEAN dẫn dắt như Hội nghị Bộ trưởng các vấn đề ma túy ASEAN (AMMD), Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Tội phạm xuyên quốc gia (AMMTC), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) và ADMM Mở rộng, và Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF).

Về kinh tế, trong tiến trình hội nhập kinh tế của mình, ASEAN đã triển khai nhiều sáng kiến cụ thể ở cấp quốc gia và khu vực, từ việc xóa bỏ thuế nhập khẩu nội khối, dần mở cửa ngành dịch vụ đến đơn giản hóa các tiến trình thương mại xuyên biên giới, bao gồm các thủ tục hải quan và xuất xứ nguồn gốc, hài hòa các tiêu chuẩn kỹ thuật và các thỏa thuận công nhận lẫn nhau. Môi trường đầu tư và kinh doanh trong khu vực ASEAN tiếp tục được thúc đẩy thông qua việc áp dụng các khuôn khổ chung, các sáng kiến thúc đẩy sáng tạo, và hợp tác chung trong các lĩnh vực như chính sách cạnh tranh, luật sở hữu trí tuệ và bảo vệ người tiêu dùng. Sự phát triển của các chuỗi giá trị toàn cầu đã góp phần hỗ trợ thông qua việc tăng cường kết nối, cải thiện giao thông vận tải và xây dựng các mạng lưới cơ sở hạ tầng khác.

Với tư cách là một tổ chức khu vực có hầu hết các hiệp định thương mại tự do với tất cả các đối tác kinh tế và thương mại lớn, ASEAN đang đóng góp các nỗ lực hội nhập kinh tế nội khối của mình vào các tiến trình liên kết chiến lược toàn cầu, thông qua củng cố các hiệp định thương mại tự do và quan hệ đối tác kinh tế toàn diện mới, nhất là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Các nỗ lực cũng đang được triển khai trên nhiều sáng kiến lớn như cơ chế Một cửa ASEAN, Hệ thống thông quan và tự chứng nhận.

Những thành tựu và tiến bộ này đã đem lại lòng tin kinh doanh trong khu vực. Nhiều khảo sát cho thấy kỳ vọng gia tăng trong nâng cao thương mại và đầu tư ASEAN và khẳng định hơn nữa tầm quan trọng của ASEAN đối với thương mại toàn cầu.

“Vai trò trung tâm của ASEAN trong định hình cấu trúc khu vực được xây dựng trên cơ sở các tiến trình do ASEAN dẫn dắt, bao gồm thông qua củng cố các cơ chế do ASEAN dẵn dắt như ASEAN+1, ASEAN+3, EAS, ARF, ADMM+.”

Mặc dù Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đang trong tiến trình xây dựng, những lợi ích tiềm năng của một thị trường chung và khu vực sản xuất thống nhất là rất to lớn. Với tổng GDP khoảng 2,6 nghìn tỷ USD, ASEAN là nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới và thứ ba ở châu Á. ASEAN là mái nhà chung của 634 triệu người dân trong năm 2016, hơn một nửa trong số đó dưới 30 tuổi, được xem là thị trường lớn thứ ba thế giới. Nếu có thể tiếp tục duy trì động lực tăng trưởng, ASEAN sẽ sớm đạt được mục tiêu là nền kinh tế lớn thứ tư của thế giới vào năm 2050.

Trong bối cảnh khu vực châu Á-Thái Bình Dương còn thiếu một khuôn khổ khu vực bao trùm do những vận động phức tạp của lịch sử trong quan hệ của các cường quốc lớn, các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như Diễn đàn khu vực ASEAN, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng, với tầm quan trọng chiến lược riêng, đều đang đóng vai trò là các cơ chế cần thiết để các cường quốc và các nước khác trong khu vực tham gia đối thoại, hợp tác về chính trị-an ninh trên các vấn đề chiến lược cùng lợi ích và quan tâm, từ vấn đề không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt đến an ninh biển, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó nhân đạo đến các tranh chấp ở Biển Đông…

Thông qua cơ chế EAS và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt khác, ASEAN đã và đang bảo đảm vai trò trung tâm của mình trong duy trì cân bằng chiến lược ở khu vực, tối đa hóa động lực và không gian trong quan hệ với các nước lớn mà lợi ích và ưu tiên chưa song trùng với nhau và với ASEAN, và đóng góp cho việc xây dựng một trật tự khu vực dựa trên luật pháp.

