7 dấu hiệu sớm nhất 'cảnh báo' mẹ bầu sắp sinh non

Mẹ cần nhận biết được các dấu hiệu chuyển dạ sinh non để nhanh chóng đến bệnh viện kịp thời nhé.

Sinh non là trường hợp mẹ bầu chuyển dạ trong khoảng thời gian từ tuần thai thứ 20 – 37. Nguyên nhân của tình trạng này là do mẹ bầu gặp phải các bất thường trong quá trình mang thai như: rỉ ối, rau bong non, nhau bám thấp,…

Trẻ sinh non có khả năng sống sót thấp hơn trẻ bình thường do hệ hô hấp vẫn chưa hoàn thiện nên có nguy cơ bị suy hô hấp, dẫn đến thiếu oxy não, thậm chí là tử vong. Chính vì vậy, việc nhận biết các dấu hiệu chuyển dạ sinh non có vai trò vô cùng quan trọng trong việc duy trì sự sống cho trẻ. Dưới đây là các phản ứng của cơ thể mà mẹ cần ghi nhớ:

Tăng dịch tiết vùng kín

Nếu trước tuần 37, mẹ bỗng thấy “cô bé” tiết nhiều dịch hơn bình thường hoặc kèm theo chất nhầy có màu nâu đỏ, lẫn máu thì mẹ nên tới ngay bệnh viện để khám nhé. Vì đây là dấu hiệu cho thấy mẹ sắp sinh non đấy.

Nếu mẹ nhận thấy các cơn gò tử cung xuất hiện tới tần suất liên tục lên tới 3 cơn co trong 10 phút thì mẹ cần tới ngay bệnh viện.

Các cơn gò tử cung

Việc xuất hiện các cơn co thắt giả trong tuần thai thứ 35, 36 không phải là hiếm đối với các mẹ bầu. Nhưng nếu mẹ thấy các cơn co thắt diễn ra liên tiếp với tần suất lên tới 3 cơn co trong 10 phút hay đi kèm theo với các dấu hiệu như chuột rút, xuất huyết âm đạo thì mẹ cần đặc biệt cẩn trọng.

Cảm thấy áp lực dồn xuống xương chậu

Một vài tuần trước khi sinh, thai nhi sẽ tụt hẳn xuống vùng xương chậu để tạo áp lực lên cổ tử cung, chuẩn bị cho quá trình chào đời. Tuy nhiên, nếu mẹ cảm nhận được điều này sớm quá thì hãy đi bệnh viện kiểm tra luôn nhé.

Thắt lưng đau nhức

Theo một vài nghiên cứu, những mẹ bầu sinh non thường cảm thấy vùng lưng đau nhức dữ dội, nhất là khi trước đó mẹ ít bị chứng đau lưng khi mang thai “làm phiền”.

Buồn nôn, nôn ói

Nôn ối là triệu chứng quen thuộc khi mẹ bị ốm nghén. Nhưng nó chỉ xuất hiện nhiều trong giai đoạn mang thai 3 tháng đầu thôi mẹ nhé. Còn khi mẹ thấy buồn nôn, đầu óc choáng váng thì rất có thể thai nhi đang gặp bất thường và muốn “ra ngoài”.

Thai máy ít hơn

Vào tháng thứ 4, thứ 5 của thai kỳ, mẹ sẽ bắt đầu cảm nhận được sự chuyển động của bé bằng những động tác đạp, máy vào bụng. Đây cũng được coi là một biểu hiện chứng tỏ bé đang phát triển khỏe mạnh. Do đó, mẹ nên thường xuyên kiểm tra số lần thai máy của con. Nếu trong lúc đếm mà mẹ thấy bé không có gần 10 cử động trong khoảng 2 giờ thì hãy đi khám ngay nhé.

Đếm số lần thai máy chính là một phương pháp giúp mẹ đánh giá được tình trạng thai nhi.

Vỡ ối

Nước ối là môi trường sống bao quanh thai nhi. Khi nước ối vỡ cũng là lúc sự sống của thai bị “đe dọa”. Hiện tượng này không giống nhau ở các mẹ bầu, có những mẹ nước ối tuôn xối xả nhưng có mẹ lại chỉ nhỏ vài giọt. Dù như thế nào thì khi phát hiện vết nước lạ ở vùng kín, mẹ cũng cần đến ngay bệnh viện để kiểm tra

Phòng ngừa sinh non

Cách phòng ngừa sinh non hiệu quả nhất là mẹ bầu cần duy trì một thai kỳ khỏe mạnh. Để làm được điều đó, mẹ hãy bổ sung đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu, kết hợp với một chế độ nghỉ ngơi, tập luyện điều độ.

Bên cạnh đó, khi mẹ nhận thấy các dấu hiệu bất thường của cơ thể như viêm ngứa vùng kín, đau bụng, rò rỉ nước ối,… mẹ cần đến gặp bác sĩ ngay để điều trị nhanh chóng, dứt điểm, tránh để lâu dài, bệnh chuyển thành biến chứng nặng nề hơn.

Ngoài ra, mẹ cũng cần tuân thủ theo đúng lịch trình khám thai do bác sĩ đề ra. Đây chính là cách giúp mẹ kiểm soát và theo dõi sát sao tình hình thai kỳ.

X.P

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/7-dau-hieu-som-nhat-canh-bao-me-bau-sap-sinh-non-249034.html