500.000 đồng/năm để nghiên cứu khoa học

Không có môi trường, không có kinh phí, một số giảng viên (GV) ở những trường ĐH ngoài công lập có khả năng và đam mê nghiên cứu khoa học đành phải bỏ tiền túi ra làm.

Chi cho nghiên cứu khoa học không bằng chi tổ chức lễ

Bộ GD-ĐT quy định bên cạnh việc giảng dạy, mỗi GV bắt buộc phải làm nghiên cứu khoa học (NCKH). Theo đó, mỗi năm một GV trung bình phải có 500 giờ (tương đương 100 tiết chuẩn) dành cho hoạt động này. Thế nhưng, tại nhiều trường ĐH ngoài công lập, tình trạng GV không NCKH rất phổ biến, không phải vì không thích mà do họ không có điều kiện để nghiên cứu.

Không phải giảng viên trường ĐH nào cũng có điều kiện nghiên cứu khoa học. Trong ảnh: Giảng viên và sinh viên trường ĐH Kỹ thuật công nghệ trong một buổi thực hành - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Giáo sư Nguyễn Mộng Giao, Phó hiệu trưởng phụ trách nghiên cứu khoa học Trường ĐH Hùng Vương, thừa nhận: “Trường tôi một năm kinh phí dành cho NCKH là 125 triệu đồng. Số tiền này bao gồm cả việc tổ chức hội nghị, hội thảo, in ấn tài liệu... Tất nhiên sẽ phân bổ theo đề tài nhưng nếu chia bình quân thì mỗi GV chưa được 500.000 đồng. Trường cũng không có trang thiết bị gì để phục vụ cho NCKH, thư viện không có lấy một tờ tạp chí khoa học”. Ông trăn trở: “Có nhiều GV trẻ rất giỏi, rất muốn được NCKH nhưng điều kiện không có, hiệu trưởng không quan tâm, các em đành phải tham gia các nhóm bên ngoài”.

Giáo sư Giao nói thêm, số tiền một năm cho công tác NCKH của trường không bằng một nửa tiền chi ra cho một lễ kỷ niệm cấp trường.

Một giảng viên trẻ công tác tại một trường ĐH ngoài công lập khác ngậm ngùi: “Chúng tôi rất muốn có được một môi trường giảng dạy và nghiên cứu nghiêm túc, nhưng ở đây công tác NCKH không được coi trọng, người có khả năng cũng không được trọng dụng. Do đó chúng tôi phải tìm đến những người có cùng đam mê ở bên ngoài để tham gia NCKH”.

ĐH hay là trường cấp 4

Trường ĐH Văn Hiến hằng năm trích 2% ngân sách cho NCKH. Nhà giáo ưu tú Trần Chút, Phó hiệu trưởng, cho biết: “Kinh phí này quả thực vẫn là ít nếu như làm NCKH một cách nghiêm túc. Nhất là đối với những ngành về khoa học công nghệ rất cần có đủ trang thiết bị”. Tiến sĩ Lê Phú Hào, Trưởng phòng Quản lý khoa học và hợp tác quốc tế trường CĐ Kinh tế đối ngoại, cũng thông tin: “Đề tài nào được trường giao thầu mới có kinh phí, chẳng hạn như viết giáo trình. Những đề tài nào đặc biệt, GV làm đề xuất thì sẽ hỗ trợ thêm. Còn lại GV làm NCKH theo tính chất bắt buộc thì phải tự lo”.

Giáo sư Nguyễn Mộng Giao khẳng định: “Ở những trường ĐH-CĐ không có môi trường, điều kiện để NCKH thì nhiều GV không hề có nghiên cứu gì cả. GV nào làm thì những đề tài đưa ra cũng chỉ mang tính chất phong trào, tập tành thôi chứ không chuyên sâu”. Hậu quả, như ông Giao cho biết: “Có GV không biết cách mở đầu một công trình nghiên cứu như thế nào, một bài báo khoa học đơn giản theo đúng chuyên ngành cũng không biết viết”.

Trong khi đó, Nhà giáo ưu tú Trần Chút cho rằng ở các trường ĐH bây giờ, nhất là các trường ngoài công lập, GV không có thói quen NCKH. “Việc quản lý của các trường đối với công tác này còn lỏng lẻo. Có tình trạng người muốn làm NCKH thì lại được cấp ít tiền, trong khi có những công trình được cấp nhiều kinh phí thì sau khi nghiệm thu lại bỏ xó vì không có tác dụng thực tiễn”, ông Chút thừa nhận. Một GV Trường CĐ Công thương cũng cho biết việc NCKH ở trường mình không thực tế, chỉ là hình thức. Và GV này cho rằng nghiên cứu hình thức cũng giống như không nghiên cứu gì cả, không có tác dụng đối với công tác giảng dạy và không nâng cao được chất lượng.

Mỹ Quyên

Nguồn Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20111117/500-000-dong-nam-de-nghien-cuu-khoa-hoc.aspx