Phóng viên: Một trong những thành công của ASEAN là việc tạo ra nhiều cơ chế hợp tác đa dạng, từ các vấn đề chuyên ngành đến các vấn đề chiến lược trong khu vực, trong đó ASEAN đóng vai trò trung tâm và định hướng xây dựng các chương trình nghị sự đối thoại, hợp tác với các đối tác hoặc liên đối tác. Quan điểm của ASEAN như thế nào về vai trò trung tâm của ASEAN thời gian tới, khi nhiều đối tác ngày càng tham gia sâu vào các cơ chế ở khu vực và đưa ra nhiều đề xuất mới?

TTK Lê Lương Minh: ASEAN đã và đang duy trì sự gắn kết của mình trong bối cảnh phải đối mặt với môi trường địa chính trị và địa chiến lược ngày càng khó dự đoán trong khu vực và toàn cầu cũng như sự gia tăng can thiệp của các cường quốc nhằm tăng cường ảnh hưởng và tái định hình cấu trúc khu vực. Để lôi kéo các cường quốc với nhiều lợi ích khác biệt, ASEAN phải đủ khả năng duy trì vai trò trung tâm của ASEAN nhằm bảo đảm Cộng đồng tiếp tục đóng vai trò là một chủ thể hiệu quả trong duy trì hòa bình, ổn định và một môi trường thuận lợi để hiện thực hóa các tầm nhìn xây dựng Cộng đồng và hội nhập của mình. Vai trò trung tâm của ASEAN trong định hình cấu trúc khu vực được xây dựng trên cơ sở các tiến trình do ASEAN dẫn dắt, bao gồm thông qua củng cố các cơ chế do ASEAN dẵn dắt như ASEAN+1, ASEAN+3, EAS, ARF, ADMM+. Theo đó, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã thông qua và đưa vào triển khai Kế hoạch công tác ASEAN về duy trì và tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN từ tháng 9-2015. Đây được xem là bản hướng dẫn chiến lược nhằm bảo đảm vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực trước bối cảnh nhiều bất ổn gia tăng trong nền địa chính trị.

Lễ ký kết nạp Việt Nam gia nhập ASEAN năm 1995 tại Brunei. (Ảnh tư liệu)

Phóng viên: Thời gian vừa qua, thế giới đã chứng kiến sự nổi lên chủ nghĩa dân túy và sự kiện Anh rút khỏi Liên hiệp châu Âu khiến nhiều người hoài nghi về tính bền vững của các mô hình liên kết, hợp tác khu vực. Vậy theo Tổng thư ký, ASEAN đã rút ra được bài học gì từ những vấn đề và sự kiện trên để định hướng củng cố Cộng đồng ASEAN thời gian tới?

TTK Lê Lương Minh: Vấn đề lớn nhất hiện nay là toàn cầu hóa, một xu hướng vốn không thể đảo ngược, hiện đang bị đe dọa. Theo đó, ASEAN không thể xem nhẹ mối đe dọa đối với toàn cầu hóa và thương mại tự do, nhất là khi khu vực gắn liền sâu sắc với các chuỗi giá trị toàn cầu. ASEAN có thể rút ra nhiều bài học hữu ích cho chương trình nghị sự về hội nhập kinh tế khu vực của mình.

Thứ nhất, nhận thức của công chúng có ý nghĩa quan trọng. Những gì đang diễn ra về toàn cầu hóa và thương mại tư do phần nào khiến dư luận hiểu nhầm về nguyên nhân nội tại của các vấn đề đó: từ thất nghiệp, thiếu việc làm đến bất bình đẳng… Điều này nêu bật tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức, tăng cường hiểu biết, tuyên truyền đối ngoại và thay đổi những hiểu nhầm về chương trình nghị sự hội nhập của ASEAN. Hội nhập khu vực không phải là phương thuốc chữa bách bệnh, cũng không phải là nguyên nhân gây ra các vấn đề nội khối phức tạp. Người dân và những đối tượng liên quan cần có những hiểu biết căn bản và thông tin cần thiết đâu là các trình tự của hội nhập khu vực. Từ đó, cần thiết phải có các nỗ lực không ngừng nghỉ để đưa tới người dân những thông tin chính xác. Việc thúc đẩy và nâng cao nhận thức về ASEAN tiếp tục là vấn đề quan trọng trong nỗ lực hiện thực hóa một cộng đồng hướng đến người dân và lấy người dân làm trung tâm.

