6 thói quen khiến bạn không được đồng nghiệp tôn trọng

Đừng để cái tôi cá nhân, tính thiếu kỷ luật của bạn tự do ngoài tầm kiểm soát, nếu không bạn sẽ đánh mất sự tôn trọng của mọi người ở chốn công sở nhiều thị phi.

Bạn đến cơ quan hàng ngày và về nhà vào lúc 6 giờ tối với hòm thư đến trống rỗng. Bạn không bao giờ nhận là người làm việc tốt nhất ở công ty nhưng có lẽ bạn cũng nên suy nghĩ về vị trí của mình trong công ty và trong mắt đồng nghiệp và cấp trên. Liệu bạn đã làm việc tốt chưa, giải quyết các vấn đề nhóm tốt chưa và đừng lảng tránh câu hỏi liệu mọi người có tôn trọng bạn không. Có thể không ai hét vào mặt bạn và nói tôi không coi anh ra gì ở công ty này, nhưng sự im lặng của họ là bằng chứng cho thấy tất cả. Vậy vì đâu mà bạn đánh mất sự tôn trọng của mọi người đối với bạn chốn công sở. Chúng ta hãy thử tìm những lý do của vấn đề này trong bài viết dưới đây.

1. Thường xuyên…muộn

Bạn có thể là người thông minh, sáng tạo và tạo ra những thay đổi trong công ty. Tuy nhiên có một vấn đề mà có thể khiến bạn không được đánh giá cao, đó là việc bạn liên tục… muộn. Bạn đến cuộc họp muộn và khiến cuộc họp bị trì hoãn. Bạn muộn tiến độ công việc khiến bộ phận khác bị ảnh hưởng. Bạn muộn hạn chót và ảnh hưởng đến kết quả chung của toàn nhóm. Cuối cùng, bạn là người luôn chậm trễ và khiến người khác mất niềm tin vào bạn.

Giải pháp:

Hãy dành ra một khoảng thời gian chuẩn bị trong bất kỳ kế hoạch nào bên cạnh thời gian làm việc chính. Điều này đồng nghĩa với việc bạn phải ngủ dậy sớm hơn một chút, đến cơ quan sớm một chút, làm việc trước tiến bộ nhanh hơn một chút. Kết quả đạt được là bạn có thể có mặt tại cuộc họp đúng giờ, hoàn thành công việc đúng hạn chót, không nằm trong danh sách phạt nội quy giờ làm. Và cuối cùng, bạn sẽ lấy lại được lòng tin và sự tôn trọng của đồng nghiệp và người quản lý.

2. Nói chuyện điện thoại quá nhiều

Tất nhiên, có điện thoại thì phải nhấc máy nghe và thật khó để bỏ dở cuộc trò chuyện giữa chừng. Nếu là bàn chuyện công việc thì không có gì để trách, nhưng nếu là chuyện cá nhân bạn cần thận trọng. Bỏ quá nhiều thời gian làm việc vào những công chuyện cá nhân ở chốn công sở dễ khiến bạn bị soi xét. Rõ ràng, đó là cách gây ồn, làm gián đoạn công việc nhóm và “thách thức” người quản lý sa thải bạn. Vậy, làm sao họ có thể tôn trọng bạn?

Giải pháp:

Tốt nhất bạn không nên mang theo điện thoại vào cuộc họp. Hãy để điện thoại ở chế độ im lặng và chỉ nghe những cuộc điện thoại cần thiết hoặc nhắn tin trả lời.

3. Chửi thề

Môi trường công sở không chấp nhận những từ ngữ thô lỗ. Chửi thề là một trong những dạng giao tiếp thiếu kiềm chế có thể đẩy bạn vào tình thế khó xử. Nếu nhẹ, bạn có thể bị kiểm điểm và trừ điểm. Nếu quá sỗ sàng, bạn có thể bị sa thải ngay lập tức. Nhưng đặc biệt, bạn có thể bị mất sự tôn trọng chỉ trong tích tắc và dù nếu bạn không làm việc tại công ty nữa, bạn cũng khó khôi phục được ấn tượng tốt với đồng nghiệp.

