6 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước tập trung tháo gỡ vướng mắc xử lý nợ xấu

Một trong những nội dung trọng tâm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nửa đầu năm nay là hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu trình Quốc hội thông qua. Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định như vậy tại buổi họp báo Thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2017.

Quyền xử lý tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng gặp nhiều hạn chế, khiến việc xử lý nợ xấu khó khăn

Tại buổi họp báo, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc xử lý nợ xấu chưa được nhanh và triệt để như mong muốn, vì gặp nhiều vướng mắc, đặc biệt là vướng mắc về pháp lý.

Theo báo cáo của các ngân hàng thương mại và VAMC, tổng số nợ xấu chưa được xử lý vào khoảng 450.000 – 500.000 tỷ đồng, tương đương 20 - 25 tỷ USD. Điều đáng quan ngại là số nợ xấu này tập trung vào một số ngân hàng yếu kém đang trong quá trình tái cơ cấu.

Đồng quan điểm này, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định, mặc dù Chính phủ đã có Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng từ năm 2011, nhưng kết quả đạt được vẫn còn khá khiêm tốn. Nguyên nhân chủ yếu là do không có nguồn lực tài chính tập trung đủ lớn để giải quyết nhanh nợ xấu. Mặt khác, Việt Nam vẫn chưa xây dựng được hành lang pháp lý đủ mạnh để xử lý nợ xấu nhanh và hiệu quả.

“Ở Việt Nam, nếu không có nguồn lực tài chính tập trung, mà dựa vào năng lực tự tái cấu trúc của các ngân hàng thương mại thì càng đòi hỏi phải có một hành lang pháp lý mạnh mẽ hơn nữa. Vì bản thân các ngân hàng thương mại không đủ quyền lực, quyền chủ nợ để thu hồi nợ, thu hồi tài sản đảm bảo hoặc mua bán nợ theo nguyên tắc thị trường, mà không xung đột với các đạo luật có liên quan khác”, TS. Nghĩa nói.

TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cho rằng, câu chuyện được nhắc đến nhiều lần, nhưng đến nay vẫn chưa xử lý được một cách có ý nghĩa. Đó là nâng cao quyền lực, nguồn lực của VAMC và các tổ chức tín dụng. Cụ thể hơn, đó là những vấn đề liên quan đến tài sản bảo đảm, phát triển thị trường mua bán nợ và sự tham gia của các nhà đầu tư có liên quan.

“Cần xác định rõ các quyền của tổ chức tín dụng, VAMC trong xử lý nợ xấu, nhất là đối với tài sản đảm bảo. Như đối với quy định mua bán nợ theo giá thị trường, có thể cho phép người bán thấp hơn hoặc cao hơn giá trị khoản nợ đó, nhưng vẫn đủ minh bạch, cũng như rõ ràng về trách nhiệm xử lý người gây ra nợ xấu (nếu có) chứ không có sự đánh đồng công, tội”, TS. Thành nói.

Liên quan đến xử lý nợ xấu, một vấn đề được thị trường đề cập nhiều thời gian qua, đó là quyền xử lý tài sản của tổ chức tín dụng được thể hiện trong hợp đồng thế chấp, nhưng bị hạn chế, thậm chí bị vi phạm, dẫn đến việc xử lý tài sản gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, nói như ông Hà Sỹ Vịnh, Phó giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và xử lý rủi ro Agribank, “quyền xử lý tài sản bị vi phạm một cách phổ biến, không được đảm bảo, không được bảo vệ theo những nguyên tắc của Bộ luật Dân sự”.

Bà Hồng khẳng định, trong Dự thảo nghị quyết xử lý nợ xấu lần này, NHNN đã đề xuất nội dung đảm bảo quyền chủ nợ, đảm bảo quyền thu giữ tài sản đảm bảo, quy định rõ: tổ chức tín dụng và VAMC có quyền lưu giữ tài sản đảm bảo của chủ nợ.

Cũng tại buổi họp báo, lãnh đạo NHNN cho biết, tín dụng tính đến ngày 25/5 đạt mức tăng trưởng 6,53% so với đầu năm, cao hơn cùng kỳ 2016 (5%) và năm 2015 (4,5%). Đặc biệt, tín dụng tăng trưởng đã hỗ trợ hoạt động sản xuất - kinh doanh trong bối cảnh vốn đầu tư công chưa được đẩy mạnh đầu năm nay.

Trước đó, tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, cơ cấu tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh với tỷ trọng khoảng 80%, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, các dự án lớn, trọng tâm trọng điểm theo chủ trương của Chính phủ (chiếm khoảng 50% tổng dư nợ). Trong đó, tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn chiếm khoảng 19%; tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 22% tổng dư nợ của nền kinh tế.

Về tín dụng trung - dài hạn, hiện tỷ trọng dư nợ cho vay trung dài hạn chiếm khoảng 53% tổng dư nợ tín dụng, trong khi nguồn vốn huy động trung dài hạn toàn hệ thống chỉ chiếm khoảng 15%. Điều này đang tạo sức ép và rủi ro chênh lệch kỳ hạn cho hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, để tạo nguồn vốn đầu tư, NHNN vẫn đang cho phép các tổ chức tín dụng sử dụng tối đa 50% vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Trước câu hỏi của phóng viên liên quan đến những khuyến nghị của một số chuyên gia về rủi ro cho vay với các dự án BT, BOT, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh: “NHNN không đưa ra lệnh cấm hay ngưỡng đối với cho vay BT, BOT. Nhưng các ngân hàng cần cân đối sử dụng vốn hợp lý để vừa đáp ứng được nhu cầu sản xuất - kinh doanh, vừa đảm bảo an toàn hệ thống”.

Nhuệ Mẫn

Nhuệ Mẫn

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/tien-te/6-thang-dau-nam-ngan-hang-nha-nuoc-tap-trung-thao-go-vuong-mac-xu-ly-no-xau-190244.html