“Là một thành viên tích cực và có trách nhiệm, với những kinh nghiệm đã có, tôi tin rằng Việt Nam sẽ tiếp tục đạt được những thành quả lớn hơn trong tiến trình hội nhập khu vực của mình, đóng góp hơn nữa cho tăng trưởng và sự lớn mạnh của Cộng đồng ASEAN”.

Thứ hai, để hội nhập khu vực được bền vững, tiến trình này cần bảo đảm tính toàn diện và mang lại những lợi ích thiết thực cho tất cả các bên liên quan. Theo đó, cần thông qua một tiến trình tham vấn và tạo cơ hội cho từng cá nhân tham gia vào quá trình phát triển và triển khai chương trình nghị sự.

Phóng viên: Có thể ví mỗi quốc gia thành viên trong ASEAN là một viên gạch vững chắc để hình thành và củng cố “ngôi nhà chung” ASEAN 50 năm qua. Tổng thư ký đánh giá như thế nào về vai trò và đóng góp của Việt Nam trong hơn 20 năm là thành viên “chủ động, tích cực và có trách nhiệm” của ASEAN?

TTK Lê Lương Minh: Việt Nam gia nhập ASEAN năm 1995 là một dấu mốc quan trọng đối với Việt Nam và Hiệp hội. Trong suốt hơn 22 năm là thành viên và hai lần đảm nhiệm cương vị Chủ tịch, Việt Nam đã thể hiện là thành viên đóng góp tích cực cho tiến trình hội nhập và xây dựng Cộng đồng ASEAN. Tất cả các thành tựu lớn của ASEAN đều có dấu ấn đóng góp của Việt Nam như việc tham gia đã giúp hiện thực hóa nguyện vọng đoàn kết tất cả các nước thành viên Đông - Nam Á dưới một mái nhà; việc xây dựng và thông qua Tuyên bố Hà Nội về thu hẹp khoảng cách phát triển năm 2001, Tuyên bố Hòa hợp Bali II năm 2003, Chương trình hành động Viêng Chăn 2004, Hiến chương ASEAN năm 2007, Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN 2009-2015, Tuyên bố về Cộng đồng ASEAN trong một cộng đồng toàn cầu, Tuyên bố EAS về các Nguyên tắc quan hệ cùng có lợi năm 2011, Tuyên bố nhân quyền ASEAN năm 2012, Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các Kế hoạch tổng thể trên ba trụ cột, Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN 2025 và Kế hoạch công tác của Sáng kiến liên kết ASEAN (IAI) giai đoạn 3. Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối ngoại của ASEAN, đặc biệt là trong việc chính thức hóa các hội nghị cấp cao ASEAN với các đối tác và các hội nghị của Bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng, cũng như việc tham gia của hai cường quốc lớn vào tiến trình EAS.

Thông qua tiến trình hội nhập của mình, Việt Nam đã đóng góp quan trọng cho các nỗ lực hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu của ASEAN. Chính sách tích cực của Việt Nam trong việc vươn tới các thị trường toàn cầu thể hiện qua sự tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do, TPP và RCEP, ký kết các Hiệp định thương mại tự do song phương, nhất là với Liên minh châu Âu và Liên minh kinh tế Á - Âu. Theo đó, khi ASEAN ngày càng đẩy mạnh chương trình hội nhập cao hơn, cả thương mại và đầu tư và các lĩnh vực hợp tác khác giữa Việt Nam và ASEAN cũng được trông đợi sẽ tăng trưởng mạnh hơn nữa.

Dự kiến năm 2020, Việt Nam sẽ đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN tại thời điểm bản lề của Hiệp hội, khi ASEAN bắt đầu triển khai công tác đánh giá giữa kỳ việc thực hiện Tầm nhìn ASEAN 2025. Là một thành viên tích cực và có trách nhiệm, với những kinh nghiệm đã có, tôi tin rằng Việt Nam sẽ tiếp tục đạt được những thành quả lớn hơn trong tiến trình hội nhập khu vực của mình, đóng góp hơn nữa cho tăng trưởng và sự lớn mạnh của Cộng đồng ASEAN.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Tổng thư ký!

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/item/33668902-50-nam-asean-thong-nhat-trong-da-dang-vi-hoa-binh-va-phat-trien.html