Giải pháp:

Đừng biến mình trở thành cậu bé 12 tuổi nổi loạn trong cơ thể của một người trưởng thành. Hãy cẩn thận trong từng suy nghĩ và phát ngôn.

4. Ăn mặc giống như đi tiệc

Giao tiếp không chỉ có lời nói, mà còn có điệu bộ, cử chỉ và vẻ bề ngoài. Nếu bạn muốn người khác tôn trọng mình trước, hãy tôn trọng mình trước bằng cách tôn trọng quy tắc trang phục nơi làm việc. Ở những môi trường làm việc khắt khe như văn phòng chính phủ, ngân hàng… bạn đừng vô tư thể hiện phong cách cá nhân hay phong cách nổi loạn của mình.

Giải pháp:

Rõ ràng một bộ đầm vải sequin chỉ hợp với một buổi dạ hội đông người và một bộ áo vest đen chỉ hợp với một cuộc họp lớn. Bạn cần biết mình đang ở đâu và chọn trang phục phù hợp để người khác không soi xét bạn.

5. Gửi thư quên không đính tệp gửi kèm

Nếu bạn quên không đính tệp gửi kèm một lần, đồng nghiệp hoặc cấp trên sẽ nghĩ bạn vội nên quên. Nhưng nếu bạn lặp lại lỗi này thường xuyên, họ sẽ đánh giá rằng bạn là người bất cẩn.

Giải pháp:

Đừng vì một lỗi nhỏ quên không kiểm tra lại tập tin đính kèm mà để mất đi sự tôn trọng và uy tín của bạn. Nếu được nhắc nhở, hãy ghi nhớ lỗi này. Hãy dành ra một phút để kiểm tra lại email một lần trước khi gửi email.

6. Không có mặt tại bàn làm việc

Bạn có một chỗ ngồi riêng ở văn phòng bởi vì công việc của bạn phải ngồi làm việc liên quan đến máy tính và giấy tờ, trừ phi bạn đi công tác. Ngoài ra, các lý do chỉ có thể là không làm việc và làm việc riêng. Đừng để đồng nghiệp “tố” bạn làm việc lơ là khi bạn vắng mặt liên tục tại cơ quan.

Giải pháp:

Bạn không cần phải “bó chân” ở ghế làm việc, nhưng bạn cần chứng tỏ rằng bạn đang ngồi và làm việc nghiêm túc cũng như tôn trọng quy tắc công ty.

Thay lời kết

Những việc tưởng chừng như nhỏ nhặt như đi làm muộn, mặc gì đi làm hoặc phát ngôn thiếu suy nghĩ có thể ảnh hưởng đến thể diện của bạn ở chỗ làm việc. Đừng để cái tôi cá nhân, tính thiếu kỷ luật của bạn tự do ngoài tầm kiểm soát, nếu không bạn sẽ đánh mất sự tôn trọng của mọi người ở chốn công sở nhiều thị phi.

Nguyễn MaiTheo Forbes

Xem thêm:

5 vật dụng văn phòng bẩn hơn cả chiếc bồn cầu

6 tố chất của một nhà lãnh đạo tài năng

Mời độc giả tiếp tục chia sẻ những câu chuyện chốn công sở hoặc kinh nghiệm văn phòng để nhận được những tư vấn từ độc giả Emdep.vn. Tất cả những chia sẻ, mời các bạn gửi tới địa chỉ mail hanglt@i-com.vn.

5 vật dụng văn phòng bẩn hơn cả chiếc bồn cầu

6 tố chất của một nhà lãnh đạo tài năng

Mời độc giả tiếp tục chia sẻ những câu chuyện chốn công sở hoặc kinh nghiệm văn phòng để nhận được những tư vấn từ độc giả Emdep.vn. Tất cả những chia sẻ, mời các bạn gửi tới địa chỉ mail hanglt@i-com.vn.

Nguồn Em Đẹp: http://emdep.vn/dac-nhan-tam/6-thoi-quen-khien-ban-khong-duoc-dong-nghiep-ton-trong-20160229155258837.htm