53% số người nhiễm HIV được điều trị kéo dài cuộc sống

Đã có hơn một nửa số người nhiễm HIV được điều trị kéo dài cuộc sống - báo cáo mới của UNAIDS vừa công bố chiều nay (20/7).

Chương trình Phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) cho biết, lần đầu tiên cán cân đã thay đổi: trên toàn thế giới, 53% số người nhiễm HIV đã được điều trị kháng HIV và số người tử vong do AIDS đã giảm gần một nửa trong thập kỷ vừa qua. Đến cuối năm 2016, đã có 19,5 triệu người nhiễm HIV được điều trị. Số người tử vong do AIDS đã giảm từ 1,9 triệu năm 2005 xuống còn 1 triệu vào năm 2016. Nếu tiếp tục duy trì được tiến độ này thì thế giới sẽ đạt được mục tiêu đến năm 2020 về tăng tốc trong điều trị HIV.

Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tính đến cuối năm 2016 có hơn hai phần ba tổng số người nhiễm HIV đã biết được tình trạng nhiễm của bản thân, khoảng 2/3 trong số người này đã tiếp cận được điều trị và cứ 5 người tham gia điều trị thì có 4 người đã đạt được tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế. Việc mở rộng điều trị kháng HIV đã giúp giảm gần 1/3 số người tử vong do AIDS trong khu vực kể từ năm 2010, và trong thành công này Việt Nam đã có những đóng góp đáng kể.

“Những bước tiến mạnh mẽ của Việt Nam trong việc mở rộng cung cấp các dịch vụ phòng chống HIV đã tạo ra những tác động rất rõ ràng trong việc khống chế dịch. Đến cuối năm 2016 một nửa tổng số người nhiễm HIV ở Việt Nam đã được điều trị kháng HIV và ước tính số người tử vong do AIDS đã đạt mức thấp nhất kể từ năm 2014. Số nhiễm HIV mới cũng giảm dần trong những năm gần đây"- Bà Marie-Odile Emond, Giám đốc UNAIDS Việt Nam cho biết.

Ảnh minh họa.

Mẹo tránh ‘khô vùng kín’ giúp đời sống vợ chồng thăng hoa

Bị Đờm, ho, khó thở, hen suyễn, COPD lâu năm cần lưu ý

Việt Nam đạt nhiều bước tiến tích cực

Việt Nam và toàn thế giới đã có những bước tiến tích cực trong việc thực hiện các mục tiêu 90–90–90 (đến năm 2020 có 90% tổng số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của bản thân, 90% số người đã biết tình trạng nhiễm được điều trị kháng HIV và 90% số người tham gia điều trị kháng HIV đạt được tải lượng vi rut dưới ngưỡng ức chế), nhưng công việc phía trước vẫn còn nhiều. Dịch AIDS vẫn chưa kết thúc. Số nhiễm HIV mới đang giảm dần, nhưng giảm chưa đủ nhanh.

Báo cáo mới của UNAIDS cho thấy trên toàn thế giới số nhiễm HIV mới đang giảm dần, nhưng nếu với tốc độ này thì không đủ để đạt được mục tiêu toàn cầu đến năm 2020 về giảm số nhiễm mới. Việt Nam cũng đang ở trong tình thế tương tự. Số nhiễm HIV mới ở Việt Nam đã giảm từ 28.000 ca mỗi năm vào đầu thập niên 2000 xuống còn khoảng 11.000 ca vào năm 2016. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ cần mở rộng nhanh chóng hơn nữa các can thiệp dự phòng đã chứng minh có hiệu quả cũng như tăng thêm đầu tư trong nước cho công tác dự phòng, bao gồm cho chương trình bơm kim tiêm và bao cao su, để có thể thực hiện thành công các mục tiêu quốc gia về dự phòng lây nhiễm HIV.

Việt Nam cũng cần thúc đẩy hơn nữa việc cung cấp các dịch vụ phòng chống HIV tại cộng đồng và được lồng ghép vào hệ thống y tế chung, cũng như mở rộng các cách tiếp cận thân thiện với người sử dụng dịch vụ và các sáng kiến đổi mới đã thí điểm thành công, để khuyến khích được nhiều người trong nhóm có nguy cơ cao tiếp cận và sử dụng dịch vụ.

“Việt Nam đang tiếp tục cho thấy quyết tâm mạnh mẽ trong việc duy trì bền vững ứng phó với HIV, thể hiện qua việc gia tăng đầu tư trong nước cho HIV từ nguồn bảo hiểm y tế và từ đóng góp của các địa phương. Đầu tư đủ và đầu tư thông minh cho phòng chống AIDS, ngay từ bây giờ, và tối ưu hóa tất cả các nguồn lực về tài chính và con người, ở tất cả các cấp, sẽ giúp Việt Nam tránh không để dịch HIV tiến triển phức tạp hơn nữa, dẫn đến phải đầu tư nhiều hơn cho ứng phó với HIV trong tương lai, và có thể kết thúc được dịch AIDS vào năm 2030"- Bà Marie-Odile Emond cho biết.

Xem chi tiết Báo cáo mới về tình hình thực hiện mục tiêu Kết thúc dịch AIDS dưới đây:

File đính kèm

thong-cao-bao-chi_unaids_final-20072017_vn1500540946.pdf

D.Hải

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/53-so-nguoi-nhiem-hiv-duoc-dieu-tri-keo-dai-cuoc-song-n134239.html