680 tỷ đồng/1 km đường sắt cao tốc Hà Nội - Hồ Chí Minh

- Theo tính toán của Chính phủ, để xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Hà Nội - Hồ Chí Minh dài 1.570km, tổng mức đầu tư sơ bộ được xác định là 1.066.792 tỷ đồng, tương đương 55.853 triệu USD (tỷ giá 1 USD = 19.100 đồng). Như vậy, suất đầu tư bình quân là 680 tỷ đồng/1km, tương đương 35,6 triệu USD/1km.

Tiếp tục Phiên họp thứ 30, chiều nay (17/4), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về báo cáo Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – thành phố Hồ Chí Minh. Lo ngại nhất vẫn là vốn Theo Tờ trình của Chính phủ, dự kiến xây dựng tuyến đường dài 1.570 km, trong đó cầu cạn dài 1.043 km (chiếm 67%), cầu vượt sông và đường bộ là 46 km (chiếm 3%), hầm 117 km (chiếm 7%), còn lại là nền đường đào đắp dài 364 km chiếm 23%. Theo tính toán tổng diện tích đất thu hồi khoảng 4.170 ha đất và 9.480 hộ cần tái định cư. Tổng mức đầu tư của Dự án sơ bộ được xác định là: 1.066.792 tỷ đồng, tương đương 55.853 triệu USD (tỷ giá 1 USD = 19.100 đồng). Như vậy, suất đầu tư bình quân là 680 tỷ đồng/1km, tương đương 35,6 triệu USD/1km. “Suất đầu tư này thuộc loại trung bình khi so sánh với suất đầu tư đường sắt cao tốc tính cho 1km đường sắt Bắc Kinh – Thượng Hải là 24,3 triệu USD, Đức 47,2 triệu USD, Hàn Quốc 52,9 triệu USD, Pháp 22,2 triệu USD” - Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng cho biết. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đánh giá: đây là Dự án có vốn đầu tư rất lớn, suất đầu tư cao, trong đó tập trung chủ yếu cho xây dựng kết cấu hạ tầng (chiếm 55,3%), chi phí tư vấn của Dự án tới 73.153 tỷ đồng, tương đương 3.830 triệu USD (chiếm 6,8%), chi phí dự phòng tới 139.144 tỷ đồng, tương đương 7.285 triệu USD (chiến 13%) so với tổng mức đầu tư là hơi cao. Nhìn vào tổng mức đầu tư được ước tính các thành viên UBTVQH không khỏi lo lắng. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền khẳng định: “55,853 tỷ USD là con số được tính ở thời điểm năm 2008, đến khi triển khai chắc chắn là tổng mức đầu tư sẽ cao hơn rất nhiều". Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước cũng bày tỏ lo ngại về vốn. Ông lí giải, đất nước có nhiều dự án cũng cần nguồn lực rất lớn nên không thể chỉ tập trung vào dự án này được. “Muốn thì muốn có đường cao tốc thật” nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cũng không tránh khỏi phân vân “không biết có huy động được vốn không bởi với tổng mức đầu tư của Dự án như trên thì bình quân một năm phải huy động hơn 4,3 tỷ USD.” Giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cũng không giấu tâm tư “rất lo về vốn” và cho hay hiện chưa có cam kết nào về vốn bởi các nhà tài trợ cần phải có dự án thì mới cam kết tài trợ. Chính vì vậy ông đề nghị Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư tại kỳ họp được khai mạc vào tháng 5 tới. Đi từ Bắc – Nam mất 5h30: có khả thi? Chính phủ đã nghiên cứu đưa ra 4 phương án đầu tư dự án và lựa chọn phương án nâng cấp tuyến đường sắt hiện tại để vận chuyển hàng hóa và hành khách các địa phương. Đồng thời xây dựng mới tuyến đường sắt với tốc độ 300 km/h để phục vụ vận chuyển khách. Tuy nhiên các đại biểu phân vân tới tính hiệu quả của Dự án. Bởi theo dự án, nếu xây dựng 27 ga trên toàn tuyến (1.570 km) thì trung bình 58km/ga, khoảng cách như vậy sẽ làm tăng thời gian dừng, đỗ, tăng tốc, rất khó bảo đảm đạt vận tốc trung bình là 300 km/h đề ra. Mặt khác, thời gian dừng, đỗ khoảng dưới 5 phút ở mỗi ga là rất khó thực hiện trong thực tế nước ta, do vậy thời gian bảo đảm hành trình như Dự án đề ra (khoảng 5 giờ 30 phút) là khó thực hiện được. “Nếu trung bình trên 50 km/ga thì tàu vừa mới tăng tốc lên 300km/h một chút thì đã phải dừng. Nên tính toán lại số ga vì nếu giảm số ga sẽ giảm được tổng vốn đầu tư”.- ông Ksor Phước nói Cũng theo Tờ trình của Chính phủ, hiệu quả xã hội mà đường sắt cao tốc mang lại là rất lớn. Cụ thể, sẽ giảm thiểu số người chết, bị thương do tai nạn giao thông gây ra (với số liệu tai nạn giao thông năm 2009 thì nếu có đường sắt cao tốc sẽ giảm 20% số người chết/năm); giảm thiểu khí thải ảnh hưởng tới môi trường; phân bố lại mật độ dân cư; góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng cho đất nước... Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng Tờ trình của Chính phủ mới nhìn nhận giá trị trực tiếp Dự án mang lại, chưa phân tích sâu tới việc tác động của Dự án đối với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập trong khu vực. “Dự án đòi hỏi vốn đầu tư quá lớn nên hiệu quả tài chính của dự án không cao” - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Đặng Vũ Minh nhận định. Theo tính toán, nếu áp dụng chính sách giá vé bằng 75% giá vé máy bay thì chỉ số nội hoàn tài chính (FIRR) cũng chỉ đạt 2,4 - 3%. Điều đó cho thấy đây là dự án đầu tư mang tính lâu dài. Chủ nhiệm Hà Văn Hiền cho rằng cần tính đến yếu tố giá vé (dự kiến bằng 75% giá vé máy bay) ảnh hưởng như thế nào đối với lượng hành khách đi tàu khi đối tượng này còn có cơ hội lựa chọn phương tiện khác là đường hàng không. Bên cạnh đó, Tờ trình của Chính phủ chưa phân tích những khả năng xảy ra rủi ro đối với hiệu quả kinh tế của Dự án. Đó là rủi ro trong quá trình xây dựng dẫn tới tăng vốn đầu tư vì tăng khối lượng và đơn giá xây dựng cơ bản khi đến 70% là xây dựng cầu cạn, do phát sinh những vấn đề liên quan đến thiết kế, biến động về giá cả, thị trường, do thu xếp tài chính không đáp ứng tiến độ v.v. Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Chính phủ cần lượng hóa tác động của những rủi ro này cũng như đánh giá mức độ nhạy cảm của các chỉ tiêu kinh tế ảnh hưởng tới Dự án để đánh giá mức độ rủi ro khi quyết định đầu tư./.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=399351&co_id=30106